Hiểm trở, khó khăn, đòi hỏi nhiều sức bền - đó là những gì mà cung trekking Tà Năng mang lại. Nhưng kết quả mà bạn nhận được sẽ lại gấp hơn bội phần!

Trekking Tà Năng: Hãy đi khi bạn còn có thể...

Tri thuc tre | 06/09/2016, 11:26

Hiểm trở, khó khăn, đòi hỏi nhiều sức bền - đó là những gì mà cung trekking Tà Năng mang lại. Nhưng kết quả mà bạn nhận được sẽ lại gấp hơn bội phần!

Tôi đã từng chạm mốc biên giới hoặc ra tận đảo xa, dĩ nhiên những hạn chế về công nghệ là điều có thể lường trước được. Ở những nơi tôi từng qua, sóng có thể chập chờn đôi lúc, 3G có thể tạm quên đi vài tiếng, kiểu gì cũng sẽ có một chút điện. Nhưng đứt liên lạc với phần còn lại của thế giới hẳn 3 ngày trong một không gian chỉ có ta và thiên nhiên như ở Tà Năng - là một chuyện khác hẳn. Tin tôi đi, khác hẳn!

Thú thật là lúc tôi gật đầu tham gia chuyến hành trình xuyên rừng từ Lâm Đồng xuống Bình Thuận này, tôi không hề hình dung được những gì mình sắp trải qua. Trong đầu tôi khi ấy, Tà Năng chỉ tồn tại vẻn vẹn qua vài ba tấm hình về một đồng cỏ nắng cháy xém, cùng vài dòng review khen bâng quơ trên mạng. Nhưng tôi đang có 1 tuần tồi tệ đến nỗi chỉ muốn nhanh chóng thoát được khỏi cái thành phố ngột ngạt này càng sớm càng tốt, chỉ đợi có người rủ, vậy là tôi gật. Tà Năng hả? Nghe đồn cũng đẹp đó, đi đâu cũng được mà, đi thôi!

Để bắt đầu hành trình, chúng tôi bắt xe đêm chuyến Sài Gòn-Đà Lạt và dặn nhà xe thả ngay đầu ngã ba Tà Hine. Lịch trình của chuyến đi là đi bộ xuyên rừng từ Tà Hine (Lâm Đồng) xuống tận Bình Thuận, quãng đường ước tính khoảng 40km. Lúc này chỉ mới khoảng 3 giờ sáng, ngã ba Tà Hine tối đen như mực, đằng xa xa chỉ le lói một vài ánh đèn mờ tỏ phát ra từ những quán hàng mở sớm để phục vụ cánh tài xế. 6 giờ sáng, anh chàng tour guide với một cái balo khổng lồ trên lưng xuất hiện tươi cười. Trái ngược hoàn toàn với những gì tôi tưởng tượng, anh thấp bé, nhưng không hề nhỏ con, vẻ rắn rỏi sương gió hằn rõ trên mặt. 4 người chúng tôi bắt 2 chiếc xe ôm rồi hướng thẳng về phía bìa rừng.

Đoạn đường đầu tiên trải qua khá suôn sẻ. Đoàn bốn người chúng tôi đi giữa, rừng thông reo vi vu 2 bên, nắng lấp lánh xuyên qua kẽ lá, có đoạn băng ngang sang khu đầm lầy xanh biếc tuyệt đẹp mà tôi chưa từng thấy bao giờ, có đoạn lúa xanh mơn mởn cả một vùng rộng lớn, có khu vực thảo nguyên được điểm xuyết vài ngôi nhà gỗ nhỏ giữa ruộng ngô yên bình không thể tả. Vừa đi anh tour guide vừa hướng dẫn bọn tôi các loại cây, quả rừng. Cứ tưởng phải sang tận trời tây mới thưởng thức được mâm xôi, nào ngờ ngay trong rừng cũng có cơ chứ, lại còn được hứa hẹn một bữa lẩu rau rừng ban tối, chao ôi là háo hức.

Đường đi xuyên qua rừng thông cực đẹp

Sau khi nghỉ trưa chúng tôi đã ra khỏi rừng thông, bắt đầu tiến về phần địa hình "đồng cỏ". Suốt cả buổi chiều ngày đầu tiên, chúng tôi dành để đi xuyên qua khu vực đồng cỏ để đến nơi cắm trại: trên ngọn đồi cao nhất. Đồng cỏ là 1 vùng rộng lớn với cảnh quan thiên nhiên đi từ A đến O, nghĩa là đi tới đâu, miệng bạn sẽ vô thức hết "a" rồi "ô" tới đó, muốn nói theo cách hoa mỹ thì tôi nghĩ từ "bao la" có vẻ chính xác. Bạn có thể nhìn trên hình chúng tôi tí tẹo ở 1 góc, thực tế hãy nhân khung cảnh lên khoảng 7 lần, bạn sẽ hiểu tôi đã thấy mình nhỏ bé tới chừng nào trước đất trời.

Trekking chưa bao giờ là loại hình du lịch trải hoa hồng. Để qua hết được địa hình đồng cỏ chúng tôi phải chinh phục cả thảy 5 ngọn đồi (3 ngọn cho ngày thứ nhất) mỗi ngọn đồi cao trung bình 600-800m, nghĩa là tương đương với 1 tòa nhà 40 tầng, dốc đứng khoảng 60 độ, dĩ nhiên là leo bộ dưới nắng với cái balo to oành trên lưng chứa đầy đồ ăn, nước uống nữa cơ. Khỏi phải nói nhiều, tôi gục ngã ngay ở bước chân thứ 10 trên ngọn đồi đầu tiên. Cứ thế, đi non chục bước là tôi lại phải dừng lại một chốc để thở hổn hển, mọi người thì cứ động viên cố lên, người thì mang giúp balo, người thì đẩy phụ tôi lên những đoạn dốc đứng.

Mà dốc ở Tà Năng ngộ lắm nhé, cứ đứng dưới nhìn lên thấy đỉnh ở đâu, y như rằng cố gắng lắm lên được tới đó là lại nhìn thấy một đỉnh khác, cứ thế, cứ thế dường như những ngọn đồi ở đây chẳng có điểm dừng. Chừng 5, 7 lần cố gắng hụt như thế tôi đâm ra mặc kệ, thôi thì cứ từ từ lết, dù chậm tới cỡ nào thì đi mãi cũng sẽ tới nơi, miễn là mình không bỏ cuộc. Dốc thì cao, gió thì mát rượi, nhìn xuống bên dưới là cả một biển cỏ mênh mông dập dìu theo tiếng gió, tôi-nhỏ bé-chống gậy liêu xiêu bước từng bước khó nhọc vì cạn sức. Bỗng nhiên tôi nghĩ tới cái lý tưởng dành cả tuổi trẻ để kiếm tiền để dành về hưu của nhiều người, khi thân xác này trở nên già cỗi, leo vài bậc cầu thang cũng khó nhọc tưởng chừng núi cao, đôi chân bước vài bước ra ngõ nhỏ đã mệt nhoài, lúc ấy kì thực cả gia tài chẳng bằng đổi lại được tuổi thanh xuân.

Những con đường đi mãi không thấy điểm dừng

Lết mãi thì tôi cũng vượt được hết 3 ngọn đồi và đặt chân đến điểm cắm trại. Cảm giác lúc này quả thực không có ngôn từ gì có thể diễn tả hết được. Như thể tất cả quãng thời gian mệt nhọc của bạn đều được đền đáp xứng đáng tới từng phút từng giây. Điểm cắm trại của chúng tôi ở trên đỉnh của ngọn đồi cao nhất, chỉ cảnh vật trên đường đi thôi mà tôi đã dùng chữ "bao la" để miêu tả thì ở đây có lẽ chẳng biết nên dùng từ ngữ gì cho phải.

Trước khung cảnh đẹp tới từng centimet ấy, tôi thực chẳng biết phải làm gì hơn ngoài chuyện đứng sững trên thảm cỏ xanh, bức tranh ấy đã quá hoàn hảo rồi, chẳng cần tôi tô vẽ thêm chi nữa, máy móc tân tiến đến đâu, cũng chẳng bằng dùng chính mắt mình mà thưởng ngoạn, dùng chính tai mình mà lắng nghe lời thầm thì của núi rừng.

Buổi tối của đám chúng tôi trôi qua trong ánh lửa bập bùng, nơi bốn con người ở bốn thế giới khác biệt, ngồi lại bên nhau giữa nghìn trùng núi non, kể nhau nghe về cuộc đời, về tuổi trẻ, về ước mơ. Không còn cảnh ai nấy cắm mặt vào điện thoại, loại bỏ những phiền hà khó chịu từ thế giới văn minh, dẹp đi những tiếng chuông báo nhiều khó chịu, hạnh phúc đôi khi chỉ là nồi lẩu rau rừng ngon nhất thế giới, là cùng nhau uống chung ly trà gừng ấm áp, dựa vào nhau nhìn đốm lửa tí tách trong đêm. Tới tận khi vào nằm yên ấm trong lều mà bài hát phát ra từ cái loa bé xíu anh bạn tôi mang theo vẫn còn văng văng bên tai, hòa cùng tiếng gió rít giữa đồi.

"Sớm thức dậy ở một nơi xa"

Hành trình của ngày thứ hai cũng tương tự như ngày thứ nhất, chúng tôi cần phải vượt qua được hết "đồng cỏ", qua thêm 2 ngọn đồi cao ngang tòa nhà 40 tầng, vượt thêm non chục cây số đường rừng để có thể tới suối trước buổi tối. Tuy nhiên cung đường là đi từ cao nguyên xuống đồng bằng, từ địa hình cao xuống thấp nên cây cối dọc đường ngày càng thưa thớt, khí hậu càng đi càng nắng nóng, nhưng nước chỉ còn khoảng hơn 3 lít cho cả 4 người. Những đoạn dốc hôm qua tôi gần như lết mãi mới lên được tới nơi thì hôm nay lại còn chẳng được tiếp đủ nước. Cứ thế cả bọn lần mò đi dưới cái nắng đổ lửa của vùng đồng bằng, lúc nào quá khát thì chia nhau uống từng ngụm nước nhỏ.

Con đường nào đi mãi rồi cũng đến nơi, miễn là mình không bỏ cuộc nửa chừng, miễn là mình kiên trì đi tới. Và tôi sẽ nhớ mãi cái khoảnh khắc bản thân vỡ òa khi nghe được tiếng suối róc rách, rồi dần dần thấy dòng suối hiện rõ ràng ra trước mắt, nước suối trong vắt luồn lách khéo léo qua khe đá, có đoạn êm ả trôi, có đoạn tinh nghịch chảy. Có nước nghĩa là có thể ăn uống thỏa thích, có nước nghĩa là có thể tắm gội sạch sẽ sau hai ngày lặn lội đường xa, có nước nghĩa là có sự sống, đoạn đường trước mắt cũng trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều. Chúng tôi đã tới được điểm cắm trại thứ hai bên bờ suối lúc 4 giờ chiều.

Lại dựng lều, lại nấu cơm, lại quây quần cùng nhau bên ánh lửa, lại chia sẻ cùng nhau ly trà ấm

Anh tour guide chiêu đãi chúng tôi những câu chuyện trong rừng già mà anh từng trải qua, là những ngày tháng anh ở một mình trong rừng thiêng Bạch Mã, là những khoảnh khắc anh đối diện với sự sống và cái chết. Anh dành phần lớn thời gian của mình để lang thang trong những cánh rừng, bầu bạn cùng thiên nhiên, chẳng cần tới tiện nghi hiện đại, chẳng quan tâm tới sân si ngoài kia... Lửa vẫn tí tách, những đốm lửa bắn vô định lên màn đêm đặc quánh, lẫn vào lũ đom đóm lập lòe chớp tắt. Rừng khi ấy rất tối, nhưng lại cũng sáng vô cùng.

Ngày thứ ba trôi qua khá nhẹ nhàng vì chúng tôi đã qua hết địa hình đồi dốc, giờ chỉ còn đường bằng mà thẳng tiến, ăn cũng đã no nê, nước cũng đã uống thỏa thuê, bản thân cũng đã được tắm gội sạch sẽ. Tính ra đoạn đường cũng chẳng dễ dàng gì mấy khi phải băng qua những bụi cỏ cao gần bằng mình hay vượt qua những đám cây với rễ to tổ chảng.

Nhưng tôi nghĩ vì 2 ngày trước tụi tôi đã quá khổ rồi, nên bây giờ thấy vậy là nhẹ nhàng lắm. Thêm nỗi khát khao hoàn thành hành trình thôi thúc, chúng tôi băng băng đi cỡ 3 tiếng thì ra được bìa rừng. Đội nắng đi thêm 5 cây số nữa thì tôi bắt đầu thấy lác đác xe cộ chạy qua, rồi thấy người dân, rồi thấy nhà cửa, rồi thấy xóm làng. Thay vào cảm giác háo hức khi bỏ lại sau lưng nhà cửa thôn làng để bắt đầu chuyến hành trình, cảm giác lúc bước ra từ rừng là một mớ hỗn độn của cảm xúc, tôi vừa vui mừng, vừa vỡ òa, vừa xúc động, vừa cảm thấy một sự nuối tiếc trào dâng.

Rất nhiều hoa dại và bướm dọc đường đi

Ừ thế là cuộc hành trình của tôi đã kết thúc bằng 1 lon coca mát lạnh đầy sảng khoái, bên trong một tâm trạng cũng sảng khoái không kém. Tôi từng thực hiện vài chuyến đi điên rồ trong đời như hôm trước hôm sau xách balo đi xuyên Việt, hoặc tham gia đạp xe đường trường 100km, và giờ là đi vô rừng hành xác (theo lời mấy đứa bạn ở nhà), nhưng thú thật là chưa có chuyến đi nào khiến tôi hối hận. Dù điên rồ hay mệt lả, thì mỗi lần đi xa tôi lại thấy bản thân mình lớn hơn một chút, cũng bé lại một chút. Lớn hơn một chút so với tôi ngày hôm qua, nhưng lại hiểu ra bản thân nhỏ bé đến chừng nào trước thiên nhiên, trước con người.

Hãy đi đi, khi còn có thể.

- Để chuẩn bị cho chuyến đi Tà Năng 3 ngày,ngoại trừ bộ đang mặc trên người, bạn cần mang theo 1 cái quần, 3 cái áo, 3 đôi vớ, một đôi giày thật êm, một đôi tông, kem chống muỗi, kem chống nắng, túi ngủ, lều, cục sạc dự phòng full pin, khăn giấy ướt và đồ ăn sẵn, thật nhiều chocolate. Chú ý mang càng nhẹ càng tốt.

- Từ ngã ba Ta Hine vào tới rừng là 1 đoạn dài khoảng 40 cây số, sẽ có vài người xe ôm chủ động mời chào chở bạn tới tận bìa rừng. Giá cho 1 cuốc xe vào khoảng 200k, bạn có thể chở ba để tiết kiệm chi phí nhưng khá nguy hiểm. Đi đông thì nên gọi taxi cho thoải mái.

- Chuẩn bị thật kĩ thể lực trước khi đi nếu bạn không quen vận động. Người viết chơi thể thao mỗi ngày mà lên dốc Tà Năng vẫn lao đao vì thiếu sức bền. Tốt nhất đường Tà Năng nên đi trong vòng 3 ngày, đi 2 ngày có thể do hết sức nên bạn không cảm nhận được cảnh đẹp nữa đâu.

Theo Tri Thức Trẻ
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trekking Tà Năng: Hãy đi khi bạn còn có thể...