Việc đầu tư xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL tại Cần Thơ sẽ mở ra triển vọng lớn cho nông sản xuất khẩu ĐBSCL.

Triển vọng lớn cho nông sản xuất khẩu ĐBSCL

Văn Kim Khanh | 09/05/2022, 06:06

Việc đầu tư xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL tại Cần Thơ sẽ mở ra triển vọng lớn cho nông sản xuất khẩu ĐBSCL.

Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường cho rằng: “Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ sẽ giải quyết bài toán đầu ra cho nông, thủy sản của vùng. Nó thiết lập chuỗi cung ứng, tạo điều kiện để hàng hóa nông sản được thông suốt trong tất cả các khâu từ thu hoạch, chế biến, bảo quản, vận chuyển, phân phối và xuất khẩu. Góp phần giải quyết điểm nghẽn về logistics, giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh cho vùng ĐBSCL".

Hiện một số hàng trái cây, nông sản ở ĐBSCL gặp khó do thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, nhìn xa hơn về Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Cần Thơ, nhất là việc đầu tư xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL (Trung tâm) tại Cần Thơ sẽ mở ra triển vọng lớn cho nông sản xuất khẩu.

xoai-dl.jpg
Xoài Đài Loan tại Cần Thơ đang đổ đống với giá 3kg chỉ 10.000 đồng - Ảnh: Văn Kim Khanh

Tại Cần Thơ hiện nay, đi dọc theo tuyến đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, nhiều nông dân mang xoài Đài Loan đổ bán với giá 3kg là 10.000 đồng. Trước đây giá xoài Đài Loan dao động 10.000-20.000 đồng/kg. Cao điểm xuất khẩu đi Trung Quốc, nhiều chủ vựa mua xoài Đài Loan xuất khẩu loại 1 giá 25.000-30.000 đồng/kg.

Thanh long cũng vậy, năm 2021, khi dịch bệnh COVID-19 tăng cao, có lúc thanh long ở Long An chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg. Nhiều chủ vườn thanh long không muốn thu hoạch mà cho những người làm từ thiện chở lên cho bà con TP.HCM. Đó là những trang buồn cho nông sản ĐBSCL.

Trao đổi với ông Phạm Hồng Tùng, một doanh nhân đóng gói trái cây xuất nhập khẩu tại xã Phú Phụng (H.Chợ Lách, Bến Tre), ông cho biết: “Hiện nay trái cây nông sản của ta đang gặp khó nhiều mặt. Nhiều loại nông sản tắc đường xuất khẩu, giá rẻ như bèo. Đơn cử như xoài Đài Loan, lúc xuất khẩu được giá 25.000-30.000 đồng/kg, nay giá thương lái hái xoài tại vườn có lúc 1.000 đồng/kg. Nói chung ta đang thiếu chuỗi cung ứng nhất quán từ khâu trồng trọt, thu hoạch, chế biến, lưu trữ và xuất khẩu. Nếu chúng ta có chuỗi cung ứng tốt, thì thanh long, xoài, nhãn cùng nhiều nông sản khác không đến nỗi phải khốn khó như hiện nay. Vì vậy, tôi cho rằng cần có một Trung tâm liên kết, sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL”. 

thanh-long-la.jpg
Thanh long có lúc giá rớt còn 2.000- 3.000  đồng/kg - Ảnh: Internet

Nói về Trung tâm này, bên cạnh sự lạc quan hướng về tương lai, một doanh nhân có kinh nghiệm cho rằng: “Trung tâm này quy hoạch phải gần 500ha, như vậy thời gian từ giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng và kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy đưa vào hoạt động cũng mất gần 5 năm. Nó đòi hỏi các sở ngành và TP.Cần Thơ phải làm việc rất thần tốc mới giải quyết tốt việc đưa Trung tâm vào sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Kinh phí thực hiện, liên kết sản xuất các tỉnh trong vùng ĐBSCL, vận hành Trung tâm với sự phối hợp các ngành: thuế quan, ngân hàng, sản xuất, logistics, xuất khẩu đang là bài toán phải giải đáp”. 

Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Cần Thơ đã nêu rõ: Trung tâm liên kết, sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL tại Cần Thơ là khu vực có ranh giới địa lý xác định, được Thủ tướng Chính phủ thành lập phù hợp với các quy hoạch có liên quan, để thu hút dự án đầu tư trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông sản, thủy sản. Thủ tướng Chính phủ quy hoạch chi tiết việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm.

khu-cong-nghiep-song-hau.jpg
Khu công nghiệp Hậu Giang - Ảnh: Internet

Dự án tại Trung tâm được áp dụng hình thức ưu đãi đầu tư: Thu nhập của doanh nghiệp từ dự án đầu tư tại Trung tâm được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% thế phải nộp trong 9 năm tiếp theo...

 

cai-cui-moi.jpg
Cảng Cái Cui - Ảnh: Internet

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Cần Thơ cho biết: “Trung tâm liên kết, sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL hiện nay đang ở giai đoạn đề xuất. Dự kiến giai đoạn 1 của Trung tâm quy hoạch khoảng 450ha. Khu đất dự kiến quy hoạch nằm một phần ở quận Bình Thủy, một phần thuộc huyện Phong Điền. Giai đoạn 2 của dự án mở rộng thêm 1.600ha. Các Sở ngành như KH-ĐT, NN-PTNT và Xây dựng... đang tích cực làm việc với các Bộ ngành để sớm hoàn thành đề án, trình Thủ tướng. Trung tâm này sẽ liên kết các tỉnh trong vùng, xây dựng chuỗi nghiên cứu khoa học, giống nông nghiệp, thủy sản, sản xuất, chế biến, logistics, xuất khẩu... Triển vọng cho nông sản, thủy sản xuất khẩu rất lớn nhưng đường đi đến đích đòi hỏi Cần Thơ phải cố gắng cao nhất, làm việc khẩn trương và phối hợp tốt với các tỉnh trong vùng ĐBSCL.

Bài liên quan
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triển vọng lớn cho nông sản xuất khẩu ĐBSCL