Vừa đưa tin cơn bão số 4 tôi vừa lo cập nhật tình hình ở quê người thân chằng néo nhà cửa ra sao, bởi đây là lần đầu tiên sau 10 năm có một cơn bão trái mùa đổ bộ vào miền Trung mà Quảng Bình và Quảng Trị là trọng tâm.

Triệu người vừa thoát tai ương

Quốc Nam | 27/07/2017, 14:26

Vừa đưa tin cơn bão số 4 tôi vừa lo cập nhật tình hình ở quê người thân chằng néo nhà cửa ra sao, bởi đây là lần đầu tiên sau 10 năm có một cơn bão trái mùa đổ bộ vào miền Trung mà Quảng Bình và Quảng Trị là trọng tâm.

Các bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm khí tượng thủy văn luôn được cập nhật bởibáo đài, người dân miền Trung thì đã sống chung với vô số trận thiên tai từ ngàn đời đến thành kinh nghiệm, nhưng không ai nói trước được điều gì bởi bão lũ luôn bất thường và gây thiệt hại khủng khiếp về người và của.

Cơn bão số 4 suy yếu nhanh, trở thành vùng áp thấpsau đó di chuyển sang trung Lào. Dù nó có gây thiệt hại nhưng so với cơn bão số 2 vừa qua là không đáng kể. Ở làng, cậu tôi nói lúc đầu rất lobởi mới bão số 2 đã nhấn chìm gần 70 tàu cá trên vịnh Hòn La cùng loạt tàu hàng, xà lan chưa trục vớt xong là điều quá khủng khiếp với ngư dân. Ông nói vớivợ con bão số 2 nhẹ mà như thế thì bão số 4 còn sức gió như thế nào. Cả nhà phải chằng néo cột kèo, đưa cát lên mái bảo vệ ngói không bị gió bão thổi bay. Ông bảo lũ lụt không sợ, chỉ sợ bão, bởi chưa bao giờ đời ông lớn lên gặp được cơn bão nào ít gây thiệt hại, bão bao giờ cũng giật sập nhà và khiếnngười chết.

Sông Gianh nước lên nhẹ
Tàu thuyền vào sông Gianh trú bão số 4

Ở quê, làng mạc khắp miền Trung đang giữa mùa vụ, lúa chuẩn bị trổ đồng, ngô đã ra cờ, đậu xanh chuẩn bị thu hoạch… Mọi người không một ai chuẩn bị tâm thế vào trận mưa bão như mỗi năm. Cơn bão số 4 trái với mọi quy luật dự đoán dân gian. Mùa mưa bão phải bắt đầu từ tháng 10, hoặc sớm quá thì tháng 9, lúc đó mọi thứlương thực đã phơi phóng khô khén và chằng buộc lên cao để tránh lũ, nhà cửa cũng bắt đầu chằng néo, đụn cát lên mái phòng bão.

Nhưng năm nay lại khác, bão số 2 vừa qua thì cơn bão số 4 tràn vào đất liền. Trước đó mấy ngày, o Hòe cứ ra đồng nhìn chỗ lúa vụ tám đang lên xanh rì mà lo. Nó bị bão số 2 gây ngập nhưng nhờ tiêu úng nhanh lúa không bị thiệt hại, vẫn tiếp tục ngậm sữa, nay lại lo bão số 4. Nếu bão mạnh, coi như 4 sào lúa của mẹ con o Hòe mất trắng, phải vay mượn mua lương thực cho đến sang năm thu hoạch lại. May mà cơn bão suy yếu nhanh, lúa của mẹ con o sẽ phất cờ vài ngày nữa thôi, o chắc mẫm là được mùa. Mà miền Trung này thật nhiều người như o Hòe mừng húm việc đó.

Anh bạn tôichắt bóp vay mượn từ trận siêu bão năm 2013 đến nay gầy dựng lại vườn cao su, nghe bão số 4 đổ bộ, cả nhà chắp tay vái tứ phương xin đừng gây thiệt hại chứ nợ nần quá nhiều, nếu cao su gãy đổ lần nữachắc chắn không còn cơ hội mưu sinh. Thời may, lời cầu khấn linh nghiệm, không chỉ nhà anh mà gác nhà của hàng vạn hộ trồng cao su trong tâm bão đã được “trời” cứu khi cấp gió giật nhẹ.

Bưng ly cà phê sau cơn bão, anh ấy nói: “Dân miền Trung có câu còn da lông mọc, còn chồi nảy cây. Trận bão 2013 vượt sức chịu đựng của dân trồng cao su, còn được chút da nào thì vay mượn cho “lông” cao su mọc với hy vọng năm nay sẽ trả chút nợ nần. Ngồi nghe đài đưa tin bão màlòng dạ như lửa đốt, may nó suy yếu nhanh mà vợ con bưng bát cơm lên tròn trịa, không thì giờ này chắc mì tôm cũng khó mà kiếm để sống”.

Bờ kè chắn sóng sau bão

Trần Xuân Tư, trưởng bản Ón của đồng bào Rục xã rẻo cao Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình gọi điện cho tôi kể: “May quá anh ơi, bão số 4 yếu nhanh, chỉ rung cây thôi, người Rục thoát được thiên tai đợt này rồi, không thì khó khăn lắm”. Cái khó màTư nhấn mạnh là đường vào ba bản Ón, Yên Hợp, Mò o ồ ồ hễ cứ mưa lớn kéo dài là ngập sâu quá đường dây điện, đi lại vô cùng vất vả. Cơn bão số 4 dường như “chừa” lại khó khăn cho đúng vụ mưa lũ hằng năm sắp tới?

Trên facebook, hai người bạn làm giáo viên của tôi ở vùng cao A Lưới (Thừa Thiên-Huế) và miền núi Quảng Trị reo lên: “May nhất là mưa không lớn nên thủy điện không hung dữ xả lũ, chứ thủy điện mà xả lũ lúc này thìmùa màng của đồng bào, trâu bò, lợn dê không biết cứu thế nào, vì tháng 7 chưa ai chuẩn bị tinh thần mưa bão, thủy điện xả lũ. Vào mùa, thủy điện xả lũ đã chết mệ huống hồ lúc này”.

Nhiều bạn bè của tôi ở Hà Nội, Sài Gòn đã chuẩn bị tinh thần kêu gọi các chuyến thiện nguyện thương về miền Trung sau bão số 4. Nhưng khi nghe tôi nhắn lại mọi chuyện không thiệt hại lớn, bão đã suy yếu nhanh, mọi người chủ động được thì ai cũng nhẹ nhõm trong lòng. Cô bạn ở miền Nam nhắn tin: “Người làm thiện nguyện hay mạnh thường quân không mong gì bão lũ để kêu gọi đóng góp mà mong thiên tai nhẹ nhất, bà con an toàn là mừng để làm việc, chứ những đóng góp chỉ là trước mắt, có được thời gian sức khỏe lao động mới có của cải bền vững”.

Sau bão người dân vớt tép biển ở vịnh Hòn La

Sáng nay, sóng gió ở các làng biển bãi ngang đã bớt gào thét, người làng bắt đầu kéo thuyền ra khơi. Ông Dụ nói với tôi theo kinh nghiệm dân gianrằng sau bão bao giờ cũng tôm cá đánh bắt đầy khoang, chúng ngoi lên vùng nước mặt để lấy khí trời, đánh bắt sau bão bao giờ cũng trúng đậm.

Anh em đồng nghiệp của tôi bên quán nước thì bảo, không ai muốn đưa tin đồng bào mình bị thiệt hại nặng nề hay người chết do bão quật. Trận thiên tai này được mừng vì điều đó. Con người, nguồn lực của các làng mạc mà bão đi qua vẫn dậy bình thường vào ban sáng. Đêm của ngày bão vào bà con vẫn được ngon giấc. Hàng triệu đồng bào miền Trung đã thoát cảnh tai ương, vơi bớt thắc thỏm lo âu. Người thân miền Trung ở hai đầu đất nước hay ở nước ngoài cũng an tâm khi quê nhà an toàn. Ngoài cánh đồng sau hồi nhà, bầy chim chiền chiện chích chích liên tục đủ thấy ruộng lúa vẫn xanh, bà con mình đã qua trận thiên tai một cách bình an. Tôi vui vì điều đó sau bão!

Quốc Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triệu người vừa thoát tai ương