Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời nhiều nhà phân tích quân sự cho rằng CHDCND Triều Tiên sẽ nâng cấp và cho phóng thử dòng tên lửa phóng từ tàu ngầm Pukguksong. Cũng theo các chuyên gia, tốc độ phát triển nhanh chóng của chương trình tên lửa Triều Tiên buộc Trung Quốc phải tăng khả năng phòng thủ.
Theo ông Tống Trung Bình, chuyên gia quân sự từng làm sĩ quan huấn luyện trong Học viện Kĩ thuật thuộc Lực lượng tên lửa Trung Quốc, Triều Tiên hiện có đủ khả năng thực hiện thêm nhiều vụ thử những tên lửa phóng từ đất liền và trên biển tại Thái Bình Dương.
Ông Tống nhận định: “Bình Nhưỡng có thể thử tên lửa Hwasong-12 và Hwasong-15 thêm vài lần nữa, trong đó Hwasong-15 có thể sẽ được gắn đầu đạn hạt nhân và phóng thử trên Thái Bình Dương. Nước này cũng sẽ có những vụ thử loạt tên lửa Pukguksong để chứng tỏ rằng mình sở hữu năng lực hạt nhân thực thụ”.
Trong tháng 2 và tháng 5.2017, Triều Tiên đã cho thử Pukguksong-2 phóng từ đất liền. Bình Nhưỡng có thể sẽ thử tên lửa Pukguksong-3 phóng từ tàu ngầm với tầm bắn hơn 2.000km.
Pukguksong-3 đã lộ diện trong lễ diễu binh ngày 15.4, kỉ nhiệm 105 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Cả Pukguksong-2 và 3 đều được cho là có tầm bắn cho phép chúng nhắm đến các căn cứ quân sự của Mỹ và Nhật Bản trong khu vực, nhưng không vươn tới lục địa Mỹ.
Giới chuyên gia quân sự cho biết công nghệ tên lửa phóng từ đất liền và phóng trên biển có nhiều tương đồng, vì vậy mà một trong hai công nghệ phát triển sẽ đem lại lợi ích cho cả hai.
Trước đó, trang mạng 38 North của Viện Nghiên cứu Mỹ-Triều (Đại học John Hopkins) đã công bố nhiều hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên đang cho đóng mới một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo.
Theo ông Hoàng Đông (Anthony Wong Dong), chuyên gia quân sự tại Macau, vụ phóng thành công Hwasong-15 và nguy cơ Pukguksong-3 được thử sắp tới tất yếu dẫn tới chuyện Trung Quốc tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa. Chuyên gia Hoàng đặc biệt cảnh báo Pukguksong-3 đem lại mối đe dọa trực tiếp với Trung Quốc vì tên lửa này được thiết kế để phóng từ hộp bảo vệ, khiến công tác định vị và phá hủy gặp khó khăn hơn.
Chuyên gia Hoàng cũng cho biết Bắc Kinh đã triển khai hệ thống radar dọc theo biên giới với Triều Tiên. Ông cũng nhận định hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo HQ-19 sẽ sớm được triển khai đến tỉnh Liêu Ninh, nơi giáp với Triều Tiên qua sông Áp Lục.
Ông Châu Thần Minh, nhà phân tích quân sự tại Bắc Kinh, cho hay căng thẳng đang leo thang ở bán đảo Triều Tiên đã khiến Trung Quốc ở trong tình trạng cảnh giác cao. Bắc Kinh luôn cho rằng tình hình căng thẳng này là do những cuộc tập trận chung giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc gây ra.
Nhà phân tích Châu nhận định: “Trung Quốc cũng sẽ tăng cường hợp tác với Mỹ, trao đổi thông tin tình báo về Triều Tiên, cung cấp những phân tích của Trung Quốc để tránh những phán đoán sai lầm có thể xảy ra”.
Chuyên gia Tống khẳng định Trung Quốc sẽ không bao giờ công nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân, vì động thái này sẽ khiến các nước láng giềng có cớ trang bị vũ khí hạt nhân và tạo ra mối đe dọa lớn cho Bắc Kinh.
Cẩm Bình (theo SCMP)