Hôm nay 11. 9, có thể Hội đồng bảo an ra nghị quyết trừng phạt vì CHDCND Triều Tiên thử bom hạt nhân, một hành động mà báo Nikkei Asian Review nói là cách Bình Nhưỡng làm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bị bẽ mặt ngay trên đất nước ông.

Triều Tiên thử hạt nhân làm ông Tập Cận Bình bị bẽ mặt

11/09/2017, 18:06

Hôm nay 11. 9, có thể Hội đồng bảo an ra nghị quyết trừng phạt vì CHDCND Triều Tiên thử bom hạt nhân, một hành động mà báo Nikkei Asian Review nói là cách Bình Nhưỡng làm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bị bẽ mặt ngay trên đất nước ông.

Vợ chồng ông Tập Cận Bình tiếp đón Tổng thống Nga dự BRICS-Ảnh: Nikkei Asian Review

Theo trang báo Nhật, ông Tập có một ngày dài hôm 3.9, khi ông đón tiếp lãnh đạo Nga, Ấn Độ, Nam Phi Brazil ở thành phố Hạ Môn, lúc khai mạc Hội nghị thượng đỉnh 5 nền kinh tế đang nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) vốn diễn ra từ ngày 3-5.9.

Biện pháp đề phòng ám sát ông Tập Cận Bình

Hạ Môn có đảo Cố Lãng Tự được UNESCO xếp hạng Di sản thế giới hồi đầu năm nay. Nhưng các phòng khách sạn đều không cho khách nhận phòng hôm 3.9, để phòng chống xạ thủ bắn tỉa ám sát ông Tập cùng các thượng khách.

Trên đường phố, công an mặc thường phục dày đặc, sau khi đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) ngày 31.8 tuyên bố Đại hội Đảng lần thứ 19 sẽ khai mạc ngày 18.10 tới.

Ông Tập được giới thiệu là Tổng bí thư CPC từ mùa thu 2012, làm Chủ tịch nước từ mùa xuân 2013. Sau đó, ông tiến hành chiến dịch chống tham nhũng ‘đả hổ diệt ruồi’, mà báo chí nước ngoài nói đó là cuộc xử lý các đối thủ chính trị và để củng cố quyền lực.

Theo Nikkei Asian Review, nay ông Tập có nhiều người chống đối, bất mãn việc chọn nhân sự lãnh đạo. Vì thế, các biện pháp an ninh được tăng cường.

Ông Tập Cận Bình chuẩn bị khai mạc Hội nghị thượng đỉnh BRICS

Bão chuyển hướng, nhưng ‘động đất địa-chính trị’ xảy ra

Ngày 3.9 là một ngày có vẻ may mắn, khi một cơn bão đổi hướng di chuyển khỏi Hạ Môn, nơi diễn ra đám cưới của ông Tập với bà Bành Lệ Viên hồi tháng 9 của 30 năm trước.

Và cũng là nơi mà ông Tập yêu mến, như ông cho biết tại bữa tiệc chiêu đãi cấp nhà nước tối 4.9: “Cách đây 32 năm, đúng ngày sinh nhật 32 tuổi, tôi được đưa đến Hạ Môn làm phó chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố”.

Hội nghị BRICS là lần xuất hiện cuối của ông Tập tại một diễn đàn quốc tế, trước khi diễn ra Đại hội Đảng, nên ông Tập không muốn ai phá bĩnh. Nhưng lại xảy ra “vụ động đất địa chính trị” cho ông Tập, khi Bình Nhưỡng thử quả bom hạt nhân được cho là mạnh nhất từ trước đến nay, vào trưa 3.9.

Các vị thượng khách lập tức hay tin quả bom có sức công phá 1.000 kiloton đã gây rung lắc nhà cửa ở hai tỉnh Cát Lâm và Liêu Ninh của Trung Quốc trong khoảng 8 giây. Sức nổ quá lớn cũng làm công dân Trung Quốc bị hít phải khói phóng xạ.

Triều Tiên nói vụ thử quả bom nhiệt hành thành công, và nó có thể gắn lên một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Mỹ, Nga, Trung Quốc đều phản ứng, và hôm nay 11.9, Hội đồng bảo an LHQ có thể thông qua một nghị quyết mới (do Mỹ soạn nháp) để tăng cường trừng phạt Triều Tiên.

Sáng nay 11.9, hãng thông tấn nhà nước KCNA đăng tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên cảnh cáo Mỹ: Nếu Mỹ không ngừng thúc đẩy các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp thì "Triều Tiên chắc chắn sẽ khiến Mỹ phải trả giá. Các biện pháp sắp tới của Triều Tiên sẽ gây ra cho nước Mỹ sự đau đớn và tổn thương lớn nhất trong toàn bộ lịch sử Mỹ. Thế giới sẽ chứng kiến Triều Tiên chế ngự những tên côn đồ nước Mỹ bằng cách tiến hành hàng loạt các hành động cứng rắn hơn những gì họ dự kiến".

Bình Nhưỡng âm mưu bêu riếu ông Tập

Theo Nikkei Asian Review, vụ thử bom H của Triều Tiên làm ông Tập choáng váng, vì đấy là lần thứ hai trong chưa đầy 4 tháng, rõ ràng Bình Nhưỡng chẳng coi ông Tập là “anh lớn phải lắng nghe”.

Tờ báo Nhật viết vụ thử bom H được xem là cách để Bình Nhưỡng sỉ nhục ông Tập. Đấy không phải lần đầu tiên lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chọn một thời điểm khiêu khích để khoe khoang vũ khí của Triều Tiên.

Ngày 14. 5, ông Kim Jong-un ra lệnh phóng một quả tên lửa đạn đạo, chỉ vài giờ trước khi ông Tập phát biểu trước các lãnh đạo nước ngoài ở Bắc Kinh, để ông Tập giới thiệu dự án Một Vành đai, Một con đường trị giá hàng ngàn tỉ USD.

Các nhà phân tích nói việc Triều Tiên thử hạt nhân sát gần những sự kiện quốc tế quan trọng của ông Tập không phải là sự ngẫu nhiên. Mà là cách thể hiện ông Kim Jong-un, lãnh đạo một nước nhỏ, vẫn có thể dè bỉu quyền lực và uy tín của nhà lãnh đạo một nước lớn.

Vài nhà phân tích nói: vụ thử quả bom nhiệt hạch hôm 3.9 là cách ông Kim Jong-un chọc tức ông Tập, chứ không phải nhắm vào ông Trump. Một nguồn tin ngoại giao Đông Á của Nikkei Asian Review nói: Ông Kim Jong-un cay cú ông Tập gây sức ép, để Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa, nên ông ‘muốn làm ông Tập mất mặt”.

Hôm 3.9, ban đầu Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin ngắn một trận động đất 6,3 độ Richter xảy ra ở Triều Tiên và làm rung lắc ở Trung Quốc. Nhưng mãi đến 16 giờ chiều, giới truyền thông nhà nước Trung Quốc mới chính thức đưa tin Triều Tiên thử bom hạt nhân. Bản tin nhấn mạnh chính phủ Trung Quốc cực lực phản đối vụ thử này, nhằm đánh lạc hướng sự chú ý khỏi chuyện lãnh đạo bị hàng xóm nhỏ làm mất thể diện.

Sách Tập Cận Bình: đường lối lãnh đạo Trung Quốc được bán ở Hạ Môn

Ông Tập nói ‘Triều Tiên là một phần của Trung Hoa’

Trước thềm Đại hội Đảng, giới truyền thông nhà nước Trung Quốc có chiến dịch tuyên truyền tầm nhìn của ông Tập. Như CCTV có loại phim tài liệu Ngoại giao nước lớn, ca ngợi những thành tựu ngoại giao của nhà lãnh đạo. Điển hình là ông Tập có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Mỹ trong hai ngày 6 và 7.4, tại khu nghỉ dưỡng Mar-a Lago của ông Trump.

Nikkei Asian Review nhắc lại việc báo The Wall Street Journal ngày 12.4 dẫn lời ông Trump kể tại cuộc gặp này, ông Tập ‘dạy ông một bài học về lịch sử Trung-Triều’, và ông dẫn lời ông Tập nói câu sau ‘bán đảo Triều Tiên, không phải Triều Tiên, thật sự là một phần của Trung Hoa’.

Ông Trump còn kể: “Sau 10 phút lắng nghe, tôi nhận ra mối quan hệ hàng ngàn năm và nhiều cuộc chiến tranh đó quả là không dễ dàng”.

Sau khi biết thông tin này, cư dân mạng Hàn Quốc kịch liệt phản đối ông Trump. Bộ Ngoại giao nước này nói bình luận của Trump “không đúng về lịch sử”, và “không đáng để phản ứng”.

Loạt phim tài liệu của CCTV nhấn mạnh: tại cuộc gặp, ông Tập kiên nhẫn giải thích chi tiết về quan hệ Trung-Triều, và sau đó “Tổng thống Mỹ nhắc lại cuộc nói chuyện”. Dù không đề cập câu “....một phần của Trung Hoa’, nhưng CCTV xác nhận có đoạn đối thoại này.

Hai lãnh đạo Mỹ-Trung nói chuyện tại nhà ông Trump

Ông Tập chỉ còn lá bài cấm vận xăng dầu đối với Triều Tiên

Vẫn theo Nikkei Asian Review, loạt phim tài liệu nhấn mạnh ‘Thời đại G-2” gồm Mỹ và Trung Quốc thời ông Tập cùng đối phó cuộc khủng hoảng Triều Tiên.

Tờ báo Nhật nói ngày càng có nhiều quan chức Trung Quốc nghĩ vấn đề Triều Tiên giúp mở đường cho cuộc hợp tác Trung-Mỹ. Sau cuộc gặp thượng đỉnh, hai ông Trum-Tập có nhiều lần nói chuyện điện thoại, và ông Tập cũng đã cố gắng thuyết phục ông Kim Jong-un từ bỏ tham vọng hạt nhân.

Lúc đó, Triều Tiên dọa thử hạt nhân có thể trong ngày 15.4 (sinh nhật nhà lập quốc Kim Nhật Thành) hoặc ngày 25.4, kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Triều Tiên”.

Một nguồn tin biết rõ quan hệ Trung-Triều nói với Nikkei Asian Review: “Trung Quốc đã cảnh cáo Triều Tiên về hậu quả nghiêm trọng của bất kỳ cuộc thử hạt nhân mới nào”, và còn nói Trung Quốc dọa cắt quan hệ thương mại với Triều Tiên.

Bình Nhưỡng không thử hạt nhân trong tháng 4,nhưng tiếp tục bắn thử tên lửa đạn đạo, gồm 2 lần phóng ICBM hồi tháng 7. Rồi thử hạt nhân ngày 3.9. Đấy là một thách thức cho ông Tập trước thềm Đại hội Đảng. “Vị lãnh đạo cốt lõi” cần thuyết phục các đảng viên rằng chính sách “Ngoại giao nước lớn” của ông có hiệu quả.

Nhưng vụ Triều Tiên thử bom H khiến chủ trương này của ông Tập bị trật hướng.

Theo Nikkei Asian Review, trong bối cảnh này, nhiều khả năng Mỹ sẽ có hành động quân sự đánh Triều Tiên, như trong cuộc tập trận Mỹ-Hàn mới đây, quân Mỹ tập lật đổ ông Kim Jong-un.

Tờ báo Nhật kết luận: “Để giữ một vai trò một nước lớn trong tấn bi kịch này, lá bài hiệu quả duy nhất của Trung Quốc là cấm vận xăng dầu đối với Triều Tiên. Liệu ông Tập có đồng ý theo hướng này?”.

Vĩnh Thụy (theo Nikkei Asian Review)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
5 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triều Tiên thử hạt nhân làm ông Tập Cận Bình bị bẽ mặt