Theo chương trình, chiều 1.4, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ông Phúc dự kiến được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước.
Sau khi nghe tờ trình của Chủ tịch nước, Quốc hội sẽ thảo luận ở Đoàn về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ.
Việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ được Quốc hội tiến hành vào sáng ngày mai (2.4) bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Quốc hội cũng sẽ thông qua một nghị quyết riêng về việc miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi có kết quả kiểm phiếu.
Chiều 2.4, Quốc hội sẽ bỏ phiếu miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước mới.
Theo dự kiến, nhân sự được giới thiệu bầu tân Chủ tịch nước chính là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đây là lần đầu tiên đương kim Thủ tướng Chính phủ được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước.
Việc miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là để thực hiện công tác kiện toàn nhân sự sau Đại hội XIII của Đảng. Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một trong hai Uỷ viên Bộ Chính trị thuộc “trường hợp đặc biệt” tái cử.
Trong cuộc họp báo giới thiệu kỳ họp thứ 11, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, đây là "lần đầu tiên bầu đương kim Thủ tướng làm Chủ tịch nước nên theo tuần tự ngoài việc miễn nhiệm Chủ tịch nước, còn phải miễn nhiệm Thủ tướng".
Theo danh sách giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại hội nghị Hiệp thương lần thứ 2 do Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu ứng cử ở Khối Chủ tịch nước. Trong khi đó, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội ở Khối Chính phủ.
Sinh năm 1954 và năm nay 67 tuổi, ông Nguyễn Xuân Phúc quê tại xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, trình độ cử nhân Kinh tế. Ông Phúc là ủy viên T.Ư Đảng các khóa X, XI, XII, XIII; là ủy viên Bộ Chính trị các khóa XI, XII, XIII.
Từ năm 1966, ông Phúc lên Chiến khu cách mạng, sau đó được Đảng đưa ra miền Bắc đào tạo. Từ năm 1968, ông Phúc học phổ thông rồi học đại học tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.Từ năm 1978, ông Phúc làm cán bộ Ban Quản lý kinh tế tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, sau đó công tác tại Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Từ năm 1993 - 1996, ông Phúc làm Giám đốc Sở Du lịch, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Khu du lịch Furama Đà Nẵng; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Từ năm 1997, ông Phúc trở thành Phó chủ tịch rồi Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh.Từ năm 2001, ông Phúc trở thành Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh các khóa VIII, IX.
Tới năm 2006, ông Phúc được bổ nhiệm làm Phó tổng Thanh tra Chính phủ. Sau đó, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Tiếp đó, ông được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm thường trực rồi Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (từ 8.2007).
Tại Đại hội XI (2011), ông Phúc được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, sau đó được bổ nhiệm làm Phó thủ tướng Chính phủ.
Tại Đại hội XII (2016), ông Phúc tiếp tục được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, sau đó được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ.
Tại Đại hội XIII, ông Phúc cùng ông Nguyễn Phú Trọng là 2 "trường hợp đặc biệt" (quá tuổi quy định) ủy viên Bộ Chính trị tái cử.