Sáng 22.5, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Trình Quốc hội việc lùi sửa đổi Luật Đất đai

22/05/2020, 13:23

Sáng 22.5, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng - Ảnh: VPQH

Nhiều hạn chế chậm được khắc phục

Trình bày Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết trong năm 2019, Quốc hội đã xem xét, thông qua 18 luật, 3 nghị quyết và cho ý kiến đối với 10 dự án luật khác; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 3 nghị quyết về điều chỉnh chương trình năm 2019.

UBTVQH nhận thấy thời gian qua, công tác xây dựng pháp luật từ khâu chuẩn bị đề xuất đưa dự án vào chương trình đến xem xét, thông qua tiếp tục có những cải tiến, đổi mới. Tuy nhiên, việc lập và thực hiện chương trình vẫn còn những hạn chế chậm được khắc phục.

Cụ thể là tính dự báo của chương trình không cao; việc đề nghị điều chỉnh chương trình để bổ sung dự án vẫn còn nhiều, trong đó có không ít dự án được đề nghị bổ sung vào thời điểm gần sát kỳ họp Quốc hội, gây khó khăn, bị động cho các cơ quan của Quốc hội.

Tình trạng xin lùi thời gian trình hoặc rút dự án ra khỏi chương trình do chưa chuẩn bị kịp, không bảo đảm chất lượng vẫn còn; việc lấy ý kiến trong quá trình xây dựng dự án nhiều trường hợp còn hình thức, hiệu quả thấp, đối tượng được lấy ý kiến chưa đầy đủ.

Việc rà soát để nhận diện những quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo nhằm đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay trong quá trình soạn thảo trong một số trường hợp chưa được chú trọng dẫn đến nội dung dự án, dự thảo trình Quốc hội, UBTVQH chưa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Ông Hoàng Thanh Tùng chỉ rõ, nguyên nhân của những hạn chế nêu trên chủ yếu là do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm; một số cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chưa phát huy hết trách nhiệm, nhất là trong công tác chuẩn bị dự án.

Hơn nữa, theo ông Tùng, trong lập đề nghị xây dựng luật, một số cơ quan được giao chủ trì chuẩn bị chưa có sự quan tâm, đầu tư thoả đáng; chưa chú trọng công tác tổng kết, đánh giá tác động của chính sách cũng như việc lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan, đối tượng chịu sự tác động, chưa trù liệu được hết các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng chuẩn bị dự án…

Đưa khỏi chương trình Luật Đất đai

Về điều chỉnh chương trình năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết UBTVQH đã quyết định đưa ra khỏi Chương trình đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); đồng thời, UBTVQH đề nghị không bổ sung dự thảo Nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai vào Chương trình năm 2020.

Thay đổi phạm vi sửa đổi dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường thành Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); lùi thời gian trình Quốc hội dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) từ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10.2020) sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 15 (tháng 10.2021)

Bổ sung vào chương trình dự án Luật Cư trú (sửa đổi) và bổ sung 4 dự án trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 9 theo quy trình tại một kỳ họp, gồm: nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội và nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).

Đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10.2020), UBTVQH trình Quốc hội xem xét bổ sung vào Chương trình kỳ họp thứ 10 để cho ý kiến đối với 3 dự án luật; cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp đối với 1 dự thảo nghị quyết của Quốc hội gồm: Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn và Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại Liên Hợp Quốc.

Đánh giá cao nỗ lực của ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh

Về dự kiến Chương trình năm 2021, ông Hoàng Thanh Tùng cho hay sẽ có 4 dự án luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 và theo nguyên tắc sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 11.

Cụ thể là các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn.

Tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá 15, để tập trung cho công tác nhân sự của bộ máy nhà nước, UBTVQH đề nghị không trình các dự án luật để Quốc hội xem xét. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thông lệ hoạt động, tại kỳ họp giữa năm, Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cho năm tiếp theo.

Do đó, đề nghị Quốc hội cho bổ sung dự thảo Nghị quyết về Chương trình năm 2022 để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 15 theo quy trình tại một kỳ họp.

UBTVQH đề nghị đưa vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 15 các dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Cảnh sát cơ động, Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Đồng thời đưa dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) từ Chương trình năm 2020 trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 14 sang Chương trình năm 2021 trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 15.

Ngoài ra, ông Tùng cũng cho biết ý kiến của UBTVQH đánh giá cao sự tâm huyết, trách nhiệm và nỗ lực của ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh trong việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật về Dịch vụ công và kiến nghị về các luật khác.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 2: Những giọt nước nghĩa tình
2 giờ trước Bảo vệ môi trường
Bước vào cao điểm mùa khô, vùng ĐBSCL hiện có hơn 50.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Nguồn nước khan hiếm khiến cho bà con gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trình Quốc hội việc lùi sửa đổi Luật Đất đai