Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo của Chính phủ về “Phòng chống dịch COVID-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”.

Thủ tướng đề nghị chuyển cao tốc Bắc - Nam và Mỹ Thuận - Cần Thơ sang đầu tư công

20/05/2020, 16:39

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo của Chính phủ về “Phòng chống dịch COVID-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”.

Đề nghị chuyển cao tốc Bắc - Nam phía Đông sang đầu tư công - Ảnh minh họa

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Theo đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong phạm vi dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020. Đồng thời, thực hiện các giải pháp đặc thù để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển trong bối cảnh khó khăn.

Chuyển đổi phương thức đầu tư các dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ phương thức đối tác công tư sang đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước (NSNN), bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát, quản lý hiệu quả (do việc huy động nguồn vốn tín dụng cho các dự án đối tác công tư rất khó khăn).

Miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19, trong đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1.7 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.

Xem xét, cân nhắc việc kéo dài thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017-2020 sang năm 2021; trong năm 2021 ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước cho giai đoạn 2022-2025 cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn.

Đồng thời, Chính phủ tiếp tục xây dựng và đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy hồi phục và phát triển kinh tế, xem xét đưa ra gói kích thích kinh tế mới trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn kéo dài trên phạm vi toàn cầu; kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp; bảo đảm nguồn lực cho phòng chống dịch và an sinh xã hội; góp phần củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng nhấn mạnh các cấp, các ngành, các địa phương phải coi đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là biện pháp quan trọng hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay. Sớm có phương án điều chuyển phù hợp vốn đầu tư công giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương sau khi được Quốc hội cho chủ trương.

Từng bộ, ngành, địa phương có kế hoạch, giải pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm giải ngân hết số vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 và nguồn từ năm trước chuyển sang. Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các dự án quan trọng, cấp bách khác có tính lan toả cao, kết nối vùng, miền.

“Tăng cường kỷ luật kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan; bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; xử lý nghiêm những trường hợp làm chậm, vi phạm quy định, thất thoát, lãng phí”, Thủ tướng nói.

Điều chỉnh hàng loạt mục tiêu vĩ mô

Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã gửi Quốc hội báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nêu ra dự kiến có 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020.

Kịch bản 1: Thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4.2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong quý 3/2020, theo đó phương án tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019 (thấp hơn 1,6-2,4 điểm phần trăm mục tiêu đề ra), trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,5-2,8%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,7-7,9%; khu vực dịch vụ ước tăng 2,8-3,6%.

Kịch bản 2: Thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4.2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong quý 4/2020, theo đó phương án GDP tăng dự kiến khoảng 3,6-4,4% so với năm 2019 (thấp hơn 2,4-3,2 điểm phần trăm mục tiêu đề ra), trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,1-2,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,8-6,7%; khu vực dịch vụ ước tăng 1,8-2,8%.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 hiện nay không xuất phát từ khó khăn, yếu kém trong hệ thống tài chính, tiền tệ khu vực và thế giới mà từ yếu tố khách quan, nhưng tác động và phạm vi ảnh hưởng nặng nề, mạnh mẽ hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng trước đây.

Bộ trưởng Dũng cho rằng yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan. Theo đó, dự kiến có 6 chỉ tiêu cần điều chỉnh so với kế hoạch trước đây.

Cụ thể, GDP tăng khoảng 4,5% (trước đây là 6,8%), nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng cao hơn; trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4%, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020 là 6,5%. Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2020 khoảng 4% (trước đây là dưới 4%). Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4% (trước đây là khoảng 7%).

Tổng số thu ngân sách nhà nước giảm 163.000 tỉ đồng so với dự toán được giao; bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP (tăng 1,31% so với mục tiêu đề ra); tỷ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP (tăng 3,2% so với mục tiêu đề ra).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc xây dựng các kịch bản “vực dậy” nền kinh tế để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động bình thường mới và các phương án, kế hoạch phục hồi ngay, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững sau dịch, cụ thể hóa và chủ động tổ chức thực hiện trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, bao gồm các giải pháp ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
11 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng đề nghị chuyển cao tốc Bắc - Nam và Mỹ Thuận - Cần Thơ sang đầu tư công