Hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy Đường Khánh Hòa bị sự cố, buộc phải tạm ngừng hoạt động. Kéo theo đó, hàng nghìn tấn mía của người dân đã thu hoạch không thể vận chuyển, nằm phơi khô trên ruộng khiến nông dân bị thiệt hại nặng…

Trời nắng nóng, nông dân nuốt mồ hôi nhìn mía thành củi

1 | 27/03/2017, 06:22

Hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy Đường Khánh Hòa bị sự cố, buộc phải tạm ngừng hoạt động. Kéo theo đó, hàng nghìn tấn mía của người dân đã thu hoạch không thể vận chuyển, nằm phơi khô trên ruộng khiến nông dân bị thiệt hại nặng…

Mía nằm khô trên ruộng

Ngày 26-3, có mặt trên các cánh đồng mía ở thị xã Ninh Hòa như: Ninh Tân, Ninh Tây, Ninh Sim…, đập vào mắt chúng tôi là những đống mía đã thu hoạch xong nằm phơi dưới nắng gắt hơn 10 ngày qua. Nhiều người sợ mía giảm sản lượng phải gom lại thành đống rồi phủ lá để che nắng gió; những đống mía đã chuyển đến gần đường đã khô rang có nguy cơ thành củi. Trên khuôn mặt sạm đen của nhiều nông dân hiện rõ sự lo âu, bởi sau một năm làm lụng vất vả, đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, những tưởng sẽ vớt vát được phần nào công sức, vậy mà đến khi thu hoạch lại bị tắc ở khâu thu mua.

Nhìn đống mía của gia đình đã khô, nhấc lên nhẹ hều, bà Lê Thị Hồng Diệu (thôn Bắc, xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa) buồn rầu: “Mía nhà tôi chặt xong đã hơn 10 ngày, nhưng chưa được thu mua, nếu tình trạng này kéo dài thêm vài ngày nữa chỉ có nước đem đốt chứ bán buôn gì được nữa. Bao mồ hôi, công sức của vợ chồng tôi giờ khô héo từng ngày”. Bà Diệu cho biết, gia đình bà có hơn 2ha mía, vừa qua tiến hành thu hoạch được hơn 7 sào và đã vận chuyển được 2 xe nhập về Nhà máy Đường Khánh Hòa. Số còn lại khoảng 40 tấn vẫn nằm chờ hơn 10 ngày qua.

Gia đình ông Cao Thái Thủy (thôn Trung, xã Ninh Tân) cũng lâm vào cảnh tương tự khi 20 tấn mía đã thu hoạch xong theo lịch vẫn chưa được đưa về nhà máy, dù ông đã vận chuyển ra đường. “Toàn bộ số mía này không còn là mía nữa. Tôi đã nhiều lần hỏi cán bộ nông vụ của Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa, nhưng chỉ nhận được câu trả lời rằng phải chờ nhà máy, chứ họ không giải quyết được. Tôi chỉ mong khi nhà máy nhập mía trở lại, dù mía bị giảm sản lượng, mất chữ đường cũng phải có hướng giải quyết cho gia đình tôi”, ông Thủy nói.

Ông Nguyễn Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Tân xác nhận: “Qua thống kê sơ bộ, toàn xã Ninh Tân có hơn 1.300ha mía, nông dân đã thu hoạch xong khoảng 50% diện tích. Tuy nhiên, khoảng 10 ngày nay, có hơn 100 tấn mía của người dân địa phương đã thu hoạch xong nhưng chưa được đưa về nhà máy. Mía phơi khô không chỉ giảm trọng lượng mà còn gây hao hụt chữ đường, đẩy thiệt hại về phía nông dân trồng mía”.

Đi qua các vùng mía khác như: Diên Đồng, Diên Xuân (huyện Diên Khánh), Cam An Bắc, Cam An Nam (huyện Cam Lâm)…, đâu đâu, chúng tôi cũng bắt gặp những ánh mắt âu lo vì mía tồn ngoài ruộng của nông dân. Ông Nguyễn Lê Mạnh (xã Diên Đồng, huyện Diên Khánh) bày tỏ: “Năm nay, vụ thu hoạch mía đến muộn vì thời tiết, nay lại dính sự cố từ nhà máy đường khiến mía phơi đầy ở ngoài ruộng. Ngoài giảm trọng lượng, chữ đường, nhà nông đang đứng trước nguy cơ mất trắng nếu số mía thu hoạch không được tiêu thụ kịp thời. Điều đáng lo ngại, tình trạng này nếu không sớm được xử lý thì số mía chưa được chặt tiếp tục bị ùn ứ tại các chân ruộng, trong khi thời tiết đang khô hanh kéo dài rất dễ xảy ra cháy mía”.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, thị xã Ninh Hòa đang tồn hơn 1.000 tấn mía; tại huyện Diên Khánh và huyện Cam Lâm (nông dân chủ yếu bán cho Nhà máy Đường Khánh Hòa) tuy chưa có thống kê số liệu cụ thể, nhưng lãnh đạo huyện cũng khẳng định, lượng mía người dân đã thu hoạch xong, phơi ngoài ruộng tại mỗi địa phương đều rất lớn nên gây hoang mang trong nông dân.

Nguyên nhân do đâu?

Qua trao đổi với nông dân trồng mía, nhiều người cho biết, thỉnh thoảng, người dân được phía Nhà máy Đường Khánh Hòa thông báo tạm ngưng thu mua để làm vệ sinh. Lần này, họ chỉ nghĩ nhà máy sẽ tạm ngưng nhập mía để làm vệ sinh vài ngày, chứ không ngờ kéo dài đến thế. Sau khi tìm hiểu thêm, người trồng mía mới biết nhà máy tạm ngưng để khắc phục sự cố về hệ thống nước thải.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết, trên địa bàn thị xã có 11.575ha mía, nông dân chủ yếu bán cho Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa và Công ty TNHH một thành viên Đường Biên Hòa - Ninh Hòa; đến nay đã có khoảng 1/3 diện tích mía thu hoạch xong. Đến thời điểm này, việc thu mua mía của Công ty TNHH một thành viên Đường Biên Hòa - Ninh Hòa vẫn diễn ra bình thường, còn việc thu mua của Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa đang bị ách tắc. Nguyên nhân khiến hơn 1.000 tấn mía của người dân địa phương tồn đọng, phơi khô trên ruộng đã hơn 10 ngày nay là do sự cố hư hệ thống nước thải của Nhà máy Đường Khánh Hòa chưa được khắc phục.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 12.3, hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy Đường Khánh Hòa đã gặp sự cố, nước thải tràn ra đầm Thủy Triều. Sau khi phát hiện, các ngành chức năng đã vào cuộc yêu cầu nhà máy tạm ngừng hoạt động để khắc phục. Theo lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), sự cố hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy Đường Khánh Hòa (đóng tại xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm) vẫn chưa khắc phục xong sau 10 ngày tạm đình chỉ hoạt động. Chi cục tiếp tục đề nghị dừng hoạt động đến khi nào khắc phục triệt để, nước thải công nghiệp đạt loại A thì mới cho hoạt động trở lại.

Xử lý theo hướng nào?

Trò chuyện với chúng tôi, bà Lê Thị Hồng Diệu cho biết, ngày 25.3, Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa có tin nhắn tới điện thoại của bà thông báo: các xe mía đã có lịch thu hoạch chưa vận chuyển kịp về nhà máy trước khi ngưng, hoặc đã vận chuyển về nhà máy nhưng chưa đo kiểm chữ đường thì được cộng 1CCS; nếu thấp hơn 9,5CCS thì tính bằng 9,5CCS. Tuy nhiên, điều bà Diệu tỏ ra bức xúc là hơn 40 tấn mía của gia đình bà sau 10 ngày phơi nắng đã giảm chỉ còn khoảng 20 tấn thì không thấy nhà máy nói năng gì. Ngoài ra, lượng mía này bao giờ nhà máy thu mua bà cũng không được biết; đó là chưa kể gần 1ha mía đã chín của gia đình bà vẫn chưa biết đến bao giờ mới có lịch thu hoạch.

Các hộ trồng mía tại Ninh Tân, Ninh Sim, Ninh Tây… cho biết, để giảm thiểu thiệt hại, nhiều hộ đã chấp nhận đem bán mía cho thương lái với giá từ 750.000 đến 800.000 đồng/tấn, thiệt hại khoảng 200.000 đồng/tấn mía so với giá thu mua của các nhà máy trên địa bàn tỉnh hiện nay. “Dù bị thương lái ép giá, nhưng chúng tôi vẫn phải chấp nhận bán, bởi không biết đến bao giờ nhà máy mới thu mua trở lại. Bởi khi phơi mía ngoài ruộng thì trọng lượng giảm, chữ đường cũng mất, chẳng mấy chốc mà mía trở thành củi. Thực tế, một số đống mía để dài ngày trên ruộng thương lái không chịu thu mua xô nữa, vì chất lượng giảm sút”, một hộ trồng mía cho biết.
Trong khi đó, một số nông dân tỏ ra bức xúc: Niên vụ trước, khi nông dân ký hợp đồng bán mía cho Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa, nếu không bán đủ trọng lượng, chữ đường đăng ký thì công ty phạt nông dân. Bây giờ, nhà máy chậm thu mua mía, gây thiệt hại đối với nông dân thì ai phạt công ty?

Trước những bức xúc của người trồng mía bị ảnh hưởng bởi việc chậm thu mua của Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa, chính quyền các địa phương như: Ninh Hòa, Cam Lâm, Cam Ranh… đã vào cuộc để tìm biện pháp tiêu thụ lượng mía còn tồn đọng cho nông dân. Ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho hay: “Trước thực trạng hơn 1.000 tấn mía của nông dân đang phơi nắng ngoài ruộng, vừa qua, chúng tôi đã mời Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa đến để tìm hướng tháo gỡ, giải quyết lượng mía tồn đọng trong dân nhưng đơn vị này không đến. Thị xã Ninh Hòa đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh về tình hình này để UBND tỉnh có hướng chỉ đạo giải quyết”. Ông Nguyễn Ta - Phó Trưởng phòng Phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm cho biết: “Chúng tôi đã tham mưu UBND huyện, kiến nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng có chỉ đạo giải quyết nhằm tránh thiệt hại cho người trồng mía”.

Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa, trước thời điểm xảy ra sự cố 2 ngày, nhà máy đã có thông báo cho người dân ngừng chặt mía để làm vệ sinh, nên ngày 13.3, nhà máy chỉ thu gom số mía đã có trong kế hoạch để ép hết. Hiện tại nhà máy cũng đang tồn 7.000 tấn mía nguyên liệu chưa thể ép được vì sự cố hệ thống xử lý nước thải chưa được khắc phục xong; có nhiều xe mía do người dân tự chặt rồi đưa về nhà máy. Đây là sự cố không may, gây thiệt hại rất lớn, nên nhà máy rất cần sự chia sẻ từ phía nông dân.

Phú Vinh - Hải Lăng (báo Khánh Hòa)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trời nắng nóng, nông dân nuốt mồ hôi nhìn mía thành củi