Việt Nam đang đẩy mạnh tốc độ và quy mô vay mượn các nguồn vốn nước ngoài để đầu tư phát triển, nhưng lại đang có xu hướng khiến cho tình trạng tham nhũng, lãng phí, thất thoát và sử dụng kém hiệu quả trở nên nghiêm trọng và đáng báo động hơn rất nhiều.

Trọng bệnh của nền kinh tế Việt Nam: Phân bổ vốn đầu tư sai lệch

Nhàn Đàm | 12/06/2016, 10:53

Việt Nam đang đẩy mạnh tốc độ và quy mô vay mượn các nguồn vốn nước ngoài để đầu tư phát triển, nhưng lại đang có xu hướng khiến cho tình trạng tham nhũng, lãng phí, thất thoát và sử dụng kém hiệu quả trở nên nghiêm trọng và đáng báo động hơn rất nhiều.

Nền kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn cải cách, trong đó đặt trọng tâm vào việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới từ mô hình tăng trưởng cũ vốn có nhiều điểm yếu. Đây cũng là lúc đặt ra câu hỏi: vì sao nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng dưới tiềm năng trong nhiều năm trở lại đây.

Thông tin đáng chú ý mới nhấtlà kết quả nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố trong báo cáo thực trạng nợ công tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015 và đề xuất cho giai đoạn 2016-2020, cho thấymức độ hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư của kinh tế Việt Nam quá thấp. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) thì hệ số sử dụng vốn (ICOR) của Việt Nam giai đoạn 2001-2005 là 4,88; giai đoạn 2006-2010 lên đến 6,96; còn trong giai đoạn 2011-2015 hệ số này đạt mức 6,92;trong khu vực châu Á thì hiệu quả sử dụng vốn của Việt Nam chỉ hơn nước đứng bét bảng là Ấn Độ với chỉ số ICOR lên đến 7,31.

Kết quả nghiên cứu của BIDV cùng số liệu của WB đang chỉ ra một căn bệnh trầm kha nguy hiểm nhất của kinh tế Việt Nam trong nhiều năm qua, đó là tình trạng vung tay quá trán trong đầu tư phát triển, nguồn vốn (phần lớn là đi vay) được sử dụng tràn lan, lãng phí và kém hiệu quả. Cụ thể, mức gia tăng nợ công của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015 thuộc diện cao nhất khu vực, với mức gia tăng trung bình khoảng 16,7% mỗi năm. Điều này có nghĩalà Việt Nam đang đẩy mạnh tốc độ và quy mô vay mượn các nguồn vốn nước ngoài để đầu tư phát triển, nhưng lại đang có xu hướng khiến cho tình trạng tham nhũng, lãng phí, thất thoát và sử dụng kém hiệu quảtrở nên nghiêm trọng và đáng báo động hơn.

Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là căn bệnh trầm kha duy nhất của nền kinh tế Việt Nam xét trên khía cạnh phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn phát triển. Một mặt, nền kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng vay mượn quá nhiều để đầu tư nhưng kém hiệu quả và thất thoát; nhưng mặt khác, lại có rất nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế có tiềm năng rất lớn nhưng rất ít được đầu tư. Du lịch là một ví dụ điển hình nhất. Được xem là ngành công nghiệp không khói và là con gà đẻ trứng vàng đối với bất cứ một nền kinh tế nào, nhưng ngànhdu lịch của Việt Nam lại đang có hình dạng của một con gàcòm cõi vì thiếu đầu tư.

Những số liệu thống kê mới nhất về tình trạng của ngành du lịch Việt Nam đang khiến tất cả phải bàng hoàng. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, đầu tư cho quảng bá du lịch của Việt Nam đang ở mức rất khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 2 triệu USD/năm. Con số này chỉ bằng 2,9%đầu tư của Thái Lan, 2,5% của Singapore và 1,9% của Malaysia. Theo thống kê, các nước trong khu vực như Thái Lan hay Singapore và Malaysia trung bình mỗi năm chi hơn 100 triệu USD cho hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch. Sự chênh lệch quá lớn này có lẽ là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến lượng khách du lịch đến Việt Nam hàng năm kém xa so với các nước trong khu vực.

Cụ thể, Việt Nam hiện chỉ đứng thứ 5 trong ASEAN về số lượt khách du lịch quốc tế với mức 7,94 triệu lượt vào năm 2015, mức này chỉ bằng 27% so với Thái Lan, 31% so với Malaysia và 52% so với Singapore. Rõ ràng là một vấn đề quan trọng rút ra được qua những con số thống kê này làtiềm năng du lịch của Việt Nam làrất lớn so với các nước trong khu vực, nhưng chưa được khai thác hiệu quả doít được đầu tư. Vì chỉ với số tiền chi cho quảng bá chỉ bằng 2,9% so với Thái Lan và 1,9% so với Malaysia mà số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vẫn có thể bằng 27% và 31% so với hai quốc gia trên. Rõ ràng là nếu Việt Nam tăng cường đầu tư cho hoạt động quảng bá du lịch nhiều hơnthì không nghi ngờ gì việc lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng gấp nhiều lần hiện nay.

Điều đáng nói nhất trong câu chuyện này là, trong khi số tiền chi cho quảng bá du lịch của đất nước chỉ đạt 2 triệu USD/năm, thì những câu chuyện các dự án hàng ngàn tỉđắp chiếu lại liên tục xuất hiện trên các mặt báo với tần suất dày đặc. Chỉ một công trình 1.000 tỉđồng thôi cũng đã gấp hai mươi lần khoản tiền còm cõiđang chi cho hoạt động quảng bá du lịch mỗi năm. Chắc chắn là nếu số tiền đó được đầu tư vào những lĩnh vực có tiềm năng rất lớn như du lịch thì hiệu quả kinh tế sẽ rất cao, và lợi ích mà nền kinh tế nhận được sẽ lớn hơn rất nhiều so với việc bị đắp chiếu tại các dự án kém hiệu quả khác.

Nói cách khác, trọng bệnh của nền kinh tế Việt Nam không chỉ là đi vay quá nhiềunhưnghiệu quả sử dụngvốn quáthấp, mà còn ở chỗ các lĩnh vực có tiềm năng rất lớn lại rất ít nhận được vốn đầu tư trong khi các lĩnh vực có tiềm năng kém hơn và nhiều rủi ro hơn lại nhận được quá nhiều. Xét về mức độ hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, chúng ta đang đứng gần bét châu Á và chỉ hơn được Ấn Độ;còn về sự thiếu hợp lý trong phân bổ nguồn vốn vào các lĩnh vực trong nền kinh tế thì có lẽ không nước nào ở châu Á có thể qua mặt được chúng ta.

Những bất cập và thiếu hợp lýnày có lẽ nằm ở nguyên nhân mô hình tăng trưởng trong nhiều năm qua của Việt Nam có quá nhiều bất cập. Chúng ta quá tập trung cho các lĩnh vực công nghiệp hóa một cách bất hợp lý mà bỏ quên yếu tố hiệu quả kinh tế của các dự án đầu tư. Rất dễ dàng nhận ra hầu hết các công trình ngàn tỉbị đắp chiếu trong thời gian qua đều là các dự án nhà máy công nghiệp. Rõ ràng là tư duy phải công nghiệp hóa bằng mọi giá của thời kỳ bao cấp vẫn còn đang có sức chi phối rất lớn với mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm qua, dù chúng ta đã chuyển dần sang cơ chế kinh tế thị trường. Đã đến lúc cần phải đặt hiệu quả kinh tế lên vị trí cao nhất, chỉ có như thế mới có thể tối đa hóa nguồn lực vốn không lấy gì làm lớn của kinh tế đất nước.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ Cafebiz, The Saigon Times)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trọng bệnh của nền kinh tế Việt Nam: Phân bổ vốn đầu tư sai lệch