Viện nghiên cứu Brooking dẫn ý kiến 3 chuyên gia phân tích những toan tính của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều khi gặp lại nhau, cũng như kết quả mà cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới có thể mang lại.
Thành viên Trung tâm An ninh - tình báo thế kỷ 21 Michael O’Hanlon nhấn mạnh, Tổng thống Mỹ trong lần hội kiến này cần thực dụng hơn. Ông Donald Trump nên đòi hỏi một thỏa thuận buộc Triều Tiên loại bỏ khả năng sản xuất thêm nhiều bom lẫn tên lửa tầm xa, để đổi lại việc được dỡ bỏ một phần trừng phạt.
Chuyên gia Hanlon cho rằng, Tổng thống Trump không phải bận tâm chuyện giải trừ số bom hạt nhân hiện có của Bình Nhưỡng, vì đây không phải vấn đề mà quốc gia Đông Bắc Á sẵn sàng đem ra mặc cả vào thời điểm hiện tại.
Mặc dù đánh giá cách tiếp cận cứng rắn mà Tổng thống Mỹ áp dụng năm 2017 có vẻ nóng nảy và nguy hiểm, nhưng chuyên gia Hanlon ủng hộ những gì chính quyền Mỹ thực hiện sau đó. Trừng phạt, đe dọa sử dụng biện pháp quân sự kết hợp ngoại giao tích cực tạo ra triển vọng cho quá trình phi hạt nhân hóa - điều ông Trump cố đạt được trong năm 2018.
Vẫn có khả năng Tổng thống Trump làm hỏng chuyện. Tuy nhiên nhà lãnh đạo Mỹ ít nhất đã tiến gần, hay đặt ra mục tiêu rõ ràng: Xóa một số trừng phạt do Liên Hợp Quốc áp đặt, ngược lại Triều Tiên phải từ bỏ năng lực chế tạo bom hoàn toàn và có thể kiểm chứng.
Chuyên gia Hanlon còn lưu ý vẫn có khả năng không đạt thỏa thuận. Đó là trường hợp Triều Tiên về cơ bản không sẵn sàng từ bỏ năng lực răn đe chính của họ (chế tạo bom hạt nhân), trong khi Mỹ chỉ chấp nhận giải trừ hạt nhân hoàn toàn như mô hình Lybia.
Theo chuyên gia Hanlon, dỡ bỏ trừng phạt Liên Hợp Quốc ban hành kể từ năm 2016 (giữ nguyên trừng phạt trước đó) là đủ để tạo động lực cho Triều Tiên bỏ năng lực chế tạo bom hạt nhân. Ngoài ra thì cấm vĩnh viễn các vụ thử cùng với hủy kho vũ khí hóa học cũng có thể đưa vào thỏa thuận.
Củ cà rốt
Nhà nghiên cứu Jung H. Pak đến từ Trung tâm nghiên cứu Chính sách Đông Á nhìn ra một vài dấu hiệu cho thấy chính quyền Mỹ rút kinh nghiệm từ cuộc gặp thượng đỉnh Singapore năm ngoái, do đó chuẩn bị sử dụng “củ cà rốt” trong lần gặp này.
Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Steve Biegun thời gian qua rất nỗ lực làm việc với quan chức phía Triều Tiên. Vào thời điểm Tổng thống Trump đọc Thông điệp Liên bang thì ông vẫn đang ở quốc gia Đông Bắc Á bàn luận chương trình nghị sự cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới, cũng như một thỏa thuận về lộ trình phi hạt nhân hóa.
Lập trường của hai bên vẫn còn khác biệt lớn. Đặc phái viên Biegun xác định nhà lãnh đạo Kim Jong-un không thực hiện hành động cần thiết nhằm đạt mục tiêu giải trừ hạt nhân, trong khi luôn muốn Mỹ “đáp lễ” trước. Ông cũng thừa nhận họ chưa thống nhất định nghĩa cụ thể với “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, xác minh đầy đủ”.
Mặc dù vậy, đặc phái viên Biegun vẫn tái khẳng định: “Tổng thống Trump sẵn sàng chấm dứt cuộc chiến này (Chiến tranh Triều Tiên). Chuyện này đã chấm dứt. Chúng tôi không có ý xâm lược Triều Tiên”.
Theo nhà nghiên cứu Jung, điều này cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ có khả năng chấp thuận ra tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên - động thái phù hợp với ngụ ý “thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên” trong Thông điệp Liên bang mà Tổng thống Trump vừa đọc trước Quốc hội Mỹ.
Một động thái như vậy sẽ khiến hội nghị thượng đỉnh tại Việt Nam thêm phần kịch tính, nhưng đem lại nguy cơ đánh lạc hướng dư luận khỏi vấn đề phi hạt nhân và làm suy yếu lý do quân đội Mỹ hiện diện tại Hàn Quốc, nhà nghiên cứu Jung cảnh báo.
Không nên kỳ vọng quá nhiều
Chuyên gia Evans J.R. Revere, thành viên khác của Trung tâm nghiên cứu Chính sách Đông Á, khuyên những người tin rằng cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giúp triển vọng khai tử chương trình hạt nhân Triều Tiên thêm gần hơn nên hạ thấp kỳ vọng. Ông chỉ rõ lịch sử tiến hành biện pháp ngoại giao với Triều Tiên cùng với chỉ thị sản xuất hàng loạt vũ khí hạt nhân lẫn tên lửa mà nhà lãnh đạo Kim đưa ra năm 2018, cho thấy quốc gia Đông Bắc Á chẳng hề muốn từ bỏ, và Mỹ, Hàn, Trung Quốc lẫn Nga với nhiều lý do khác nhau đều đang dần chấp nhận sự thật này.
Tổng thống Trump từng ca ngợi khi nhà lãnh đạo Kim quyết định ngừng thử hạt nhân cùng tên lửa, tuyên bố mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên không còn, đồng thời khẳng định Mỹ không vội chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo gần đây cũng nhấn mạnh trọng tâm trong hội nghị thượng đỉnh là giảm rủi ro cho người dân Mỹ.
Từ những tuyên bố trên, chuyên gia Revere nhận định Mỹ đặt mục tiêu loại bỏ mối đe dọa tên lửa Triều Tiên đối với nước này, chứ không phải với đồng minh châu Á cũng như các căn cứ quân sự Mỹ ở nước ngoài. Họ dường như nhận ra tham vọng giải trừ hạt nhân trước đó khó đạt được.
Phía Hàn Quốc lại ưu tiên hòa giải, Trung Quốc và Nga chủ trương giữ nguyên hiện trạng miễn là Triều Tiên không thử vũ khí. Cả ba đều kêu gọi nới lỏng cấm vận cho Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Kim nắm rõ mọi chuyện, tin tưởng có thể giữ lại vũ khí hạt nhân nhưng vẫn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với Hàn Quốc, Mỹ. Cách tốt nhất để làm chuyện này là để ngỏ khả năng phi hạt nhân hóa trong lúc tiếp tục củng cố kho vũ khí.
Vì vậy, theo chuyên gia Revere, nhà lãnh đạo Kim khi gặp lại Tổng thống Mỹ sẽ đưa ra vài nhượng bộ nhằm giữ vững “ảo tưởng giải trừ hạt nhân” mà ông dày công tạo ra, và mong đợi Trump đồng ý.
Cẩm Bình (theo Brooking Institution)