Tiến sĩ Hướng Tuấn (Antonio C. Hsiang) - giám đốc Trung tâm nghiên cứu Thương mại và Kinh tế Mỹ Latinh thuộc đại học Công nghệ Trí Lý tại Đài Loan - chỉ ra hai lý do chính khiến Trung Quốc đứng về phía chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro, phản đối nỗ lực thay đổi chế độ tại Venezuela.
Đầu tiên là lý do kinh tế, với các thỏa thuận đổi dầu lấy khoản vay, cường quốc châu Á cho Venezuela vay đến 60 tỉ USD trong khoảng thời gian 2007 - 2017.
Nhưng hỗ trợ từ Bắc Kinh không vô hạn. Nước này năm ngoái đã chùn bước trong việc đưa ra cam kết tài chính mới vì khoản nợ song phương vượt quá 19 tỉ USD.
Trung Quốc còn đầu tư rất nhiều vào ngành dầu mỏ Venezuela. Khi Mỹ trừng phạt Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) vào tháng trước, Bắc Kinh cam kết tiếp tục hợp tác toàn diện với Caracas.
Tháng 12.2018, một công ty con của PDVSA làm ăn với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) báo cáo tăng gấp đôi sản lượng trong 7 tháng trước.
Theo tiến sĩ Hướng, quan hệ chính trị có ý nghĩa lớn hơn lý do kinh tế. Trung Quốc xem Venezuela là một trong những đối tác chiến lược toàn diện tại Mỹ Latinh.
“Chủ tịch Tập Cận Bình nhân dịp gặp Tổng thống Maduro tháng 9 từng nói phát triển quan hệ chiến lược với Venezuela là quyết định chiến lược. Hai nước phải tăng cường lòng tin, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi. Thật không khôn ngoan khi thay đổi lập trường chỉ sau 5 tháng”, tiến sĩ Hướng cho biết.
Lúc hội kiến Tổng thống Argentina Mauricio Macri, Chủ tịch Tập tuyên bố Bắc Kinh xác định Mỹ Latinh cùng vùng Caribbean là “phần mở rộng tự nhiên” của dự án “Con đường tơ lụa trên biển”. Ông còn đề cập khả năng đưa hai khu vực vào sáng kiến Vành đai và Con đường.
Tiến sĩ Hướng cho rằng khủng hoảng tại Venezuela đe dọa đến nhiều kế hoạch Trung Quốc đang triển khai, do đó cường quốc châu Á cần cảnh giác với nguy cơ một số đối tác chiến lược toàn diện ở Mỹ Latinh không đứng về phía nước này. Điều này giải thích tại sao Bắc Kinh nhất quyết bảo vệ chính quyền Maduro.
Cẩm Bình (theo Sputnik News)