Trong số trước, chúng tôi có đề cập đến quan điểm về Triệu Đà của "tứ trụ sử học Việt Nam". Trong phần tiếp theo này, quan điểm của Giáo sư Trần Quốc Vượng sẽ được nói nhiều hơn. Ông Vượng là người nổi bật trong việc nghiên cứu sử ở phần văn hóa. Trong cuốn "Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm", ông Vượng đã ít nhiều đề cập quan điểm về nhà Triệu thông qua nhân vật Trọng Thủy.

Trọng Thủy con Triệu Đà: Bên trọng bên khinh và câu thơ 'chốt hạ' của Tố Hữu

29/06/2019, 15:10

Trong số trước, chúng tôi có đề cập đến quan điểm về Triệu Đà của "tứ trụ sử học Việt Nam". Trong phần tiếp theo này, quan điểm của Giáo sư Trần Quốc Vượng sẽ được nói nhiều hơn. Ông Vượng là người nổi bật trong việc nghiên cứu sử ở phần văn hóa. Trong cuốn "Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm", ông Vượng đã ít nhiều đề cập quan điểm về nhà Triệu thông qua nhân vật Trọng Thủy.

Trọng Thủy và Mỵ Châu trên phim hoạt hình

Triệu Đà, cách nhìn qua các thời kỳ: Nỏ thần trao tay giặc?Ngàn năm đô hộ giặc Tàu: Góc nhìn về Triệu Đà, lịch sử cũng... chia phe

Triệu Đà và cuộc bút chiến giữa hai học giả Phan Khôi-Trần Trọng Kim

Quan điểm đa chiều về Triệu Đà tại miền Nam trước 1975

Vai trò của Triệu Đà trong quan niệm lịch sử duy vật của Đào Duy Anh

Tứ trụ sử học Việt Nam đồng nhất quan điểm về Triệu Đà

Để khai thác dữ kiện lịch sử, ông Vượng và tổ Cổ sử Việt Nam thường về Cổ Loa để tìm hiểu thái độ của người dân với An Dương vương và Trọng Thủy. Ông Vượng khẳng định: “Đối với nhân dân, đặc biệt nhân dân quanh vùng Cổ Loa thì trước sau như một có một lòng tin vững chắc, hơn nữa không còn đặt vấn đề có hay không có - vào giai đoạn lịch sử này. Một khi truyền thuyết phong phú gắn chặt với từng địa danh, từng di tích lịch sử, từng phong tục tập quán thành một khối thống nhất gợi lại một thời kỳ lịch sử xem ra như vừa đầy đủ, vừa chặt chẽ, vừa hợp lý thì khó có ai tỏ nổi một nỗi hoài nghi. Đền thờ An Dương vương và tượng vua Thục, am thờ Mỵ Châu với pho tượng đá cụt đầu cùng giếng Trọng Thủy như những chứng minh sự có thật của những nhân vật quen thuộc của thời kỳ lịch sử này với những chi tiết lý thú khiến khách tham quan phải tin rằng: Có một vị vua An Dương vương, có một người con gái của vị vua đó tên là Mỵ Châu đã nhẹ dạ lấy nỏ thần của vua cha cho chồng xem, có người chồng của Mỵ Châu tên là Trọng Thủy đã lấy trộm chiếc lẫy nỏ thần để rồi bi kịch được kết thúc bằng vua Thục thua trận, mất thành, Mỵ Châu bị cha chém cụt đầu và Trọng Thủy tự tử tại giếng ngọc trước cửa đền An Dương Vương...”.

Và ông Vượng kết luận: “Nhiều phong tục, kiêng kỵ có mối quan hệ chặt chẽ với truyền thuyết củng cố thêm mức độ đáng tin cậy cho truyền thuyết như tục rước vua sống hằng năm, tục kiêng nuôi gà trắng, tục đãi dâu không đãi rể (ở Cổ Loa, người con rể không được tự do ăn nằm với vợ ở nhà bố mẹ vợ, người ta sợ rằng như vậy sẽ làm ăn xúi quẩy vì quan niệm rằng chính vua Thục vì quá tin Trọng Thủy cho ở rể nên sau này mất nước), tục kiêng khem tên Phán gọi chệch thành Phớn hoặc nồi gọi chệch thành niêu. Những phong tục địa phương còn mang nặng thái độ về luân lý đạo đức. Người dân địa phương biểu lộ thái độ khinh bỉ sự phản phúc của Triệu Đà trong tục đãi dâu không đãi rể, biểu lộ lòng kính trọng người tướng có công Nồi Hầu, không dám chạm tên húy...”.

Về sau, trong cuốn Trên mảnh đất Cổ Loa lịch sử, ông Vượng có nói thêm rằng: “Từ một hai chi tiết “dân gian” còn nhận diện được trong mớ truyền thuyết đã “phong kiến hóa” ở Cổ Loa, chúng ta thử lắp ghép đôi chút dữ liệu biết được vào một khung lịch sử bao trùm hơn để rút ra một hướng suy nghĩ trong bước đầu tìm tòi. Với một trí tưởng tượng còn có thể suy luận đi xa hơn nữa”.

Có thể thấy phương pháp nghiên cứu của Giáo sư Trần Quốc Vượng là sử dụng “chất liệu dân gian”, mà cụ thể hơn là "truyền thuyết" còn dùng được để gắng tiếp cận “chân tướng lịch sử”. Và qua cách tả của ông Vượng trong Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm, thì trong tâm thức người dân nơi Loa thành và mở rộng ra là dân Việt Nam thì Trọng Thủy là tên gián điệp cho quân xâm lược đáng khinh bỉ.

Thế nhưng, “chất liệu dân gian” trong cuốn Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm có vẻ chưa được trưng ra đầy đủ. Trong cuốn Lịch sử và văn hóa dân gian của PGS Đặng Văn Lung có trích: “Theo Trần Quốc Vượng và Hà Văn Tấn thì tổ Cổ sử Việt Nam, Trường đại học Tổng hợp nhiều lần tổ chức cho sinh viên và cán bộ đi tham quan Cổ Loa. Trong khi tiếp xúc nhân dân, họ đã được nghe truyền thuyết Trọng Thủy - Mỵ Châu, trong đó có mấy điểm chú ý như sau:

Hiện nay, ở đấy có chỗ nhân dân gọi là mộ Mỵ Châu hay là “đường cấm xứ”, tương truyền Trọng Thủy mang xác Mỵ Châu về chôn ở đó. Mỵ Châu rất linh thiêng, một hôm Mỵ Châu hiện về hát tại “Nghênh phong quán”, hồ Liên Trì. Trọng Thủy nghe tiếng hát chạy ra. Mỵ Châu biến xuống hồ. Trọng Thủy nhảy xuống theo và chết đuối. Dân làng không vớt xác Trọng Thủy mà đào kênh để xác theo kênh trôi ra sông Nguyệt Đức, tới một làng cách Cổ Loa 15km thì dừng lại. Dân làng này vớt xác lên, lập đền thờ. Làng Cổ Loa không thờ Trọng Thủy, nhân dân rất ghét Trọng Thủy.

Nhân dân thờ Mỵ Châu bằng tượng đá cụt đầu, nói rằng Mỵ châu cũng là người nước ta thôi nhưng không có đầu vì ngài (tức An Dương vương) đã lấy mất đầu rồi còn đâu. Thái độ nhân dân ta là sùng kính An Dương Vương, thương Mỵ Châu, ghét Trọng Thủy. Tinh thần yêu nước của nhân dân ta biểu hiện rất rõ ràng và dứt khoát”.

Tại đây, chúng ta thấy có sự mâu thuẫn. Một mặt nhóm của Giáo sư Vượng nói dân ta ghét Trọng Thủy, nhưng một mặt lại nói có làng vớt xác Trọng Thủy lên thờ.

Chúng ta tìm thấy tiếp chi tiết tương đồng được đăng trên trong Tạp chí Văn sử địa số tháng 7.1957, thì bài Mấy nhận xét về quyển Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam của nhóm Lê quý Đôn do Văn Tân viết đã “vô ý” tiết lộ ra chi tiết về tâm thức của người dân Cổ Loa. Văn Tân ghi:

“Mỵ Châu thì quả có chung tình với Trọng Thủy, nhưng chung tình một cách dại dột, còn Trọng Thủy đã phụ bạc với Mỵ Châu. Đối với đất nước của Mỵ Châu, Trọng Thủy là một tên gián điệp và một tên giặc không hơn không kém.

Về Mỵ Châu và Trọng Thủy từ trước đến giờ có một số người cho rằng giữa hai người ấy có một mối tình chung thủy. Nhưng trong ý nghĩ cùa nhân dân, (nhất là nhân dân miền Cổ Loa, thì Mỵ Châu và Trọng Thủy không phải là Mỵ Châu và Trọng Thủy như chúng ta thường quan niệm. Ở miền Cổ Loa hiện nay có hai làng, một làng thờ Mỵ Châu, một làng thờ Trọng Thủy. Đền thờ Mỵ Châu có một pho tượng Mỵ Châu không có đầu. Hễ ai hỏi dân làng lại sao tượng Mỵ Châu không có đầu, thì dân làng trà lời rằng: “Đầu Ngài (chỉ An Dương vương) giận, Ngài lấy đi rồi”. Điều đáng để ý dân làng thờ Mỵ Châu và dân làng thờ Trọng Thủy xưa kia không chơi bời giao thiệp với nhau và có khi còn thù ghét nhau nữa.

Chứng cớ trên đủ cho ta hiểu rằng trước con mắt của nhân dân Việt Nam ngày xưa cũng như ngày nay, Trọng Thủy không phải là một kẻ chung tình, mà chỉ là một tên bội bạc, một tên giặc xâm lăng”.

Bài của Văn Tân, ý thì có vẻ chê bai Trọng Thủy - con của Triệu Đà không ra gì, nhưng lại ngầm cung cấp ra thông tin ngay tại Cổ Loa có làng thờ Trọng Thủy. Không những vậy, dân làng thờ Trọng Thủy còn không giao thiệp chơi bời với dân thờ Mỵ Châu để bảo vệ quan điểm của làng. Như vậy thì dân ta và ngay dân Cổ Loa cũng đâu có phải ai cũng coi cha con Triệu Đà là giặc, vì nếu coi là giặc thì chẳng ai lập đền thờ.

Nhưng thái độ gay gắt của nhà sử học Văn Tân về Trọng Thủy bị nhóm nghiên cứu Lê Quý Đôn phản bác: "Nhận định như ông Văn Tân: Mỵ Châu quả có chung tình nhưng chung tình một cách dại dột, còn Trọng Thủy chỉ là một tên gián điệp thì còn gì là truyện Mỵ Châu - Trọng Thủy nữa. Chúng tôi thiết tưởng một người nghiên cứu văn học nào cũng phải nhìn thấy cái mâu thuẫn đau xót trong lòng Trọng Thủy vâng lời cha và giữ trọn tình yêu với Mỵ Châu. Nhân dân ta cũng đã nhìn thấy mâu thuẫn ấy và do đó có cảm tình với Trọng Thủy".

Truyền thuyết về Trọng Thủy - Mỵ Châu trở thành văn đàn tranh cãi sôi nổi ở miền Bắc sau 1954 giữa 2 xu hướng lên án và bênh vực Trọng Thủy. Phe lên án thì coi con trai Triệu Đà như một tên giặc xâm lược hèn hạ. Phe bênh vực thì có thái độ khoan dung thông cảm với Trọng Thủy. Trong hoàn cảnh mà việc tranh cãi về sử học chưa dễ dàng khi các nhà sử học lớn lúc ấy đồng nhất cách nhìn về Triệu Đà, thì việc tranh cãi trên văn đàn cũng là cách thể hiện quan điểm rất hay, vì dù sao văn học cũng nhẹ nhàng hơn và có nhiều không gian, hệ quy chiếu để nhìn nhận một vấn đề.

Theo Phan Nhân (tạp chí Nghiên cứu văn học số 9-1961) thì trong thời gian 6 tháng, tòa soạn Nghiên cứu văn học đã nhận được 32 bài lớn nhỏ tham gia tranh luận về Mỹ Châu - Trọng Thủy. Cuối tháng 6.1961, tòa soạn đã triệu tập một cuộc hội nghị gồm các nhà nghiên cứu, giảng dạy, soạn kịch và nghệ sĩ sân khẩu để tiếp tục thảo luận những vấn đề liên quan.

Đến đầu 1967, sau khi Tố Hữu làm bài thơ Tâm sự (trong tập Ra trận) với câu

Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu

Trái tim lầm chỗ để trên đầu

Nỏ thần vô ý trao tay giặc

Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu...”

thì một quãng thời gian dài sau đó, các tranh cãi về Trọng Thủy hầu như không xuất hiện trên văn đàn nữa, mà thay vào đó là những lời phê phán với cha con Triệu Đà.

Về mấy câu thơ trên, PGS Đặng Văn Lung trong trang 350 cuốn Lịch sử và Văn học dân gian có đánh giá: "Mấy câu thơ trên đã một thời làm nghiêng cán cân tranh luận về chủ đề cơ bản của truyền thuyết này. Và với tài điêu luyện của nghệ thuật thơ, nó ghim chặt vấn đề cảnh giác chính trị vào tâm trí mọi người, nó đặt sự cảnh giác chính trị vào vị trí thường trực của đời sống tinh thần dân tộc".

(còn tiếp)

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trọng Thủy con Triệu Đà: Bên trọng bên khinh và câu thơ 'chốt hạ' của Tố Hữu