Sáng 26.7.2024, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được tổ chức trọng thể, đồng thời tại 3 địa điểm: Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) và xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội).
Theo dòng thời sự

Trực tiếp: Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (sáng 26.7)

Theo TTXVN 26/07/2024 08:37

Sáng 26.7.2024, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được tổ chức trọng thể, đồng thời tại 3 địa điểm: Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) và xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội).

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM - Nguồn video: HTV

7:45 Ngày 26.7.2024

Tiếc thương và tự hào về nhà lãnh đạo lỗi lạc của đất nước

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng từng có thời gian được làm việc cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo lỗi lạc, nhà lý luận và người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

"Tôi có may mắn được làm việc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong nhiều năm, khi Tổng Bí thư làm chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, tôi cũng là Ủy viên của Hội đồng, nên tôi cũng được tiếp xúc, thảo luận, làm việc trong hội đồng dưới sự chỉ dẫn của Tổng Bí thư. Trong ngày Quốc tang, tôi xúc động khi chứng kiến đồng bào cả nước, đồng bào quốc tế đến viếng và tự hào vì Việt Nam có một nhà lãnh đạo có tâm có tầm. Điều này làm tôi tưởng nhớ đến những ngày lễ tang Bác Hồ năm 1969, khi đó tôi còn trẻ tuổi, được chứng kiến ngày lễ tang Bác. Tôi cảm giác lịch sử lặp lại...", PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc chia sẻ.

Chú thích ảnh
Nhân dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội - Ảnh: TTXVN

Khi nghĩ đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mọi người đều nghĩ tới việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Lâu nay, Đảng ta đã thực hiện việc đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là sự phản chiếu, phản ánh lại tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ.

Có thể khẳng định lý luận về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư phát triển tốt và bây giờ là định hướng cơ bản để tiếp tục phát triển từ nay về sau, đổi mới hội nhập. Trong phong cách làm việc, đồng chí Nguyễn Phú Trọng quan tâm đến tầm nhìn chiến lược và luôn dự báo, có tầm nhìn xa, hướng ngay tới những vấn đề cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tổng Bí thư là người lãnh đạo thực sự vì nhân dân, luôn hướng tới lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương đạo đức lớn, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, khiêm tốn, giản dị, hết lòng về công việc, không nghĩ đến lợi ích cá nhân, tơ hào, trục lợi. Đó là tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.Vì vậy, đồng chí được toàn Đảng, toàn dân ủng hộ, quý trọng và tự hào.

Ngoài ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn bàn sâu về một số lĩnh vực khác, mang tầm vóc lý luận như: Vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng nhà nước pháp quyền; vai trò của Quốc hội; chiến lược an ninh quốc phòng bảo vệ Tổ quốc; vấn đề ngoại giao cây tre Việt Nam; vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc... Đó đều là những vấn đề lý luận đang đặt ra trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

07:35 Ngày 26.7.2024

Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Trong hai ngày diễn ra Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (25 - 26.7.2024), tại Hà Nội, lực lượng quân đội, công an đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ tại nhiều địa điểm, đảm bảo an ninh, trật tự, giúp hỗ trợ các đoàn và người dân đến viếng được thuận lợi.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Lực lượng quân đội giúp người dân đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội - Ảnh: TTXVN
07:30 Ngày 26.7.2024

Đông đảo người dân đến Hội trường Thống Nhất xếp hàng từ sáng sớm

Dù chưa đến giờ vào viếng nhưng từ sáng sớm 26.7, hàng nghìn người đã đến xếp hàng dài hàng trăm mét trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, kéo dài từ đường Nguyễn Thị Minh Khai đến cổng Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh).

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Lượng người đến xếp hàng sáng sớm 26.7, đa phần là các bạn trẻ. Ảnh: Hoàng Tuyết - Mạnh Linh/Báo Tin tức

Ghi nhận của phóng viên Báo Tin Tức, từ sáng sớm, trong dòng người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất có rất nhiều người trẻ, có gia đình đưa theo con nhỏ đến viếng. Một số người dân cho biết đã đi từ 5 giờ sáng để xếp hàng. Tại đây, bộ phận điều phối tại lễ tang đã hướng dẫn người dân xếp hàng trật tự để chờ vào viếng.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Dù khá đông nhưng những người đến viếng đều xếp hàng trật tự - Ảnh: Hoàng Tuyết - Mạnh Linh/Báo Tin tức

Ôm trên tay khung ảnh có hình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng bài thơ do mình sáng tác, bà Nguyễn Thị Tuyết (66 tuổi, ngụ thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương) cho biết, bà xuất phát từ 3 giờ 30 phút sáng nay và có mặt tại Hội trường Thống Nhất lúc 5 giờ sáng.

07:20 Ngày 26.7.2024

Thay lời tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Nhiều trụ sở cơ quan, tòa nhà văn phòng ở Hà Nội đã trình chiếu phim tài liệu, hình ảnh về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, như lời tiễn biệt Nhà lãnh đạo đáng kính về nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Mai Dịch.

Theo Ban Tổ chức Lễ Quốc tang, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 26.7. Lễ truy điệu được tổ chức lúc 13 giờ cùng ngày, tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội. Lễ viếng, Lễ truy điệu được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.

Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ diễn ra lúc 15 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, TP Hà Nội.

Trên các tuyến đường ở Thủ đô, nhiều trụ sở cơ quan, tòa nhà văn phòng đã trình chiếu phim tài liệu, hình ảnh về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, như thay một lời tiễn biệt nhà lãnh đạo đáng kính.

Chú thích ảnh
Phim tài liệu "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo kiên trung, trí tuệ và mẫu mực" được chiếu trên màn hình lớn Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Thế Đoàn/Báo Tin tức
Chú thích ảnh
Hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên tòa nhà Sun Square (ngã tư đường Lê Đức Thọ, đường Hàm Nghi, quận Nam Từ Liêm) - Ảnh: Thế Đoàn/Báo Tin tức
Chú thích ảnh
Dòng chữ "Vô cùng thương tiếc Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng" trước tòa nhà PVcomBank (ngã tư phố Hai Bà Trưng - Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm) - Ảnh: Thế Đoàn/Báo Tin tức
Chú thích ảnh
Hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lá cờ rủ trước trụ sở Đảng ủy - UBND phường Kim Mã (quận Ba Đình) - Ảnh: Thế Đoàn/Báo Tin tức
Chú thích ảnh
Phim tài liệu, hình ảnh về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được trình chiếu trước trụ sở Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Thế Đoàn/Báo Tin tức
Chú thích ảnh
Phim tài liệu về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được trình chiếu trên màn hình lớn trước Ga Cầu Giấy (quận Đống Đa) - Ảnh: Thế Đoàn/Báo Tin tức
07:15 Ngày 26.7.2024

Lễ viếng và mở sổ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Argentina

Sáng 25.7 (giờ địa phương), Đại sứ quán Việt Nam tại Argentina đã tổ chức trọng thể Lễ viếng và mở sổ tang tưởng niệm đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chú thích ảnh
Toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Argentina do Đại sứ Ngô Minh Nguyệt dẫn đầu viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: Ngọc Tùng/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, trong bầu không khí trang nghiêm, xúc động, toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Argentina do Đại sứ Ngô Minh Nguyệt dẫn đầu đã dành một phút mặc niệm và tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đại sứ Ngô Minh Nguyệt cùng toàn thể đại biểu tham dự lễ viếng đã tưởng nhớ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người học trò xuất sắc không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhà lãnh đạo ưu tú của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, người đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp phục vụ Tổ quốc, nhân dân, được nhân dân yêu quý, bạn bè quốc tế kính trọng.

Chú thích ảnh
Đại sứ Việt Nam tại Argentina Ngô Minh Nguyệt ghi sổ tang tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: Ngọc Tùng/TTXVN

Mở đầu sổ tang, Đại sứ Ngô Minh Nguyệt viết: “Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo xuất sắc với nhiều dấu ấn nâng tầm đối ngoai Việt Nam. Đồng chí đã có những đóng góp vô cùng quan trọng về tư tưởng, lý luận và lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Với ngành Ngoại giao, Đồng chí luôn dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và nhiều tình cảm đặc biệt, nhất là trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại, ngoại giao toàn diện về phẩm chất, bản lĩnh, đạo đức và trình độ, chuyên môn”.

Chú thích ảnh
Lời ghi sổ tang của Đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Argentina trong sổ tang - Ảnh: Ngọc Tùng/TTXVN

Ngay sau Lễ mở sổ tang, đại diện Bộ Ngoại giao Argentina, đại diện Đại sứ quán Cuba, Brazil, Mỹ, Indonesia, Thái Lan, Argelia, Đại sứ quán Vatican, Iran, Croatia, Viện Văn hóa Argentina - Việt Nam, Phòng thương mại châu Á, cựu cán bộ ngoại giao Argentina tại Việt Nam và bạn bè sở tại đã tới viếng và ghi sổ tang tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

07:10 Ngày 26.7.2024

Triệu lời xúc động trên sổ tang điện tử

Sổ tang điện tử trên ứng dụng VNeID được kích hoạt tài khoản mức độ 2 là nơi để nhân dân cả nước bày tỏ lòng cảm kích và biết ơn đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã cống hiến cả cuộc đời cho Đảng, cho dân. Thông qua tính năng này, người dân có thể gửi lời chia buồn, tri ân, chia sẻ ký ức về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đã có rất nhiều chia sẻ xúc động, lời tiễn biệt của người dân trên mọi miền Tổ quốc gửi đến anh linh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng gia quyến.

07:05 Ngày 26.7.2024

Sáng 26.7, tiếp tục Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sáng 26.7.2024, Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bước sang ngày thứ hai. Lễ viếng sẽ tiếp tục từ 7 giờ đến 13 giờ tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội; đồng thời tại Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Lực lượng tiêu binh túc trực bên linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: TTXVN
07:00 Ngày 26.7.2024

Người dân tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Từ 17 giờ 45 phút ngày 25.7, người dân bắt đầu được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Dòng người đã xếp hàng dài xung quanh các điểm rào chắn nhà tang lễ ngay từ chiều để được chờ vào chắp tay tiễn biệt Tổng Bí thư lần cuối. Nhiều người đã không giấu được sự xúc động.

06:55 Ngày 26.7.2024

Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 26.7, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu từ 7 giờ đến 13 giờ. Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13 giờ ngày 26.7 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng lúc 15 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.

06:50 Ngày 26.7.2024

Kéo dài thời gian tổ chức lễ viếng trong đêm

Chú thích ảnh
23 giờ đêm 25.7, dòng người vẫn xếp hàng dài để chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: TTXVN

Theo thông báo ban đầu của Ban Tổ chức Lễ Quốc tang, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu từ 7 giờ đến 22 giờ ngày 25.7.2024 và từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 26.7.2024. Tuy nhiên, do số lượng người dân đến viếng vào chiều tối 25.7 rất đông, nên thời gian tổ chức lễ viếng tại Nhà Tang lễ Quốc gia (Hà Nội) và tại Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) được kéo dài hơn nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ban Tổ chức Lễ tang tại TP Hồ Chí Minh thông báo giờ viếng ngày 26.7 tại Hội trường Thống Nhất bắt đầu từ 7 giờ và kết thúc lúc 12 giờ 30 phút.

Ban Tổ chức Lễ tang tạo điều kiện sắp xếp để nhân dân vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại 3 địa điểm: Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) và xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Khi đến viếng, người dân mang thẻ căn cước, căn cước công dân gắn chip hoặc điện thoại có cài đặt VNeID kích hoạt mức độ 2 để quét mã QR.

Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13 giờ ngày 26.7 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng lúc 15 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.

06:45 Ngày 26.7.2024

Hơn 1.560 đoàn đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ban Tổ chức Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, từ 7 giờ đến 19 giờ 30 phút ngày 25.7, có 1.565 đoàn (với khoảng 55.600 lượt người), là đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị, các lực lượng vũ trang nhân dân, các đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức và bạn bè quốc tế, đồng bào đã đến viếng, gửi vòng hoa, chia buồn cùng gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), Hội trường Thống nhất (TP Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội).

Chú thích ảnh
Đến hơn 22h đêm 25/7, đoàn dài người dân vẫn xếp hàng chờ đến lượt vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: TTXVN

Trong niềm xúc động, tiếc thương sâu sắc, từ sáng sớm 25.7, các đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ban, ngành, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang cùng đông đảo tầng lớp nhân dân Thủ đô và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã tập trung tại khu vực Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) dự Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo đã có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Tại Nhà Tang lễ Quốc gia, trong nền nhạc trầm buồn "Hồn tử sĩ", đúng 7 giờ ngày 25.7.2024, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được cử hành trọng thể.

Với lòng tiếc thương vô hạn, Đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam làm Trưởng đoàn vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chia buồn cùng gia đình.

Vô cùng thương tiếc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đoàn Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng đoàn vào viếng và chia buồn cùng gia quyến.

Vô cùng thương tiếc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đoàn Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước làm Trưởng đoàn vào viếng và chia buồn cùng gia đình.

Vô cùng thương tiếc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đoàn Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam do đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn vào viếng và chia buồn cùng gia quyến.

Đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Trưởng đoàn vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chia buồn cùng gia quyến.

Tới viếng và chia buồn cùng gia quyến đồng chí Nguyễn Phú Trọng có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các nguyên Chủ tịch nước: Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; các nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Vương Đình Huệ, cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ðảng, Nhà nước.

Chú thích ảnh
Càng về chiều tối 25.7, số lượng người dân Thành phố Hồ Chí Minh đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất càng đông - Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Cùng thời điểm này, tại Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), nhiều đoàn đại biểu các bộ, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương khu vực phía Nam, các tầng lớp nhân dân đã vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh làm Trưởng đoàn vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, TP Hồ Chí Minh vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tiếp theo, Đoàn đại biểu Văn phòng Trung ương Đảng; Đoàn đại biểu Văn phòng Chính phủ; Đoàn đại biểu Văn phòng Quốc hội tại phía Nam; Đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, 7, 9 và các binh chủng; Đoàn đại biểu Bộ Công an phía Nam vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Chú thích ảnh
Đến tối 25.7, vẫn còn nhiều đoàn vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội - Ảnh: TTXVN

Tại Hội trường Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội; các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương… và đông đảo nhân dân đã đến viếng, bày tỏ lòng tiếc thương sâu sắc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người con ưu tú của quê hương Đông Hội.

Gần 60 năm công tác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế. Đồng chí mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân ta và gia quyến.

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu từ 7 giờ đến 22 giờ ngày 25.7.2024 và từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 26.7.2024.

Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13h ngày 26/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trực tiếp: Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (sáng 26.7)