Bây giờ thì mong chờ của Bắc Kinh đã trở thành hiện thực, Tập Cận Bình đã có thể tặng quà cho Donald Trump và chờ lại quả từ tân Tổng thống Mỹ. Có thể thấy rằng việc Trump “chỉ mặt gọi tên” Trung Quốc và nêu ra những biện pháp được cho là chính phủ Trump sẽ áp dụng để trừng phạt Bắc Kinh, đã là món quà vô giá mà Trump gửi tặng cho Tập Cận Bình.

​Trump đắc cử Tổng thống Mỹ - chiến thắng quá lớn cho Tập Cận Bình

11/11/2016, 15:16

Bây giờ thì mong chờ của Bắc Kinh đã trở thành hiện thực, Tập Cận Bình đã có thể tặng quà cho Donald Trump và chờ lại quả từ tân Tổng thống Mỹ. Có thể thấy rằng việc Trump “chỉ mặt gọi tên” Trung Quốc và nêu ra những biện pháp được cho là chính phủ Trump sẽ áp dụng để trừng phạt Bắc Kinh, đã là món quà vô giá mà Trump gửi tặng cho Tập Cận Bình.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là người hưởng lợi nhiều nhất từ tân Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: SCMP

Trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016, ứng viên đảng Cộng hoà đã “chỉ mặt gọi tên” Trung Quốc là “kẻ cướp công ăn việc làm và thu nhập của người dân Mỹ” và ông Trump cam kết sẽ lấy lại lợi ích cho nước Mỹ đã bị Trung Quốc cướp mất, nếu ông đắc cử Tổng thống. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhất trong chiến lược tranh cử của ông Trump.

Những tưởng như vậy thì Bắc Kinh sẽ “ghét cay ghét đắng” Trump và sẽ chờ đợi ứng viên Hillary thắng cử, song trớ trêu thay Trung Nam Hải lại mong chờ chiến thắng của vị tỷ phú bất động sản đã lên án và dọa trừng phạt họ. Tại sao vậy? Điều gì khiến cho người Trung Quốc lại có lối suy nghĩ và hành xử trái chiều như vậy?

CNN ngày 6.4 đã lý giải nghịch lý ấy: “Trung Quốc như là một cái túi đấm yêu thích của Trump, nhưng việc đó không khiến họ cảm thấy ngán ngại so với Hillary. Bởi lẽ, chính sách không chỉ đơn giản là những lời nói, những phép đếm. Do vậy, Trung Quốc cực kỳ dễ đối phó với nhà lãnh đạo có cái tôi lớn, người theo chủ nghĩa vị kỷ, thích được tâng bốc và ve vãn".

Nhận thấy điều bất lợi ấy, chính quyền Obama đã tìm cách hiệu chỉnh quan điểm của Bắc Kinh qua thỏa thuận ngầm giữa hai bên, nhằm ngăn chặn chiến thắng của Trump, đảm bảo đảng Dân chủ tiếp tục làm chủ Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa. Song Trump đã thắng cử khiến những hành động của Washington giúp Tập Cận Bình “lợi đơn lợi kép”.

Bắc Kinh đã giành được quá nhiều lợi ích trong thời gian “hoà hoãn” với Washington

Giới quan sát quốc tế đã bình luận rằng, vấn đề Biển Đông là chìa khoá cho bà Hillary Clinton mở cửa Nhà Trắng. Điều đó cho thấy hiệu ứng từ việc giải quyết vấn đề Biển Đông hoặc sẽ tạo ra bước đệm, hoặc sẽ tạo ra rào cản đối với ước vọng nguyên thủ quốc gia của cựu nữ Ngoại trưởng Mỹ, bởi Washington đã chuyển trục chiến lược về châu Á – Thái Bình Dương.

Trong khi đối trọng của Mỹ tại khu vực này là Trung Quốc đang có những hành động gây phức tạp thêm tình hình, điều đó gây hiệu ứng xấu cho bà Hillary trong cuộc đua với đối thủ đảng Cộng hoà. Vì vậy, yêu cầu đặt ra với Washington và phe Dân chủ là phải làm sao để Bắc Kinh không tạo ra những cơn sóng lớn tại Biển Đông cho đến khi có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ.

Ngày 12.7.2016 Toà Trọng tài ra phán quyết về vụ kiện của Phillipines đối với Trung Quốc về xung đột giữa hai nước tại Biển Đông, với lợi thế nghiêng về Manila. Kết quả đó có thể khiến Bắc Kinh sẽ có những hành động bất lợi cho Mỹ tại khu vực này, bởi Bắc Kinh không theo đuổi vụ kiện, không chấp nhận Toà trọng tài.

Đây là mối đe dọa với phe Dân chủ trong cuộc đua tranh vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ và buộc Washington phải có những nước đi quan trọng. Ngay sau khi có phán quyết của Toà Trọng tài, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, bà Susan Rice đã có chuyến thăm bất ngờ tới Bắc Kinh – một chuyến thăm được cho là nhằm đảm bảo không có sóng lớn tại Biển Đông thời hậu phán quyết PCA. Và quả thật như vậy. Dư luận thế giới rất ngạc nhiên với quan điểm rất mơ hồ của Mỹ về phán quyết của Toà Trọng tài, chủ yếu lặp lại tinh thần phán quyết chứ không thể hiện phản ứng rõ ràng của Washington. Và cũng từ sau phán quyết của Toà Trọng tài, Bắc Kinh không có nhiều hành động làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông, mà lại hướng về biển Hoa Đông nhiều hơn.

Như vậy sóng gió tại Biển Đông không còn làm ảnh hưởng tới đường đua của bà Hillary và Washington, cũng không gây bất lợi cho Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông, dù Trung Quốc là bên thua kiện. Tuy nhiên, Trung Nam Hải đã lợi dụng sự “hoà hoãn” ấy giữa Bắc Kinh và Washington để khai thác tối đa lợi ích của mình tại đây.

Tập Cận Bình đã quá thành công trong việc quyến rũ chính quyền mới tại Manila và sau chuyến thăm Trung Quốc của tân Tổng thống Phillipines Rodrigo Duterte thì có thể nhận diện đồng minh cũ của Washington đã thể hiện quá rõ chính sách đối ngoại “gần Trung xa Mỹ”. Chính quyền Obama đã không thể làm gì khác trong tình huống này.

Không những thế, Bắc Kinh còn lôi kéo được Kuala Lumpur về phía mình, qua đó phá vỡ một trong những tảng băng lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á. Những hợp đồng kỷ lục giữa Malyasia và Trung Quốc sau chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Najib Razak đã đảm bảo cho Bắc Kinh gạt dần ảnh hưởng của Washington tại địa bàn chiến lược này.

Bắc Kinh đã làm giảm vị thế quốc tế của Washington trong thời gian diễn ra tranh Tổng thống Mỹ

Giới phân tích cho rằng chỉ vì cố gắng đảm bảo cho chiến thắng của ứng viên đảng Dân chủ mà chính quyền Obama đã phải “ngậm đắng nuốt cay”, thậm chí trong nhiều tình huống còn bị Bắc Kinh “sỉ nhục”. Khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G-7 tại Ise Shima, Nhật Bản, Obama cùng các đồng minh đã không nương nhẹ với Bắc Kinh và Tuyên bố Ise Shima 2016 với việc quốc tế hoá vấn đề xung đột Biển Đông đã cho thấy điều ấy.

Hình ảnh cho thấy Bắc Kinh đã “hạ nhục” Obama tại G-20, qua đó làm giảm vị thế quốc tế của Washington mà phải hàng thế kỷ mới xây dựng được - Ảnh :CNN

Tuy nhiên đến Hội nghị thượng đỉnh G-20 tổ chức tại Hàng Châu, Trung Quốc thì tình thế diễn ra hoàn toàn trái ngược. Washington đã hoàn toàn lép vế trước Bắc Kinh tại hội nghị quốc tế cực kỳ quan trong này. Trung Nam Hải đã quá thành công trong việc tạo ra cơ chế “người đứng đầu định chế” cho G-20 và Bắc Kinh đã là “người đứng đầu định chế” ấy.

Bắc Kinh đã chọn thách thức Washington qua định chế G-20 với quyết tâm gạt bỏ vai trò của G-7 khi nhận thấy “G-7 nói nhiều hơn làm”. Không những vậy, Tập Cận Bình còn lợi dụng sự kiện G-20 để “hạ nhục” Obama qua việc tạo xì-căng-đan trong nghi thức tại lễ đón nhà lãnh đạo Mỹ cùng phái đoàn Mỹ khi đến Bắc Kinh.

Cho dù Tổng thống Obama cho rằng “đó là chuyện nhỏ không nên quan tâm, cần chú tâm vào việc lớn hơn”, song không thể phủ nhận việc người đứng đầu Nhà Trắng xuống máy bay bằng cầu thang sắt, không trải thảm là không thể chấp nhận được. The New York Times ngày 7.9 nhận định Washington đã thất bại toàn diện trước Bắc Kinh ngay từ khi Obama rời khỏi máy bay.

Bên cạnh đó, Tập Cận Bình còn tạo cơ hội cho Putin lấy lại vị thế quốc tế cho Nga từ hội nghị G-20 và cặp đôi Putin – Tập Cận Bình quyết khai thác món quà mà G-20 tặng cho họ. Không những Bắc Kinh gạt dần ảnh hưởng của Washington tại khu vực Châu Á – Thái bình Dương mà Trung Nam Hải còn chặn cả thuyền lợi ích Mỹ buông neo tại Nam Á - Ấn Độ Dương qua việc tung hứng giữa Moscow và Bắc Kinh trong việc quyến rũ, khống chế New Delhi.

Khi chính phủ Anh quyết định tái khởi động Dự án điện hạt nhân Hinkley Point C cho thấy đồng minh thân cận nhất của Washington tại bờ đông Đại Tây Dương đã bị chinh phục bởi đồng nhân dân tệ. Khi Bắc Kinh sở hữu cảng Piraeus, Hy Lạp, qua đó kiểm toả Địa Trung Hải thì cũng đồng thời nhổ những trụ móng cuối cùng của Washington tại địa bàn chiến lược này.

Sự nhún nhường của Washington trước cuộc bầu cử khiến cho Bắc Kinh ngày càng lấn tới, cặp đôi tập Cận Bình – Putin đã đưa Bắc Kinh và Moscow chiếm dần mặt bằng sân khấu chính trị thế giới, đẩy Washington vào thế bất lợi. Đến khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có kết quả thì vị thế quốc tế của Washington bị giảm sút quá nhiều sau hàng thế kỷ mới tạo dựng được.

Tập Cận Bình đã có thể tặng quà cho Donald Trump

Như CNN nhận định, dù bị Trump đe dọa trừng phạt nếu ông ta thắng cử, song Tập Cận Bình vẫn mong được tặng quà cho Donald Trump. Bởi lẽ, dù Trump có cay nghiệt, xảo ngôn đến mấy thì với Trung Nam Hải việc đối phó với vị tỷ phú bất động sản dễ dàng hơn với cựu nữ Ngoại trưởng rất nhiều. Do vậy, dù bề mặt ủng hộ bà Hillary để đổi lấy lợi ích, nhưng thực ra Bắc Kinh mong chờ chiến thắng của ông Trump.

Bây giờ thì mong chờ của Bắc Kinh đã trở thành hiện thực, Tập Cận Bình đã có thể tặng quà cho Donald Trump và chờ lại quả từ tân Tổng thống Mỹ. Có thể thấy rằng việc Trump “chỉ mặt gọi tên” Trung Quốc và nêu ra những biện pháp được cho là chính phủ Trump sẽ áp dụng để trừng phạt Bắc Kinh, đã là món quà vô giá mà Trump gửi tặng cho Tập Cận Bình.

Trump đã thông báo cho Trung Nam Hải những gì mà Washington sẽ hành xử với Trung Quốc khi chính quyền Trump chính thức quản lý và điều hành đất nước, qua đó giúp cho Bắc Kinh có thể chuẩn bị trước những biện pháp ứng phó và có thể tương kế tựu kế để làm lợi cho mình. Với Trump thì lợi ích Mỹ là quan trọng nhất và mọi thứ đều phải được đổi - trao.

Đây là vấn đề mà Bắc Kinh có thể đổi - trao với Washington, thậm chí nhường phần hơn cho đối thủ. Điều Trung Nam Hải hướng tới chính là hiệu chỉnh sức mạnh Mỹ để làm sao không gây hại hay làm suy yếu sức mạnh Trung Quốc. Và với Trump thì điều đó sẽ dễ dàng hơn với Hillary, nếu bà đắc cử.

Ngọc Việt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
11 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
​Trump đắc cử Tổng thống Mỹ - chiến thắng quá lớn cho Tập Cận Bình