Dù là ai sẽ trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, thì sẽ có sự thay đổi lớn trong 4 năm tiếp theo trên toàn thế giới bắt nguồn từ chính sách của ông (bà) chủ mới Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ, hay chính xác hơn là ê kíp lãnh đạo nước Mỹ tiếp theo, sẽ là người định hình chính sách đối ngoại, kinh tế của quốc gia số 1 thế giới về cả kinh tế, chính trị, quân sự trong 4 năm kế tiếp.
Chính vì lý do đó, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ được theo dõi ở khắp thế giới, do tính chất quyết định của nó đối với số phận toàn cầu trong những năm tiếp theo. Bài này chỉ đề cập đến một số vấn đề quan trọng, liên hệ mật thiết giữa cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và thế giới trong những năm tiếp theo sau bầu cử.
Quan hệ với Trung Quốc
Nếu ông Trump giành chiến thắng, Trung Quốc sẽ là nước lo lắng nhất khi gần như ứng viên của đảng Cộng hòa coi họ (Trung Quốc) là "kẻ thù" lớn nhất của Mỹ. Ông Trump từng nói rằng Trung Quốc là quốc gia phải chịu trách nhiệm cho "gần một nửa toàn bộ thâm hụt thương mại của chúng ta". "Hãy nhìn những gì Trung Quốc đang làm cho nước ta. Họ đang sử dụng chúng ta như một con heo đất để xây dựng nước họ", ông Trump nói, cho rằng Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ toàn cầu và sẽ bị trừng phạt nếu ông trở thành Tổng thống.
Trong khi đó, ứng viên Clinton được cho là sẽ "nhẹ nhàng" hơn với Trung Quốc, và sẽ tiếp nối chính sách của chồng bà đã áp dụng với quốc gia đông dân nhất thế giới. "Nếu bà Clinton làm Tổng thống, bà sẽ đồng cảm hơn với Trung Quốc, đặc biệt là sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai cường quốc về kinh tế", ông Rajeswari Pillai Rajagopalan tại Viện nghiên cứu Observer (ORF) cho biết.
Cũng ở viện ORF, nhà bình luận Ashok Malik nhận định rằng nếu ông Trump đắc cử, cam kết về việc xoay "trục" sang châu Á của chính quyền ông Obama sẽ được nối tiếp và có phần phát triển mạnh hơn. "Nếu sự thù địch (với Trung Quốc) được chuyển thành hành động thì ông ấy sẽ mở rộng nhiều cam kết với các đồng minh châu Á của Mỹ, những nước cũng có mối lo chung về Trung Quốc", ông Malik nói.
Biển Đông tiếp tục căng thẳng
Với việc có tới 60 cuộc đối thoại chính thức của Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, nhà phân tích chiến lược Shamshad A Khan cho rằng sẽ không có sự thay đổi chính sách về vấn đề Biển Đông dù ai sẽ thắng cử trong cuộc bầu chọn Tổng thống Mỹ lần này.
"Sự hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục ở bất cứ nơi nào mà quyền lợi của họ hội tụ. Chỉ có Biển Đông mới là khu vực có thể chứng kiến sự đối đầu giữa hai nước vì lý do tự do hàng hải", ông Khan nói.
Tuy nhiên, nếu ông Trump thắng cử thì có thể sẽ có nhiều căng thẳng hơn trước trên Biển Đông, do cách tiếp cận có phần cứng rắn hơn thời ông Obama.
"Nếu ông Trump thành Tổng thống Mỹ thì ông ấy sẽ gia tăng những hành động thách thức Trung Quốc trong khu vực này hơn thời ông Obama, Mỹ sẽ cố gắng thực thi quyền tự do hàng hải mạnh hơn dẫn đến leo thang căng thẳng", ông Khan nói thêm.
Hợp tác với Nga
Nước Nga luôn là cái tên được nhắc đến đầu tiên trong các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, trong bối cảnh những ám ảnh của cuộc Chiến tranh lạnh đang quay trở lại giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Ông Trump, người bị cáo buộc là có quan hệ mật thiết với Nga, nhưng ông đã bác bỏ thông tin này và chỉ thừa nhận mình "ngưỡng mộ" nhà lãnh đạo Vladimir Putin của nước Nga, cũng như muốn "làm lành" quan hệ với Nga khi thắng cử.
Trong khi đó, bà Clinton người thường xuyên cáo buộc Nga "nhúng tay" vào cuộc bầu cử Mỹ theo hướng có lợi cho ông Trump sẽ buộc phải làm việc với Nga để giải quyết các vấn đề ở Syria và Ukraine, nơi Moscow đang thể hiện sức mạnh của mình.
"Tôi nghĩ rằng điều quan trọng với Mỹ lúc này là làm cho Putin hiểu rằng sẽ không ai chấp nhận cho ông ta tạo thêm sự hỗn loạn ở Syria, ném bom giúp Assad. Và chúng ta không thể làm điều đó nếu chúng ta không cho họ thấy sự kiên quyết của mình, tôi sẽ cho họ thấy điều đó", bà Clinton nói trong một cuộc tranh luận của đảng Dân chủ hồi tháng 10.2015.
Người kế nhiệm ông Obama sẽ phải giải quyết di sản ở Syria, sau khi bạo lực bắt đầu gia tăng trở lại từ khi thỏa thuận ngừng bắn do hai nước bảo trợ bị phá bỏ. Hợp tác với Nga giải quyết được vấn đề Syria sẽ là điểm sáng trong nhiệm kỳ của người kế nhiệm ông Obama.
Giải quyết vấn đề Syria còn có ý nghĩa hơn khi qua đó giải quyết được một phần nào làn sóng người tị nạn sang châu Âu, tiến tới tiêu diệt được chủ nghĩa khủng bố quốc tế tại Trung Đông.
Thiên Hà