Trang Straits Time đưa tin từ ngày 1.7, Luật Quan hệ đối ngoại của Trung Quốc chính thức có hiệu lực.
Luật Quan hệ đối ngoại - được Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc thông qua ngày 28.6 - đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi lập quốc chính sách đối ngoại nước này được soạn thảo thành luật.
Theo luật mới, Trung Quốc đủ quyền hạn thực thi biện pháp chống lại hoặc hạn chế hoạt động gây nguy hiểm cho lợi ích quốc gia. Quốc vụ viện (chính phủ) đặt ra quy định và hệ thống thích hợp để thực thi.
“Dựa trên các hiệp ước và thỏa thuận đã ký hoặc tham gia, Trung Quốc có quyền thực hiện hành động ngoại giao cần thiết như điều chỉnh hoặc chấm dứt quan hệ ngoại giao hoặc lãnh sự”, Luật Quan hệ đối ngoại viết.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố luật mới đáp ứng nhu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển của đất nước. Ông nhấn mạnh đạo luật nhằm mục đích đáp trả sự can thiệp, trừng phạt lẫn phá hoại từ nước ngoài, cho phép nước này dễ dàng thực thi biện pháp đối phó hoặc ngăn chặn.
Viện trưởng Viện nghiên cứu Quan hệ quốc tế (Đại học Nam Kim) Chu Phong nhận định Luật Quan hệ đối ngoại không chỉ đóng vai trò cơ sở pháp lý cho Trung Quốc thực thi biện pháp đối phó hoặc ngăn chặn can thiệp, mà còn là văn bản hướng dẫn đảm bảo giới chức ngoại giao hành xử nhất quán.
Theo Viện trưởng Chu: “Vài năm gần đây chúng ta đã thấy một số hành vi không phù hợp chính sách đối ngoại Trung Quốc. Luật sẽ chuẩn hóa cách thực thi chính sách, đặt ra giới hạn cho mọi người”. Ông lấy ví dụ trường hợp Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lư Sa Dã nổi tiếng với phong cách “ngoại giao chiến lang”.
Đại sứ Lư thường xuyên đưa ra phát ngôn gay gắt về Pháp, gần đây quan chức này còn hứng chịu chỉ trích vì nói rằng các quốc gia từng thuộc Liên Xô không có địa vị thực tế trong luật pháp quốc tế vì không có thỏa thuận quốc tế nào cụ thể hóa tình trạng chủ quyền của họ. Trung Quốc sau đó phải lên tiếng đính chính rằng đây chỉ là quan điểm cá nhân chứ không đại diện cho lập trường của họ.