Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh và Washington sẽ phải đối mặt với một “con đường dài” trước khi có thể đạt được một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại ác liệt này, trong đó nhiều khả năng sẽ có thêm các cuộc đối đầu.

Trung Quốc cảnh báo chiến tranh thương mại với Mỹ sẽ còn kéo dài

Hoàng Vũ | 01/07/2019, 19:01

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh và Washington sẽ phải đối mặt với một “con đường dài” trước khi có thể đạt được một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại ác liệt này, trong đó nhiều khả năng sẽ có thêm các cuộc đối đầu.

Trong một dấu hiệu của sự cải thiện đáng kể trong quan hệ Mỹ - Trung vào cuối tuần trước, bên lề thượng đỉnh G-20 ở Nhật Bản, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã đồng ý đình chiến thương mại lần hai và nối lại các vòng đàm phán vốn đã gián đoạn từ tháng 5, đồng thời Mỹ đã nới lỏng lệnh cấm vận lên tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc.

Tuy nhiên, tờ China Daily - trang tin bằng tiếng Anh thuộcCục Công khai của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, vốn thường được dùng để truyền tải thông điệp của Bắc Kinh ra thế giới, cảnh báo rằng hai bên vẫn còn quá nhiều khác biệt và không dễ gì đảm bảo sẽ có một thỏa thuận chấm dứt thương chiến.

“Mặc dù Washington đã đồng ý hoãn lại áp thuế bổ sung lên hàng hóa Trung Quốc để mở đường cho đàm phán, và ông Trump thậm chí còn bóng gió đưa ra việc tạm dừng các quyết định về Huawei cho đến khi kết thúc đàm phán, mọi chuyện hầu như vẫn chưa rõ ràng.

Việc đạt đồng thuận về 90% vấn đề đã chứng minh như thế vẫn chưa đủ, và với 10% còn lại là những khác biệt cơ bản của hai bên, sẽ không dễ dàng đạt được đồng thuận 100%, vì tại thời điểm này, những vấn đề trên, thậm chí chỉ dừng ở mức độ khái niệm”, hãng tin Reuters trích dẫn bài xã luận được China Daily đăng vào ngày 29.6.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong một tuyên bố về G-20 được Bộ Ngoại giao nước này đưa ra, nói rằng cuộc gặp Trump - Tập đã gửi một tín hiệu “tích cực” cho thế giới.

“Mặc dù các vấn đề giữa hai nước vẫn còn, Trung Quốc vẫn tin tưởng rằng miễn là cả hai nước tuân theo sự đồng thuận đạt được bởi hai nhà lãnh đạo, chúng ta có thể giải quyết các vấn đề của mình trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau”, nhà Ngoại giao hàng đầu Trung Quốc cho biết hôm 29.6.

Việc Mỹ và Trung Quốc đình chiến thương mại đã nhận được hoan nghênh từ cộng đồng kinh tế thế giới, nơi chứng kiến ảnh hưởng tiêu cực của cuộc xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Phóchủ tịch các hoạt động về Trung Quốc tại Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung, ông Jacob Parker nói rằng việc trở lại đàm phán là một tin tốt cho cộng đồng doanh nghiệp và giúp tăng thêm sự ổn định cho “mối quan hệ đang dần dần xấu đi” giữa hai cường quốc.

“Bây giờ, công việc khó khăn là tìm kiếm sự đồng thuận trong các vấn đề gai góc nhất trong mối quan hệ hai nước. Nhưng với một cam kết từ phía trên, chúng tôi hy vọng điều này sẽ đưa hai bên vào một con đường ổn định để tiến tới thỏa thuận”, ông Parker nói.

Theo Reuters, lập trường của Trung Quốc về thương chiến đang ngày càng trở nên cứng rắn hơn, với việc Bắc Kinh tuyên bố họ sẽ không dễ bị “bắt nạt”, không đầu hàng trước áp lực và sẽ “chiến đấu đến cùng”.

Taoran Notes - tài khoản Wechat của tờ Nhật báo Kinh tế Trung Quốc (Economic Daily, một tờ báo chính thức do Hội đồng Nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn), cho rằng Washington bây giờ đã nhận ra rằng Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ, và việc áp thuế với hàng hóa Trung Quốc đang ngày càng không được ủng hộ ở trong nước.

Hoàng Vũ (theo Reuters)
Bài liên quan
Tương lai của xe tải tự lái tại Mỹ
Hãng AP giới thiệu tham vọng triển khai hàng nghìn xe tải tự lái khắp nước Mỹ của nhiều công ty nội địa.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Đấu thầu vàng: Không hủy thì ế hàng, mục tiêu hạ nhiệt thị trường vàng thất bại
Ngân hàng Nhà nước mở 4 phiên đấu thầu vàng, nhưng hủy đến 3 lần. Một phiên đấu thầu diễn ra thì cũng chỉ bán được 20% số vàng chào thầu cho 2 đơn vị.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc cảnh báo chiến tranh thương mại với Mỹ sẽ còn kéo dài