Ở Trung Quốc đang có loại hình cho vay qua Internet với một cái bẫy: chủ nợ có thể theo dõi chiếc xe khắp nơi và có thể tịch thu xe nếu bạn không trả nợ.

Trung Quốc: Cho vay trực tuyến, siết nợ xe hơi

Anh Đủ | 28/11/2018, 11:30

Ở Trung Quốc đang có loại hình cho vay qua Internet với một cái bẫy: chủ nợ có thể theo dõi chiếc xe khắp nơi và có thể tịch thu xe nếu bạn không trả nợ.

Ngành cho vaytrực tuyến ở Trung Quốc đang phát triển mạnh, nối kết các nhà đầu tư với các con nợ nhỏ. Loại hình tín dụng này đã làm nảy sinh ra một ngành kinh doanh quyền sở hữu xe hơi.

Mặc dầu Bắc Kinh đã cấm cửa các hoạt động của hàng trăm chủ nợ trực tuyến, những chủ nợ khác cố tìm cách cho vay những khoản tiền ngắn hạn cho hàng trăm ngàn cá nhân nếu họ chịu đem chiếc xe của họ làm tài sản thế chấp.

Các chủ nợ cho vay có cam kết thế chấp xe hơi tính mức lãi hàng năm lên đến 36%. Họ cài đặt các thiết bị theo dõi dấu bên dưới các chỗ ngồi hoặc đàng sau các tấm kính của các chiếc ô tô để ngừa các con nợ sẽ gỡ bỏ các thiết bị ấy.

Khi con nợ không trả được nợ, sẽ có những kẻ đi siết các chiếc xe, có khi vào cả lúc nửa đêm, một số con nợ lẫn chủ nợ cho biết.

Khó xác định quy mô chính xác của ngành kinh doanh này. Một công ty niêm yết ở New York cho biết họ là nền tảng cho vay dựa vào xe hơi lớn nhất Trung Quốc với khối lượng tiền vay lên đến 80,2 tỷ nhân dân tệ (11,5 tỷ USD) trong năm 2017. Công ty này cho rằng khoản đó chỉ bằng 1/3 quy mô của ngành này.

Công ty có tên là Weidai, cho biết các khoản vay có hạn trung bình ba tháng và tổng dư nợ của công ty tính đến cuối tháng sáu là 17,2 tỷ nhân dân tệ, tăng 12 tỷ so với một năm trước đó.

Weidai – tiếng Trung là “vi trái” – đặt trụ sở ở Hàng Châu. Hồi đầu tháng này công ty huy động được 45 triệu USD trong đợt ra công chúng lần đầu tiên trên Sàn giao dịch chứng khoán New York. Bản cáo bạch của công ty gần đây cho biết họ có 225.000 con nợ tích cực, hầu hết là chủ những doanh nghiệp nhỏ có nhu cầu vốn lưu động.

Các doanh nghiệp nhỏ nhận vốn từ các nhà đầu tư trực tuyến – hầu hết khoản 40 đổ xuống – có thu nhập trung bình là 8%.

Cho vay qua internet tăng mạnh trong mấy năm đổ lại đây, được hỗ trợ bởi các tiến bộ trong công nghệ tài chính; nhờ vậy mà mọi người dễ đầu tư và vay tiền qua điện thoại di động của họ.

Tuy nhiên sự bùng nổ cũng dẫn đến chuyện cho vay lỏng lẻo và các hoạt động trấn lột. Nợ quá hạn theo đó cũng tăng lên, dẫn đến một cuộc đàn áp của nhà cầm quyền trong năm qua.

Chính quyền Trung Quốc đưa ra yêu cầu đăng ký và các điều kiện cấp phép cho những người làm tín dụng khắt khe hơn và đã cấm họ tính lãi suất quá cao. Cảnh sát địa phương cũng đàn áp các chủ nợ đã dùng bạo lực để đòi nợ.

Tổng dư nợ cho vay ngang hàng trực tuyến ở Trung Quốc lên đến 1,3 ngàn tỷ nhân dân tệ (188 tỷ USD) hồi tháng năm trước khi giảm xuống còn 832 tỷ nhân dân tệ hồi tháng mười, theo hãng cung cấp dữ liệu Wind Information. Hàng trăm cơ sở, trong đó có các chủ nợ đòi thế chấp xe hơi, đã ngưng hoạt động, trong khi nhiều chủ nợ khác giảm khối lượng khởi tạo khoản vay của họ trong mấy tháng gần đây.

Toàn bộ ngành tín dụng này hiện nay đã suy giảm, nhưng một khi các nền tảng đủ điều kiện để được cấp phép và mọi chuyện ổn định, ngành sẽ lại bùng phát, Zhang Yexia, một nhà nghiên cứu của hãng dữ liệu cho vay trực tuyến Wangdaizhijia nói.

Các khoản vay đòi thế chấp xe hơi đã trở thành một ngành kinh doanh phát triển nhờ doanh số bán xe tăng ở Trung Quốc trong mấy năm gần đây. Một báo cáo của công ty tư vấn Oliver Wyman do hãng Weidai trích dẫn cho biết tổng các khoản vay thế chấp xe hơi là 223 tỷ nhân dân tệ (32 tỷ USD) vào năm 2017, tăng mạnh so với các năm trước.

Các hãng tín dụng trực tuyến cho biết các khoản vay thế chấp xe hơi ít có xu hướng vỡ nợ và chủ xe ở Trung Quốc thường giàu có hơn người vay tiền trung bình. Điều này trái ngược với ở Mỹ, nơi mà các khoản vay thế chấp xe hơi thường liên quan đến những người bị khó khăn về tài chính và lãi suất hàng năm có thể lên đến ba con số.

Vay thế chấp xe hơi ở Trung Quốc thường dưới mức giá trị của vật thế chấp, bảo đảm an toàn cho chủ nợ. Dữ liệu trên trang web của Weidai cho thấy công ty vừa cho một người vay 200.000 nhân dân tệ với thế chấp chiếc xe Range Rover đang xài với giá trị ước tính là một triệu nhân dân tệ.

Ngành này không phải là không bị điều tiếng. Một số người vay cho biết họ đã bị tính phí khởi tạo khoản vay rất cao và một số trả nợ trễ cho biết những kẻ siết nợ gọi điện và quấy rối gia đình và bạn bè của họ.

Li Hao, một người dân 24 tuổi ở tây nam Côn Minh, bị thiếu tiền mặt hồi tháng 10/2017. Anh cho biết mình đã thế chấp chiếc sedan Tràng An mới chạy được một năm, để vay 12.000 nhân dân tệ và phải trả hơn 70.000 nhân dân tệ (10.098USD) cho một chủ nợ tên Tuteng Loan.

Li cho biết anh đã trả hết khoản nợ nửa năm đúng hạn hồi tháng tư năm nay. Nhưng anh cho biết Tuteng sau đó yêu cầu một khoản thanh toán bổ sung một lần nhiều hơn số tiền anh đã vay. Một kẻ siết nợ đã gọi điện cho cha mẹ anh và hăm dọa sẽ chặt chân anh, Li kể lại. Anh cho biết đã gọi cho cảnh sát. Tuteng không bình luận về việc này khi báo chí yêu cầu.

Hồi tháng sáu, Tuteng tiết lộ trên trang web của họ là công ty đang gặp khó khăn và phải thanh toán lại cho một số nhà đầu tư đúng hạn. Hồi cuối mùa hè này, công ty cho biết họ đã siết 658 chiếc xe của các con nợ trong vòng ba tháng từ tháng năm đến tháng tám.

Ở một góc khác của ngành tín dụng này, một trò chơi mèo và chuột đang diễn ra, với những con nợ chống lại những chủ nợ muốn siết xe của họ. Một số trang web cho biết làm thế nào co nợ tìm thấy các thiết bị theo dõi GPS mà chủ nợ lén cài vào xe của họ.

Weidai theo dõi hành vị của con nợ để giảm thiểu rủi ro bị xù. Công ty cho biết những kẻ đi đòi nợ của họ thường xuyên gọi điện hoặc đích thân đến gặp các cá nhân mắc nợ. Trang web của họ có một bản đồ theo dõi ‘tung tích’ của gần 300.000 chiếc xe theo thời gian thực qua hơn 600.000 thiết bị GPS họ đã cài đặt. Hệ thống “kích hoạt báo động nếu có dấu hiệu mạnh về các hoạt động bất thường,” công ty cho biết, nhưng không đưa ra chi tiết cụ thể.

Tuy nhiên, một hồ sơ của tòa án ở phía nam Hồ Châu, mô tả một sự cố hồi năm ngoái. Đó là vụ những người đàn ông làm nghiệp vụ bảo đảm thế chấp đại diện cho Weidai đã lôi một con nợ ra khỏi chiếc xe của ông ta trong khi ông ta đang lái xe và lấy chiếc xe đi. Cuối cùng tòa án đứng về phía Weidai trong vụ kiện vì con nợ không trả nợ.

Trong một tuyên bố, Weidai cho biết họ yêu cầu bên thứ ba thực hiện các quy định có liên quan và không bao giờ sử dụng các biện pháp bất hợp pháp để thu nợ.

Trần Bích(theo WSJ)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc: Cho vay trực tuyến, siết nợ xe hơi