Trung Quốc được xem là một trong những nước có thể hưởng nhiều lợi ích nhất từ Brexit về dài hạn. Điều đó có thể đúng, nhưng dường như những tác động tiêu cực trong ngắn hạn do Brexit gây ra với Trung Quốc lại chưa được đánh giá kỹ lưỡng.

Trung Quốc đừng mơ hưởng lợi sớm từ Brexit: những cái tát đầu tiên

28/06/2016, 07:15

Trung Quốc được xem là một trong những nước có thể hưởng nhiều lợi ích nhất từ Brexit về dài hạn. Điều đó có thể đúng, nhưng dường như những tác động tiêu cực trong ngắn hạn do Brexit gây ra với Trung Quốc lại chưa được đánh giá kỹ lưỡng.

Chủ tịch Trung Quốc (trái) và Thủ tướng Anh trong một cuộc gặp - Ảnh: Internet

Sự quyết định ra đi của nước Anh khỏi liên minh châu Âu (EU) hôm 23.6 vừa qua, vẫn được biết đến với cái tên Brexit, chắc chắn là một trong những sự kiện kinh tế-tài chính quan trọng nhất và có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới, ít nhất là trong nửa đầu thế kỷ 21.

Chỉ một ngày sau khi Brexit diễn ra, thị trường tài chính thế giới đã ngay lập tức chao đảo, khiến cho không ít quốc gia trở nên không có thiện cảm với nước Anh, điển hình là Nhật Bản khi yen tăng giá quá mạnh sau Brexit khiến cho nước này gặp vấn đề nghiêm trọng trong chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của mình.

Trái ngược với Nhật Bản, Trung Quốc lại được xem là một trong số những nước có thể hưởng nhiều lợi ích nhất từ Brexit, bên cạnh Nga về dài hạn. Điều đó có thể đúng, nhưng dường như những tác động tiêu cực trong ngắn hạn do Brexit gây ra với Trung Quốc lại chưa được đánh giá kỹ lưỡng. Trung Quốc hiện tại đang ở vào tình thế “chờ được vạ thì má đã sưng”.

Đúng là sự chia rẽ giữa Anh và EU có thể đem lại một yếu tố tích cực đến cho Trung Quốc, khi nhớ lại rằng chỉ cách đây một thời gian ngắn chính Anh là nước đã yêu cầu Ủy ban châu Âu xem xét nâng mức áp thuế đối với mặt hàng thép nhập khẩu từ Trung Quốc trên phạm vi toàn EU, bắt nguồn từ việc ngành công nghiệp sản xuất thép ở Anh gặp thiệt hại nghiêm trọng do thép xuất khẩu giá rẻ của Trung Quốc. Anh cũng được xem là một trong những nước đồng tình việc phản đối trao cho Trung Quốc quy chế kinh tế thị trường mà nước này mong đợi cách đây hơn một tháng.

Sự chia rẽ giữa Anh và EU vì thế về lâu dài có thể làm giảm vị thế của liên minh châu Âu trong mối quan hệ kinh tế-thương mại với Trung Quốc, đây là điều mà chính phủ Trung Quốc chờ đợi. Một EU suy yếu hơn và chia rẽ hơn sẽ mang lại cho Trung Quốc nhiều cơ hội hơn trong việc đàm phán các vấn đề thương mại và kinh tế. Nhất là sự chia tách về kinh tế với nước Anh có thể đem lại những tác động xấu với nền kinh tế EU, nhiều khả năng sẽ hướng về mối quan hệ thương mại và kinh tế với Trung Quốc nhiều hơn để bù đắp lại những thiệt hại đó.

Tuy nhiên, đó là về dài hạn. Còn trong ngắn hạn, Trung Quốc với tư cách là nền kinh tế số hai thế giới sẽ là một trong những nước phải hứng chịu nhiều tác động nhất từ cơn bão đang càn quét thị trường tài chính và nền kinh tế toàn cầu mang tên Brexit.

Tác động nhanh chóng và dễ thấy nhất là vấn đề tỷ giá. Việc bảng Anh và euro sụt giá mạnh đang gây ra những tác động rất xấu tới chính sách tỷ giá của Trung Quốc. Bảng Anh và euro sụt giá đang khiến tỷ giá nhân dân tệ tăng lên, ảnh hưởng tiêu cực đến tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc, có xu hướng buộc chính phủ nước này phải hạ tỷ giá nội tệ của mình để giảm thiệt hại, dù đây là điều Bắc Kinh không hề muốn. Đến ngày 26.6, tức là 3 ngày sau khi Brexit diễn ra, tỷ giá nhân dân tệ đã ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm rưỡi qua, kể từ thời điểm tháng 12.2010.

Chính sách tỷ giá của chính phủ Trung Quốc đang gặp phải sự tác động lớn từ sự kiện này, khi mà từ đầu năm đến nay Trung Quốc cố gắng duy trì không để tỷ giá nhân dân tệ sụt giảm quá mạnh có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế. Nhưng Brexit đang trở thành một sự kiện buộc Trung Quốc phải thay đổi bằng cách hạ tỷ giá nhân dân tệ một lần nữa, nhiều khả năng điều này vẫn chưa dừng lại trong thời gian tới khi mà tỷ giá bảng Anh và euro vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Bảng Anh và euro cần bao nhiêu thời gian để hồi phục tỷ giá thì nhân dân tệ cũng sẽ phải mất từng ấy thời gian phải duy trì ở mức tỷ giá thấp tương ứng.

"Đòn" thứ hai mà Brexit giáng xuống kinh tế Trung Quốc là về xuất khẩu. Theo dự báo, Brexit xảy ra có thể khiến kinh tế của cả nước Anh lẫn EU sụt giảm khá mạnh; tăng trưởng kinh tế Anh 2016 có thể chỉ còn 1,6% từ mức dự đoán 2,1% trước đó và sẽ chỉ còn 0,5% vào năm 2017; còn tăng trưởng kinh tế EU 2016 sẽ chỉ còn 1,4% từ mức dự đoán 1,6% trước đó và sẽ chỉ còn 1,2% vào năm 2017. EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của hàng hóa Trung Quốc, sự sụt giảm tăng trưởng này sẽ khiến cho xuất khẩu của Trung Quốc giảm đáng kể.

Điều đáng nói là đây không phải yếu tố tác động tiêu cực lớn đầu tiên mà xuất khẩu của Trung Quốc phải gánh chịu trong năm 2016.

Lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc đã gặp phải khá nhiều thách thức lớn kể từ đầu năm. Đầu tiên là việc nền kinh tế thế giới rơi vào trì trệ từ đầu năm 2016 (mà một phần lớn lại là do sự trì trệ của kinh tế Trung Quốc gây ra), sau đó là tình trạng dư thừa công suất buộc Trung Quốc phải hạ giá và bán tháo ồ ạt các mặt hàng xuất khẩu, đối mặt với tình trạng bị tăng mức áp thuế nhập khẩu ở hàng loạt các quốc gia trên thế giới. Tại EU và Mỹ, khá nhiều mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc bị tăng mức áp thuế lên trên 500%, cuối cùng là việc EU từ chối trao cho Trung Quốc cơ chế kinh tế thị trường – một việc có thể khiến xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường EU tăng mạnh.

Hiện tại, dù đã là nền kinh tế số hai thế giới nhưng Trung Quốc vẫn là nước phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu, dễ dàng nhận ra rằng nước này chỉ đạt tốc độ tăng trưởng cao (trung bình 6,7% trong 3 tháng đầu năm 2016) khi xuất khẩu gia tăng mạnh (có tháng lên tới 14%). Nhưng giờ đây, xuất khẩu của Trung Quốc đang rơi vào tình trạng không thể bi đát hơn, khi Brexit trở thành chiếc đinh cuối cùng đóng vào chiếc quan tài cho xuất khẩu Trung Quốc, sau những cây đinh khác mà Mỹ và EU đã đóng trước đó bằng cách tăng mức áp thuế nặng nề lên hàng xuất khẩu Trung Quốc.

Về mặt vĩ mô, những tác động ngắn hạn của Brexit có thể đẩy các yếu tố bất ổn trong nền kinh tế Trung Quốc lên mức cao hơn, khiến rủi ro với nền kinh tế số hai thế giới trở nên nhiều hơn. Thậm chí, khủng hoảng có thể xảy ra với Trung Quốc trước khi nước này có thể nhận được những lợi ích dài hạn mà Brexit đem lại như nhiều người đã dự đoán.

Nhàn Đàm (theo Reuters, Bloomberg/The Saigon Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
3 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc đừng mơ hưởng lợi sớm từ Brexit: những cái tát đầu tiên