Bất kể những quan điểm trái chiều giữa các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới tại Davos, Thụy Sĩ về tương lai của nền kinh tế Trung Quốc, thì một kịch bản hầu như nhận được sự đồng tình của tất cả là: kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ giảm tốc, thậm chí là rất mạnh trong vài năm tới.

Trung Quốc giảm tốc là điều tốt lành cho Việt Nam

Một Thế Giới | 27/01/2016, 05:54

Bất kể những quan điểm trái chiều giữa các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới tại Davos, Thụy Sĩ về tương lai của nền kinh tế Trung Quốc, thì một kịch bản hầu như nhận được sự đồng tình của tất cả là: kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ giảm tốc, thậm chí là rất mạnh trong vài năm tới.

Đây có thể xem là một tín hiệu không mấy vui mừng cho các nền kinh tế có mức phụ thuộc lớn vào hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Với Việt Nam cũng tương tự, nhưng xét trên khía cạnh về lâu dài, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn nhất để tái định hình nền kinh tế, thì đây cũng không hẳn là một điều đáng buồn. Thậm chí, một Trung Quốc giảm tốc trong tương lai gần đang lại là một điều tốt cho nền kinh tế Việt Nam.
Trung Quốc giảm tốc ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam như thế nào?
Bất kể những quan điểm trái chiều trong việc dự đoán tương lai nền kinh tế Trung Quốc, thì các chuyên gia hàng đầu thế giới tại Davos đều thống nhất với nhau rằng: nền kinh tế số hai thế giới sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm nhất trong ba thập kỷ, và còn chậm hơn nhiều so với mức tăng trưởng 2015.
Nhận định đó không chỉ đến từ một nhà đầu cơ vốn nổi tiếng về sự thính nhạy về kinh tế và tài chính như George Soros, mà còn đến từ một nhà kinh tế đã từng đoạt giải Nobel kinh tế như Joseph Stiglitz. Vị giáo sư trường đại học Columbia này là người lên tiếng mạnh mẽ nhất cho kịch bản kinh tế Trung Quốc sẽ không rơi vào khủng hoảng, nhưng chắc chắn sẽ giảm tốc khá mạnh và có nguy cơ rơi vào trì trệ. Stiglitz cũng cảnh báo rằng sự trì trệ của kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn thế giới.
Việt Nam cũng không là ngoại lệ, nhất là khi mối quan hệ về kinh tế giữa Trung Quốc và Việt Nam không phải là nhỏ. Trung Quốc hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Việt Nam sau Mỹ, EU và ASEAN. Trung Quốc cũng đang là quốc gia đứng đầu về lượng hàng nhập khẩu của Việt Nam lên tới 49,3 tỉ USD, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2015.
Ngoài ra, Việt Nam lại là quốc gia láng giềng có chung đường biên giới với Trung Quốc, điều này dẫn đến những quan hệ kinh tế và thương mại ngầm có quy mô rất lớn mà đôi khi không thể kiểm soát hết được, chẳng hạn như lượng trao đổi thương mại chưa được thống kê từ Trung Quốc vào Việt Nam trong giai đoạn 2014-2015 có thể lên tới gần 20 tỉ USD mỗi năm. Tuy nhiên, vì mối quan hệ chủ đạo giữa kinh tế Việt Nam và Trung Quốc là nằm ở lĩnh vực xuất nhập khẩu, nên sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc cũng sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam qua con đường xuất nhập khẩu này.
Trước hết, sự giảm tốc của Trung Quốc sẽ đem lại những hệ quả xấu đến lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Các lĩnh vực xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam sang Trung Quốc như nông sản, thủy hải sản, khai khoáng, cao su, đồ gỗ,... sẽ gặp ảnh hưởng nặng nề do nhu cầu của thị trường Trung Quốc suy giảm. Đây là một bất lợi rất lớn cho Việt Nam, đặc biệt là ngành nông nghiệp, khi mà thị trường Trung Quốc đang chiếm tới 45% tổng lượng hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam, lớn hơn tất cả các thị trường Nhật Bản, Mỹ và các nước EU cộng lại. Một khi nhu cầu suy giảm, rau quả Việt Nam sẽ rơi vào cảnh dư thừa nguồn cung và có thể gây ra những hệ lụy lớn, do yêu cầu chất lượng rau quả từ thị trường Trung Quốc khác rất xa với thị trường Nhật, Mỹ hay EU để có thể chuyển đổi thị trường xuất khẩu.
Tác động lớn thứ hai là sự sụt giá của đồng nhân dân tệ. Chắc chắn trong thời gian tới đồng nội tệ của Trung Quốc sẽ còn tiếp tục sụt giá mạnh hơn nữa, đem lại lợi thế cạnh tranh rất lớn cho hàng hóa xuất khẩu của nước này. Nó có thể khiến cho hàng hóa Trung Quốc đổ vào Việt Nam mạnh hơn do giá rẻ và cạnh tranh hơn với các doanh nghiệp nội địa. Ngoài ra, nó cũng khiến các chủng loại hàng hóa Trung Quốc xuất ra thị trường thế giới cũng sẽ cạnh tranh mạnh hơn với hàng xuất khẩu Việt Nam, chẳng hạn như nông sản, gia công phần mềm, thực phẩm hay xi măng.

Giảm phụ thuộc vào Trung Quốc là điều tốt cho nền kinh tế Việt Nam
Trước hết, sự giảm tốc của Trung Quốc cũng đem lại những lợi ích nhất định cho kinh tế Việt Nam. Đầu tiên là việc nhân dân tệ giảm giá sẽ đem lại lợi ích khá lớn cho nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc, mà Việt Nam vốn đang có giá trị kim ngạch khá lớn. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với tổng giá trị 49,3 tỉ USD và vẫn đang có xu hướng tăng lên; việc đồng nhân dân tệ hạ giá sẽ đem lại lợi ích cho nhập khẩu Việt Nam có thể bù đắp được bất lợi từ xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Nó có thể đem lại lợi ích cho hàng loạt các lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam đang phụ thuộc vào linh kiện thiết bị máy móc và nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc.
Nhưng về lâu dài, lợi ích lớn nhất mà Việt Nam nhận được từ sự giảm tốc của Trung Quốc là cắt được tảng đá níu chân nền kinh tế Việt Nam mang tên Trung Quốc. Đúng là Trung Quốc là một thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, với tổng giá trị lên tới 17 tỉ USD trong năm 2015 và đứng thứ tư trong số các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Nhưng chính sự phụ thuộc vào xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang khiến sức cạnh tranh và áp lực đổi mới của hàng loạt lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam bị trì trệ. Hầu hết các lĩnh vực xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Trung Quốc đều là những lĩnh vực đang bị cảnh báo là rất trì trệ và yếu kém, chẳng hạn như nông nghiệp hay khai khoáng tài nguyên.
Dễ dàng để giải thích điều này. Lý do chủ yếu đến từ việc các tiêu chuẩn của thị trường Trung Quốc so với các thị trường khác về nhập khẩu hàng hóa là rất thấp. Hầu hết các nông sản của Việt Nam bị Mỹ hay Nhật và EU trả về do chất lượng không đảm bảo đều có thể xuất sang Trung Quốc. Nó dẫn đến việc mô hình sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp không phải chịu nhiều sức ép cạnh tranh và đổi mới. Nói cách khác, thị trường Trung Quốc đang là cái van giảm áp để một số lĩnh vực trì trệ của Việt Nam níu kéo để tránh áp lực cải cách.
Ngoài ra, cũng phải kể đến cách thức làm ăn thiếu minh bạch và có thể dẫn đến nguy cơ thao túng của phía Trung Quốc. Hầu hết các nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch và dễ bị thương lái Trung Quốc ép giá. Theo thống kê, sau khi hội nhập ASEAN năm 1995, báo cáo hội nhập cho biết tổn thất sau thu hoạch của nông sản là từ 25-30%, đến hiện tại tỷ lệ này vẫn không đổi. Tình trạng các thương lái Trung Quốc thao túng thị trường và sản phẩm nuôi trồng bằng cách tăng giá và thu mua đang là một sự đe dọa lớn với an ninh nông nghiệp Việt Nam.
Nói cách khác, sự giảm tốc của Trung Quốc đang đem lại một cơ hội lớn để Việt Nam cải tổ các lĩnh vực yếu kém nhất trong nền kinh tế của mình. Dễ dàng nhận ra, các lĩnh vực mạnh nhất của Việt Nam đều hướng đến xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật, EU, trong khi các lĩnh vực kém nhất thì chăm chăm xuất khẩu hàng sang Trung Quốc. Có thể sự sụt giảm thương mại với Trung Quốc sẽ dẫn đến những hậu quả xấu trong tương lai gần cho một số lĩnh vực, nhưng về lâu dài đó là cơ hội để các lĩnh vực này cải tổ và đổi mới. Suy cho cùng, có sự lớn mạnh nào mà không cần phải trả giá.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, Cafebiz)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
5 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc giảm tốc là điều tốt lành cho Việt Nam