Quá trình chuẩn bị cho cuộc đàm phán giữa các quan chức cấp cao của Triều Tiên và các cựu quan chức Mỹ đang được tiến hành.

Trung Quốc gửi thông điệp về Triều Tiên

Người Lao Động | 21/02/2017, 11:29

Quá trình chuẩn bị cho cuộc đàm phán giữa các quan chức cấp cao của Triều Tiên và các cựu quan chức Mỹ đang được tiến hành.

Việc Trung Quốc tuyên bố cấm nhập khẩu than từ Triều Tiên từ ngày 19.2 đến 31.12 được cho là mang thông điệp tới Mỹ và đồng minh. Đó là đã đến lúc đi tới thỏa thuận, theo trang Bloomberg.

Cánh cửa cho Triều Tiên

Động thái trên là một phần nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thực thi lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng của Liên Hợp Quốc (LHQ) sau vụ thử nghiệm tên lửa mới nhất của quốc gia cô lập nhất thế giới này. Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc hồi tuần trước đưa tin một lô hàng chở than từ Triều Tiên trị giá khoảng 1 triệu USD đã bị từ chối cho nhập cảng Ôn Châu, phía Đông Trung Quốc hôm 13.2.

Việc này diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Bình Nhưỡng thử một tên lửa đạn đạo tầm trung - vụ thử đầu tiên sau khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ ngày 20.1.

Lệnh cấm bắt đầu được thực thi cùng thời điểm tờ The Washington Post tiết lộ cuộc đàm phán giữa các quan chức cấp cao của Triều Tiên và các cựu quan chức Mỹ sắp diễn ra. Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa hai bên trên đất Mỹ trong vòng 5 năm qua, một dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng không muốn đóng sập cánh cửa đối thoại với chính quyền Tổng thống Trump.

Mặt khác, giới chức Trung Quốc cho rằng việc đẩy Triều Tiên vào đường cùng sẽ rất nguy hiểm vì chính quyền của ông Kim Jong-un sẽ tiếp tục phát triển năng lực hạt nhân cho tới khi họ cảm thấy an toàn. Thay vào đó, giờ là lúc khởi động lại các cuộc đàm phán và “phá vỡ chu kỳ tiêu cực về vấn đề hạt nhân” - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết trong một tuyên bố hôm 19.2 sau cuộc gặp người đồng cấp Hàn Quốc Yun Byung-se tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức.

Cảng Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh gần biên giới Trung Quốc - Triều Tiên là một trung tâm nhập khẩu than và quặng sắt từ Triều Tiên - Ảnh: REUTERS

Cũng tại hội nghị, ông Ian Bremmer, Chủ tịch Công ty Tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ), cho rằng Bắc Kinh đang ngày càng nản lòng với Bình Nhưỡng. “Rõ ràng họ cảm thấy không còn nhiều ảnh hưởng và lo lắng Mỹ dưới quyền ông Trump sẽ đổ lỗi cho Trung Quốc vì phản đối tiếp tục quá trình đàm phán đa phương” - ông Bremmer đánh giá.

Thêm vào đó, cách tiếp cận cứng rắn hơn của chính quyền ông Trump đối với Trung Quốc cũng có thể khiến Bắc Kinh xem xét lại giá trị chiến lược của mối quan hệ với Bình Nhưỡng. Từ đó, việc cắt nhập khẩu than từ Triều Tiên có khả năng là một cử chỉ “đáp lễ” sau khi ông Trump tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc”.

Triều Tiên tổn thương đến đâu?

Đối với Trung Quốc, ảnh hưởng từ lệnh cấm nhập khẩu than Triều Tiên không nhiều. Nền kinh tế số 2 là nhà sản xuất, tiêu thụ than lớn nhất thế giới. Trong khi đó, than của Triều Tiên chỉ chiếm chưa đầy 10% tổng sản lượng nhập khẩu của Trung Quốc. Lệnh cấm đưa ra giữa lúc nhu cầu cao điểm mùa đông đã bắt đầu giảm và các nhà quản lý trong nước đang cân nhắc khôi phục giới hạn sản lượng khai thác để tránh tái diễn tình trạng nguồn cung dư thừa.

Than đá chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc trong năm ngoái, theo GS Yang Moo-jin tại Trường ĐH nghiên cứu về Triều Tiên tại Seoul. Dù vậy, mức độ tổn hại của lệnh cấm đối với Bình Nhưỡng khó có thể nắm bắt khi thế giới ngầm buôn lậu than vẫn không ngừng sôi động.

Ngoài ra, thực tế cho thấy xuất khẩu than đá từ Triều Tiên sang Trung Quốc đang đi xuống từ năm 2014 do nhu cầu giảm sút nhưng bù lại trao đổi kinh tế giữa 2 nước lại gia tăng ở những lĩnh vực khác, như may mặc. Ngoài ra, 2 nguyên liệu thô khác là magnesite và graphite - dùng trong sản xuất điện thoại thông minh mà Triều Tiên sở hữu một nửa trữ lượng của thế giới - mới là mặt hàng cực kỳ quan trọng với các nền kinh tế lớn ngày nay.

Giới phân tích không đặt nhiều hy vọng vào khả năng lệnh cấm trên sẽ kiềm chế được chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Dù vậy, theo đánh giá của bà Châu Kỳ, Giám đốc Viện Chiến lược quốc gia tại Trường ĐH Thanh Hoa ở Bắc Kinh, sau nhiều lần từ chối lời kêu gọi trước đây của Mỹ về việc gây áp lực lớn hơn lên Triều Tiên, Bắc Kinh đang chứng tỏ thiện chí mới để đẩy Bình Nhưỡng đến điểm giới hạn.

Theo Nguoilaodong
Bài liên quan
Phó chủ tịch Trung Quốc dự lễ nhậm chức của ông Trump
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo cử Phó chủ tịch Hàn Chính sang dự lễ nhậm chức ngày 20.1 của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, đánh dấu lần đầu tiên một nhân vật cấp lãnh đạo của nước này hiện diện tại sự kiện như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc gửi thông điệp về Triều Tiên