Lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh vào Mỹ nhằm chống dịch COVID-19 lây lan đang khiến giấc mơ trở thành công dân Mỹ của nhiều người trẻ Trung Quốc rơi vào tình cảnh éo le.

Dịch COVID-19 phá nát 'giấc mơ Mỹ' của nhiều người trẻ Trung Quốc

15/03/2020, 15:19

Lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh vào Mỹ nhằm chống dịch COVID-19 lây lan đang khiến giấc mơ trở thành công dân Mỹ của nhiều người trẻ Trung Quốc rơi vào tình cảnh éo le.

Courtney Huang đang lo sợ nguy cơ không thể quay lại Mỹ - Ảnh: AP

Khi dịch COVID-19 lây lan nhanh khiến 60 người Mỹ tử vong, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia hôm 14.3. Trước đó, chính quyền Mỹ ngày 31.1 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế, và từ ngày 3.2 đã cấm nhập cảnh Mỹ đối với các công dân nước ngoài trước đó từng đến Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã khuyến cáo công dân Mỹ tránh tới Trung Quốc và khuyên những người Mỹ hiện vẫn ở Trung Quốc cân nhắc việc rời khỏi Trung Quốc bằng các phương tiện thương mại.

Lệnh cấm người nước ngoài không có thời hiệu gia hạn, nên không thể biết khi nào sẽ dỡ bỏ. Điều này khiến hàng trăm công dân Trung Quốc xin visa nhập cảnh Mỹ bị rơi vào “cõi u minh”, theo cách dùng chữ của hãng tin AP ngày 14.3 (giờ Mỹ).

Mặt khác, nó cũng khiến họ khó có thể thỏa mãn ước mơ trở thành công dân Mỹ, tìm được việc làm và có tương lai ở quốc gia này.

‘‘Bỏ đi hết, làm lại từ đầu”?

Hãng tin Mỹ dẫn trường hợp Courtney Huang, một nữ sinh viên tốt nghiệp khoa điều dưỡng ở Texas và rất yêu nước Mỹ, nơi cô đã sống và học hành suốt 13 năm và cô rất muốn trở thành công dân Mỹ, tìm được việc làm và có tương lai.

Nhưng khi visa của cô sắp hết hiệu lực, Huang rất lo sợ việc không thể quay lại Mỹ. Hồi cuối tháng 1, Huang đã về miền đông Trung Quốc thăm cha mẹ cô dịp Tết Nguyên đán. Lúc đó, cô đã tìm được một việc làm ở bang California và visa lao động của cô sắp được duyệt, thì lãnh sự quán Mỹ ở Thượng Hải lại tuyên bố hoãn trả hộ chiếu cho tất cả những người xin visa.

Sau nhiều tuần cân nhắc các lựa chọn, Huang bay qua Thái Lan, lên kế hoạch chờ kết thúc giai đoạn cách ly 14 ngày bắt buộc, trước khi tìm hiểu liệu có thể xin visa ở Sứ quán Mỹ tại Bangkok hay không.

Dù Huang chào đời và lớn lên ở Trung Quốc, hiện cả cuộc đời của cô là ở Oakland (California), nơi cô có một căn hộ, một xe con, nhiều bạn bè.

Nay thì Huang sợ các kế hoạch, giấc mơ của mình bị sụp đổ hoàn toàn. Dù công ty mà cô sắp làm việc thông cảm, cô vẫn lo sợ vì thời gian trôi qua có nguy cơ cô bị mất việc làm và mất quyền lao động ở Mỹ.

Một cặp thanh niên Trung Quốc ở gần Sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh - Ảnh: AP

Như Huang, Kevin Yang là một sinh viên người Trung Quốc học khoa dịch tễ tại một đại học Mỹ, cũng đang xem xét các lựa chọn cho anh. Sau khi đến Mỹ hồi 8 năm trước, mỗi kỳ nghỉ đông anh đều về nước và dễ dàng được gia hạn visa.

Nhưng năm 2020, Yang trở thành một trong nhiều công dân Trung Quốc bị kẹt trong cuộc chiến tranh thương mại và công nghệ giữa Mỹ với Trung Quốc.

Khi Yang đăng ký visa nhập cảnh Mỹ hồi tháng 12.2019, Bộ Ngoại giao Mỹ cho anh biết khâu xin phép này phải kéo dài, vì họ cần xác minh nhân thân xem anh có quan hệ với chính quyền Trung Quốc hay không.

Vài năm qua, các quan chức Mỹ đã tăng báo động về tình trạng Trung Quốc ăn cắp công nghệ Mỹ, điều phủ bóng nghi ngờ lên các công dân Trung Quốc như Yang, người theo đuổi khoa học.

Khi được biết khâu xác minh kéo dài khoảng 4 tuần, Yang đã đổi chuyến bay và chuẩn bị ở lại Trung Quốc lâu hơn. Rồi đến cuối tháng 1.2020, chính quyền Trung Quốc bắt đầu phong tỏa các thành phố để kiểm soát dịch COVID-19.

Tiếp đó, Mỹ cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài đã đến Trung Quốc. Sứ quán Mỹ gởi thư trả hộ chiếu cho Yang nhưng không cấp visa cho anh.

Các quan chức Mỹ cũng báo cho cố vấn học tập của Yang, rằng vì anh không còn visa nên họ sẽ không thể dùng tiền của chính phủ Mỹ để cấp học bổng hoặc thù lao cho anh.

Vậy là hàng ngàn giờ học hành-nghiên cứu cùng hàng chục ngàn USD của Yang hóa thành công cốc. Anh đã phải tính chuyện “làm lại cuộc đời, học một nghề khác”.

Cả Yang và Huang đều hiểu lệnh cấm của Mỹ có thể giúp khống chế dịch COVID-19. Nhưng họ nói việc Mỹ ngưng cấp visa mới là điều đáng thất vọng và không hợp lý.

Huang rất bức xúc vì cho rằng Mỹ đang cố tình không cho cô quay lại Mỹ: “Tôi cảm thấy mình không được tôn trọng. Tôi làm việc như một tài năng ở Mỹ, đóng thuế đầy đủ. Việc này khiến tôi cảm thấy mình như không được Mỹ đón chào”.

Công dân Trung Quốc xếp hàng chờ vào Sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh để xin visa - Ảnh: AP

"Không thể làm gì khác"

Ngay cả người Trung Quốc đã có visa nhập cảnh Mỹ, thời gian cũng sắp cạn. Tom là một lập trình viên người Vũ Hán (nơi dịch COVID-19 bùng phát) đã lấy được bằng tiến sĩ ở Đại học Georgia. Anh đã có visa nhưng vẫn bị kẹt ở Vũ Hán khi thành phố này phải cách ly.

Theo luật Mỹ, sinh viên nước ngoài sau khi tốt nghiệp có 90 ngày để tìm việc mới nếu họ muốn ở lại Mỹ và làm việc. Nếu đến tháng 5 mà Tom vẫn còn bị kẹt ở Vũ Hán, anh sẽ mất cả việc làm mới ở tập đoàn bán lẻ Amazon lẫn cơ hội làm việc ở Mỹ.

Tom giấu tên họ vì sợ có thể tác động đến visa và triển vọng sự nghiệp của anh, anh nói: “Tôi sẽ phải làm lại từ đầu. Hàng ngày tôi chỉ lo sợ nguy cơ không thể quay lại Mỹ.

Tom cũng cho biết gia đình anh đã chi khoảng 70.000 USD để anh tìm cơ hội được sống tốt hơn ở Mỹ. Anh không muốn làm việc ở Trung Quốc, vì ngán ngại “996”, tức thời gian làm việc kéo dài của ngành công nghệ Trung Quốc: từ 9 giờ sáng đến 21 giờ tối, suốt 6 ngày/tuần.

Nhưng các quan chức Mỹ nói với Tom rằng anh không thể làm gì khác. Anh nói: “Chúng tôi chỉ muốn được giúp hoặc cho lời khuyên. Vui lòng đừng quên chúng tôi, đây là một tình huống hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi. Và đó là tình huống tệ hại nhất’’.

Bà Anastasia Tonello, cựu chủ tịch Hội các luật sư chuyên về di trú ở Mỹ, nói việc không cho người nước ngoài có chuyên môn cao hưởng quyền di trú có thể gây hại cho nền kinh tế Mỹ cũng như cho vị thế nổi trội của nước Mỹ đối với thế giới.

Bà còn nói dù sự lo ngại cho an toàn và sức khỏe của công dân Mỹ là những lo ngại hợp pháp, vẫn không nên cấm người nước ngoài có chuyên môn cao đến Mỹ.

Theo Viện Chính sách Di trú, trong năm 2018 có gần 2,5 triệu người Trung Quốc ở Mỹ, và đa số là những người có học vấn tốt hơn so với dân Mỹ. Trung Quốc cũng chiếm đa số trong số những sinh viên nước ngoài học ở các đại học Mỹ.

Mỹ không là quốc gia duy nhất hiện hạn chế người nhập cảnh từ Trung Quốc. Toàn thế giới đều có lệnh cấm người Trung Quốc, từ CHDCND Triều Tiên cho đến New Zealand, Somalia và Guatemala. Úc đã cấm nhập cảnh và ngưng cấp visa, dù đây là điểm đến lớn của du học sinh Trung Quốc và người di cư.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cực lực chỉ trích các hạn chế này, dù Bắc Kinh thường công kích Mỹ.

Mỹ Trinh (theo AP)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
5 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dịch COVID-19 phá nát 'giấc mơ Mỹ' của nhiều người trẻ Trung Quốc