Chính sách ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc (TQ) đang gây ra căng thẳng và đe dọa một thỏa thuận thương mại với châu Âu nhưng nước này vẫn không có ý định thay đổi cách tiếp cận này, theo báo Financial Times.

Trung Quốc không sẵn sàng từ bỏ chính sách ngoại giao "chiến lang"

Quỳnh Yên | 13/04/2021, 07:44

Chính sách ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc (TQ) đang gây ra căng thẳng và đe dọa một thỏa thuận thương mại với châu Âu nhưng nước này vẫn không có ý định thay đổi cách tiếp cận này, theo báo Financial Times.

chien-lang.jpg
Hơn 200 tàu được cho là tàu dân quân biển TQ dàn hàng ngang ở bãi Ba Đầu mà Philippines gọi là Julian Felipe, mặc cho dư luận quốc tế phản đối. Một biểu hiện của chính sách ngoại giao "chiến lang"

Cuối tháng trước, cùng với Mỹ, Anh, Canada, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt lệnh trừng phạt lên 4 quan chức TQ vì những cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, nơi hàng trăm ngàn người Hồi giáo đã bị giam giữ một cách hệ thống trong những năm gần đây.

TQ đã lập tức đáp trả, áp đặt lệnh trừng phạt trả đũa lên 10 cá nhân châu Âu bao gồm 5 nghị sĩ Nghị viện châu Âu từ 5 chính đảng khác nhau. Hành động đó đe dọa một thỏa thuận thương mại gây nhiều tranh cãi mà TQ và EU vừa ký năm ngoái, dù bị Mỹ phản đối. Các chính đảng của các nghị sĩ châu Âu bị trừng phạt nói trên bây giờ không muốn xem xét phê chuẩn thỏa thuận thương mại đã ký trừ phi Bắc Kinh rút lại lệnh trừng phạt trả đũa.

Trước khi Bắc Kinh áp đặt lệnh trừng phạt lên các nghị sĩ châu Âu, người ta vẫn chờ đợi Nghị viện châu Âu cuối cùng sẽ phê chuẩn cuộc “đảo chính địa chính trị” của ông Tập Cận Bình vốn được sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống Pháp E. Macron và Thủ tướng Đức A. Merkel. Nhưng khi Merkel và Tập nói chuyện với nhau hôm thứ tư vừa qua, tường thuật chính thức của phía TQ không nhắc gì đến thỏa thuận thương mại hay Tân Cương.

Georg Wuttke, người đứng đầu Phòng Thương mại châu Âu tại TQ, nói: “Chúng tôi đã mất 7 năm mới đạt được thỏa thuận, giờ có vẻ như phải mất thêm 7 năm nữa”.

Những trừng phạt qua lại về vấn đề Tân Cương chỉ là một thí dụ về chính sách ngoại giao “chiến lang” của TQ dưới thời ông Tập Cận Bình. Các nhà ngoại giao TQ sẵn sàng đấu lại những quốc gia và tổ chức mà Bắc Kinh có quan hệ tương đối tốt đẹp trong nhiệm kỳ tổng thống chỉ 4 năm của Donald Trump. Nhưng họ không hối tiếc.

Chính nhà ngoại giao hàng đầu TQ Dương Khiết Trì là người đề ra giọng điệu cho nền ngoại giao “chiến lang” của TQ với bài lên lớp dài trước người đồng nhiệm Mỹ Antony Blinken vào ngày 18.3 ở Alaska, khi ông ta bảo không nước nào được nói với TQ “bằng giọng kẻ cả” nữa.

Victor Gao, cựu quan chức ngoại giao từng làm việc dưới quyền ông Dương nói phát biểu của thủ trưởng cũ của mình mang tính chất “mở đường”. “Các nhà lãnh đạo TQ tin rằng thời gian đang ở phía họ và không gì có thể chặn đứng sự lên ngôi của họ”, ông nói thêm.

Truyền thông nhà nước TQ đã đem đối lập phát biểu của ông Dương với hình ảnh các cường quốc thực dân hống hách với các quan lại cuối triều Thanh vốn liên tiếp bị hạ nhục trong một loạt cuộc xung đột với kẻ thù Tây Âu, Nhật, Mỹ.

Theo đảng Cộng sản TQ, “thế kỷ nhục nhã” của nước này chỉ chấm dứt với chiến thắng của cách mạng năm 1949. Xu Guixiang, quan chức cấp cao đảng CS ở Tân Cương nói: “TQ ngày nay không phải là TQ năm 1840. Thời nhân dân TQ bị phương Tây bắt nạt đã qua rồi. Chúng tôi không còn là mục tiêu tấn công dễ dàng nữa… Chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng, dù có phải răng đền răng”.

Nhiều quan chức TQ xem những năm tại nhiệm ở Nhà Trắng của Trump là “thời cơ chiến lược” chưa từng có để xây dựng quan hệ với những đồng minh của Mỹ vốn bất mãn với Washington. Nhưng các nhà quan sát cho rằng, cũng giống như Trump, các quan chức TQ tin rằng những đối đầu về ngoại giao cũng làm lợi cho đảng CSTQ ở trong nước.

“Chủ nghĩa dân tộc có lợi cho việc củng cố tính chính danh và uy quyền của chính quyền trung ương và ông Tập”, Yun Sun, một chuyên gia người TQ về chính sách đối ngoại tại Trung tâm tâm Stimson ở Washington nói. “Nó bắt nguồn từ tâm thế của ông Tập và đường lối mà ông ấy đã vạch ra”, đặc biệt là khi đảng CSTQ đang chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày thành lập vào tháng 7 sắp tới, bà Yun Sun nói. “Đảng cần chứng tỏ sức mạnh và thành tựu của mình, và một cách tiếp cận mềm dẻo sẽ không hiệu quả”.

Tuần trước Bắc Kinh đã thách thức những bình luận của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, người trước đây bị chỉ trích vì không dám đối đầu với Bắc Kinh. Tuần qua Tedros nói rằng các quan chức TQ đã không bàn giao thông tin cho các chuyên gia của WHO điều tra về nguồn gốc đại dịch coronavirus.

“Sau khi bị sức ép của châu Âu, Mỹ, Canada, Tedros không muốn bỏ qua cho TQ vì điều đó sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng với phương Tây”, một nhà ngoại giao có liên quan với các cuộc thảo luận của WHO cho biết.

“Trong khi đó TQ phải bám lấy lập luận của họ rằng Covid là một vấn đề lớn hơn, rằng chúng tôi đã bị dịch tấn công, chúng tôi đã xử lý nó, nhưng bấy giờ phải tìm nguồn gốc của nó ở nơi khác. O&3 Myanmar và Lào cũng có dơi”, nhà ngoại giao này nói thêm. “Tất cả điều này phải đặt trong bối cảnh những gì vừa diễn ra ở Alaska, nơi mà TQ nói: Đừng lên lớp chúng tôi, đừng nói với chúng tôi bằng giọng trịch thượng”.

Các nhà ngoại giao TQ mới đây cũng đã đụng độ với Manila về cáo buộc TQ cho tàu cá xâm nhập lãnh hải Philippines, cũng như với Tokyo khi Nhật Bản nêu quan tâm về chính sách của TQ ở Tân Cương và Hongkong.

Ngoại trưởng TQ Vương Nghị cảnh báo người đồng nhiệm Nhật Bản rằng đừng về hùa với Mỹ nhắm vào TQ: “Ý muốn của một siêu cường nào đó không thể là đại diện cho cộng đồng quốc tế. Là quốc gia láng giềng, Nhật cần tỏ sự tôn trọng tối thiểu đối với các vấn đề nội bộ của TQ”.

Steve Tsang, giám đốc viện Soas China tại London cho rằng những tranh cãi kiểu này còn lâu mới chấm dứt. “Ông Tập đã nhiều lần nói rằng cá quan chức và nhà ngoại giao phải rút kiếm bảo vệ phẩm giá của TQ. Các chiến lang chỉ đang hành động theo lời kêu gọi chiến đấu của ông Tập”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
10 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc không sẵn sàng từ bỏ chính sách ngoại giao "chiến lang"