Trong bài viết trên tạp chí Eurasia Review ngày 6.10, Phó giáo sư Michael Beckley ở Đại học Tufts đánh giá, trái với dự đoán của nhiều nhà phân tích, hải quân Trung Quốc khó có thể nắm quyền thống trị trên Biển Đông.

Trung Quốc không thể thắng nếu chiến tranh xảy ra ở Biển Đông

Gia Khang | 17/10/2016, 15:00

Trong bài viết trên tạp chí Eurasia Review ngày 6.10, Phó giáo sư Michael Beckley ở Đại học Tufts đánh giá, trái với dự đoán của nhiều nhà phân tích, hải quân Trung Quốc khó có thể nắm quyền thống trị trên Biển Đông.

Trong bài viết với đầu đề Thi hành luật pháp quốc tế ở Biển Đông: Liệu Đông Nam Á có thể kiềm chế Trung Quốc?, Phó giáo sư Michael Beckley ghi nhận các quốc gia Đông Nam Á là trở ngại lớn nhất trong giấc mộng bá chủ hàng hải của Trung Quốc. Tuy nhiên, Philippines lại là một mắt xích yếu khiến các nước Đông Nam Á hết sức lo ngại.

Phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12.7 đã bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Tuy nhiên, phán quyết không ép buộc được Trung Quốc và Trung Quốc đã tuyên bố không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài.

Trung Quốc khó trở thành cường quốc hàng hải

Nhiều nhà phân tích tin rằng Trung Quốc cuối cùng cũng sẽ nắm quyền kiểm soát tại Biển Đông và áp dụng một phiên bản học thuyết Monroe riêng tại đây. Thật ra điều này khó xảy ra.

Trong suốt 150 năm qua, chỉ có hai quốc gia được xem là bá quyền hàng hải trong khu vực. Đó là Nhật trong giai đoạn ngắn trong những năm 1930 đến đầu những năm 1940 và Mỹ từ những năm 1890 đến nay.

Trường hợp của Mỹ và Nhật cho thấy để có thể thực hiện mục tiêu của mình, Trung Quốc cần đạt hai điều sau đây: Một là độc quyền về sức mạnh hải quân trong khu vực và hai là có mức độ hiện diện quân đội cao tại các vùng đất liền quanh biển.

Hải quân Mỹ đang giữ vai tróbá chủvề hàng hải trong khu vực- Ảnh:Hải quân Mỹ

Hải quân của Mỹ và của Nhật hoàng chiếm từ 90% đến 100% tải trọng hàng hải trong khu vực. Ngoài ra, cả hai nước này đều xây dựng chuỗi các căn cứ quân sự quanh khu vực hàng hải của mình cũng như buộc các nước láng giềng không được mở rộng sức mạnh hàng hải.

Trung Quốc hiện nay vẫn chưa thể thực hiện được mức độ thống trị như thế. Hải quân Trung Quốc chiếm chưa đến 30% tải trọng hàng hải tại châu Á. Các nước láng giềng của Trung Quốc cũng có ngân sách quốc phòngvà nắm giữ số tàu biển, tàu ngầm tối tân, máy bay quân sự và tàu tuần tra tương đương với Trung Quốc.

Đông Nam Á có lợi thế sân nhà

Tất nhiên, quân đội Trung Quốc mạnh hơn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào. Tuy nhiên, các quốc gia Đông Nam Á lại ở gần hơn với các phần lãnh thổ mà Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền.

Nếu như chiến tranh xảy ra tại đây, Trung Quốc cần điều động lực lượng giữa chiến trường chính và nhiều căn cứ nhỏ cách miền Nam Trung Quốc hàng trăm dặm.

Trong khi đó, các quốc gia Đông Nam Á lại có thể tận dụng lợi thế sân nhà, xây dựng các căn cứ trên đất liền để đặt các bệ phóng tên lửa, tàu ngầm chạy bằng diesel, các chiến hạm và máy bay chiến đấu trang bị tên lửa chống tàu và mìn.

Về bản chất, cách thức Trung Quốc sử dụng các yếu tố về địa lý và kỹ thuật để phòng thủ trước quân đội Mỹ trong cuộc chiến cách lãnh thổ Trung Quốc hàng trăm cây sốcó thể giúp các nước Đông Nam Á đẩy đuổi Trung Quốc đến gần lãnh thổ của mình.

Hầu hết các nước Đông Nam Á đã lợi dụng ưu thế này bằng cách phát triển các năng lực chống can thiệp gần các thực thể tranh chấp. Trên thực tế, các khu vực phía tây và phía nam Biển Đông đang bị bao vây bởi các lực lượng có thể chống lại Trung Quốc trên biển và trên không.

Tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam - Ảnh:nosint.blogspot.com

Hải quân Đông Nam Á ngày càng phát triển

Ở phía tây Biển Đông, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống các bệ phóng tên lửa hành trình di động dọc bờ biển, các tàu ngầm lớp Kilo (loại tàu chạy bằng diesel–điện do Nga chế tạo), tên lửa đất đối không S-300 cùng hàng loạt máy bay và tàu chiến trang bị tên lửa hành trình siêu thanh.

Với các loại vũ khí này, Việt Nam hiện nay đã đủ sức tiêu diệt các tàu và máy bay quân sự trong phạm vi 200 dặm cách bờ biển. Phạm vi này bao trùm một phần ba phía tây Biển Đông và căn cứ quân sự của Trung Quốc trên đảo Hải Nam.

Ở phía nam, Indonesia và Malaysia đã phát triển sức mạnh quân sự tương tự để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng. Quân đội Indonesia và Malaysia có đến hàng chục căn cứ hải quân và không quân gần “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc lại cách đó hơn 1.000km.

Khi chiến tranh xảy ra, Indonesia và Malaysia sẽ có thể sử dụng toàn bộ sức mạnh hải quân và không quân của họ để chống lại Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc lại không thể điều động nhiều hơn một chục tàu chiến, tàu ngầm và máy bay quân sự đến chiến trường chính.

Philippines -gót chân Achilles trong khu vực

Tuy nhiên, hàng rào phòng thủ của Đông Nam Á ở phía đông lại không được chắc chắn. Tăng cường sức mạnh quân sự là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhưng Philippines dường như không chú trọng điều này.

Trong khi các quốc gia khác trong khu vực đã bắt đầu trang bị các loại vũ khí dẫn đường chính xác và đặt nền móng để phát triển chúng, Philippines lại dùng ngân sách ít ỏi của mình cho duy trì ổn định trật tự trong nước.

Philippines dường như ít chú trọng tăng cường quân sự - Ảnh: AP

Rõ ràng, các nhà lãnh đạo Manila tin rằng Mỹ sẽ giải cứu họ nếu Trung Quốc đưa lực lượng hải quân vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Tuy nhiên, lịch sử quan hệ giữa Mỹ và các nước đồng minh cho thấy Mỹ sẽ chỉ đổ máu và tiền của nếu lợi ích sống còn của Mỹ bị thiệt hại.

Trung Quốc sẽ tiếp tục hành động xâm lấn gần bờ biển của Philippines trừ phi nước này có thể trang bị khả năng phòng thủ đủ vững chắc. Các nước Đông Nam Á khác đã minh chính có thể kiềm chế Trung Quốc. Đáng tiếc, một quốc gia đã giành thắng lợi trong cuộc chiến pháp lý chống lại bành trướng của Trung Quốc (Philippines) lại có vẻ đầu hàng trên mặt trận quân sự.

Tóm lại, với lợi thế địa lýsẵn có và cuộc cách mạng trong phát triển các loại vũ khí dẫn đường chính xác, các quốc gia Đông Nam Á sẽ có thể bắt buộc Trung Quốc chấp nhận tinh thần của phán quyết của Tòa Trọng tài.Tuy nhiên, để đạt được mục đích này, các nước Đông Nam Á cần phải duy trì đầu tư vào các loại vũ khí quân sự tiên tiến và ý chí chính trị kiên định trong sử dụng chúng.

Gia Khang
Bài liên quan
Cách các ‘ông lớn’ thắng cuộc chiến tranh giành nhân tài AI
Trang The Financial Times chỉ ra các “ông lớn” công nghệ đang không tiếc dùng mọi cách để đoạt nhân tài lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) về tay mình.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc không thể thắng nếu chiến tranh xảy ra ở Biển Đông