Theo Variety, lợi nhuận chính là nguyên nhân khiến các nhân vật LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) hầu như không có mặt trong những phim bom tấn. Trung Quốc - thị trường phim ảnh lớn thứ nhì thế giới – theo đó đóng một vai trò cực kỳ quan trọng.

Trung Quốc là nguyên nhân khiến Hollywood không đưa các nhân vật LGBT vào phim bom tấn?

Chí Thiện | 29/12/2019, 07:53

Theo Variety, lợi nhuận chính là nguyên nhân khiến các nhân vật LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) hầu như không có mặt trong những phim bom tấn. Trung Quốc - thị trường phim ảnh lớn thứ nhì thế giới – theo đó đóng một vai trò cực kỳ quan trọng.

Trong những phút cuối của Star Wars: Rise of Skywalker, chỉ huy D’Acy (Amanda Lawrence đóng) - một nhân vật phụ từng xuất hiện trong Star Wars: The Last Jedi – đã tới trước mặt một phụ nữ khác trong quân Kháng chiến và hôn lên môi cô. Khoảnh khắc này đánh dấu nụ hôn đồng giới đầu tiên trong loạt phim Star Wars và là một ví dụ hiếm hoi về bất kỳ tình cảm đồng tính lãng mạn nào được thể hiện trong một phim bom tấn chiếu trên phạm vi toàn cầu.

Có điều, nụ hôn của D’ Acy chỉ là một chi tiết nhỏ, diễn ra vài giây và không ảnh hưởng gì đến câu chuyện.

Nhân vật D'Acy trong The Last Jedi

Khi J. J. Abrams thực hiện Star Wars: The Force Awakens vào năm 2015, ông đã đa dạng hóa dàn diễn viên nhằm tăng sự hiện diện của những nhóm người thiểu số lên phim. Đạo diễn của phần tiếp theoThe Last Jedi - là Rian Johnson cũng làm theo tôn chỉ này, đưa nhiều diễn viên da màu vào các tuyến nhân vật thứ chính như Finn (John Beyega), Rose Tico (Kelly Marie Tran) và tăng đáng kể số lượng phụ nữ. Tất nhiên, đáng chú ý nhất vẫn là nhân vật trung tâm Rey của nữ diễn viên Daisy Ridley.

“Trong trường hợp của cộng đồng LGBT, điều quan trọng đối với tôi là những người đi xem phim cảm thấy rằng họ được khắc họa trên màn ảnh”, Abrams nói. Rõ ràng vũ trụ của The Rise of Skywalker có người LGBT nhưng cả Abrams lẫn Johnson đều không sáng tạo ra bất kỳ nhân vật LGBT nào có vai trò quan trọng trong phim.

Trong khi lĩnh vực truyền hình bùng nổ các nhân vật LGBT trong thập niên qua, đại diện queer vẫn vắng mặt trong các phim bom tấn của Hollywood. Năm 2018, chỉ có 13 phim có nhân vật LGBT được phát hành bởi các hãng phim lớn vượt qua bài kiểm tra Vito Russo – một chỉ số được tạo bởi tổ chức GLAAD để đo sự hiện diện của các nhân vật queer trong phim (tương tự như bài kiểm tra Bechdel cho các nhân vật nữ). Trong số 13 phim đó, chỉ có 3 phim - Deadpool 2, Bohemian RhapsodyCrazy Rich Asianslà được phát hành toàn cầu.

Disney đặc biệt cẩu thả với các nhân vật LGBT trong các phim của mình. Theo GLAAD, đó là studio lớn duy nhất trong năm 2018 có đại diện queer bằng “0” và năm nay cũng không khá hơn bao nhiêu. Avengers: Endgame có một nhân vật LGBT công khai - nhưng đó là một nhân vật phụ, một thường dân do đạo diễn Joe Russo thủ vai, chứ không phải là một trong những siêu anh hùng của Marvel. Toy Story 4 thì có một cặp đồng tính nữ xuất hiện nhưng ngắn ngủi đến mức khán giả gần như không nhận ra.

Nói theo cách khác, tất cả những gì các studio lớn của Hollywood đã làm cho sự hiện diện của cộng đồng LGBT tới nay chỉ đạt mức tối thiểu.

Cặp đồng tính nữ thoáng qua trong Toy Story 4

Năm 2018, trong Fantastic Beasts: The Crimes of Grindelwald, Dumbledore (Jude Law đóng) tìm mọi cách để chống lại nhân vật phản diện Grindelwald (Johnny Depp đóng) nhưng không bao giờ thừa nhận tình yêu của mình. Năm 2017, trong Beauty and the Beast, LeFou (Josh Gad đóng) khiêu vũ với một người đàn ông ở khúc cuối và tất nhiên chỉ diễn ra trong vài giây.

Năm 2016, trong Star Trek Beyond, Sulu (John Cho đóng) chào đón người chồng (không tên, không thoại) của mình bằng một cái ôm thân thiện. Cùng năm đó, cư dân mạng tranh cãi sau khi khán giả phát hiện có một cặp đồng tính nữ được chụp trong cảnh đám đông của Finding Dory. Các nhà làm phim không xác nhận cũng không phủ nhận rằng hai người phụ nữ này là tình nhân.

Một cảnh trong Finding Dory

Vậy điều gì đang khiến ngành công nghiệp điện ảnh không thể đưa các tuyến nhân vật LGBT trở thành trung tâm của các phim bom tấn như đã làm với các nhân vật da màu và phụ nữ? Câu trả lời có vẻ quá hiển nhiên: Trung Quốc.

Trong thập niên qua, Trung Quốc đã phát triển trở thành thị trường điện ảnh lớn thứ 2 trên thế giới nhưng hạn ngạch các phim Hollywood được phép chiếu tại đây mỗi năm rất hạn chế và phải chịu sự kiểm duyệt gắt gao của chính phủ.

Call Me By Your Name đã bị cấm chiếu tại Trung Quốc

Điều thú vị là Trung Quốc không có quy tắc chính thức nào cấm nội dung đồng tính. Thế nhưng, theo hai giám đốc điều hành có kinh nghiệm phân phối phim tại Hollywood, việc các nhà kiểm duyệt xóa bỏ nội dung đồng tính là luật bất thành văn tại quốc gia này. Chính vì thế, các studio đã rất cảnh giác khi bật đèn xanh cho những phim có nhân vật LGBT. Khi những dự án này được đưa vào thực hiện, các cảnh đồng tính thường được quay để có thể cắt hoặc chỉnh sửa mà không gây ảnh hưởng lớn đến cốt truyện.

Cloud AtlasBohemian Rhapsody đã bị buộc phải loại bỏ tất cả cảnh đồng tính trước khi được chấp thuận phát hành tại Trung Quốc. Những phim khác có các nhân vật LGBT và thể hiện tình cảm đồng giới như Brokeback MountainCall Me By Your Name thậm chí không được chiếu.

Mặc dù vậy, một nguồn tin thân cận trong Disney cho biết Trung Quốc chưa từng đóng vai trò nào trong việc xác định liệu một studio có cho phép nhân vật LGBT góp mặt trong phim hay không.

Trên thực tế, nụ hôn đồng giới trong The Rise of Skywalker đã qua được khâu kiểm duyệt của Trung Quốc. Một giám đốc điều hành tin rằng các nhà kiểm duyệt sẽ đưa ra nhiều phản đối hơn nếu đó là nụ hôn giữa hai người đàn ông.

Tuy nhiên, Nga – nơi đã thông qua luật chống “tuyên truyền đồng tính cho trẻ em”lại cho phép nhiều nội dung đồng tính hơn. Ví dụ như nụ hôn đồng giới trong The Rise of Skywalker vẫn được giữ trong phiên bản tiếng Nga mặc dù nó đã bị cắt ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và vài thị trường Trung Đông khác.

Hiện vẫn chưa rõ việc phân phối phim ra thị trường quốc tế có ảnh hưởng đến sự hiện diện của các nhân vật LGBT trong phim bom tấn hay không. Một vài nhà biên kịch từng làm việc cho nhiều studio lớn nhận định rằng thị hiếu nước ngoài không hẳn là nguyên nhân chủ đạo mà thay vào đó là văn hóa của chính người Mỹ.

Nhân vật LeFou trong Beauty and the Beast

“Chúng tôi vẫn đang tranh đấu với một giả định văn hóa rằng tất cả các nhân vật mặc định là người da trắng và dị tính. Bất kỳ điều gì khác đi phải được chứng minh”, một biên kịch nói. “Các studio đã chú ý nhiều hơn đến yếu tố chủng tộc và sắc tộc, nhưng đại diện LGBT đôi khi có thể xoay quanh câu hỏi: ‘Tại sao nhân vật này cần phải là người đồng tính?’.

Một nhà biên kịch khác dẫn chứng một bộ phim khoa học viễn tưởng ra mắt gần đây. Theo đó, trong bản thảo ban đầu có một nhân vật phụ, tình cờ nhắc đến bạn trai của anh ta nhưng cảnh đó đã bị cắt trong bản thảo cuối cùng bởi nó làm chậm câu chuyện.

“Trong các dự án phim bom tấn, một chi tiết nhỏ xíu cũng có thể gây ra tranh cãi. Bất kỳ thứ gì không phục vụ trực tiếp cho các nhân vật chính thường bị xóa bỏ”, anh nói.

Chủ nghĩa bảo thủ văn hóa tại Mỹ cũng đóng một vai trò quan trọng. Disney đã luôn phải đối phó với những vụ tẩy chay tiềm năng từ người tiêu dùng với niềm tin tôn giáo bảo thủ. Bởi vì đối tượng khách hàng tiềm năng nhất của công ty này là gia đình.

Sau cảnh đồng tính trong Beauty and the Beast, Disney đã bị đe dọa tẩy chay tại các công viên giải trí. Một cuộc biểu tình tương tự cũng nổ ra đối với cặp đôi đồng tính trong Toy Story 4.

Thế nhưng cùng lúc đó, các giám đốc điều hành của Disney đã tranh luận nội bộ về việc gia tăng số lượng các nhân vật LGBTQ, tin rằng Disney có nghĩa vụ đạo đức phải sử dụng nền tảng toàn cầu của mình để thúc đẩy sự hiện diện của nhóm người này.

Thử nghiệm lớn đầu tiên sẽ là The Eternals dự kiến ra mắt vào tháng 11 năm 2020 với nhân vật siêu anh hùng đồng tính đầu tiên của vũ trụ điện Marvel. Hi vọng rằng đây sẽ là một bước đi mang tính bước ngoặt cho sự hiện diện của người LGBT trong các phim bom tấn vốn có ý nghĩa rất lớn trong phong trào LGBT.

Mai Thảo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc là nguyên nhân khiến Hollywood không đưa các nhân vật LGBT vào phim bom tấn?