Các nhà phân tích nói việc Trung Quốc vẫn hành xử hung hăng trên Biển Đông tranh chấp là những hành động lợi dụng đại dịch COVID-19 để theo đuổi chủ quyền phi lý trên Biển Đông.

Trung Quốc lợi dụng dịch COVID-19 để tạo sóng Biển Đông

14/04/2020, 16:38

Các nhà phân tích nói việc Trung Quốc vẫn hành xử hung hăng trên Biển Đông tranh chấp là những hành động lợi dụng đại dịch COVID-19 để theo đuổi chủ quyền phi lý trên Biển Đông.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc vào Biển Đông tập trận - Ảnh: EPA

Theo CNBC ngày 12.4 (giờ Mỹ), các hành động thù địch của Trung Quốc đối với các nước láng giềng ven Biển Đông đang đi ngược hoạt động “quyền lực mềm” mà Bắc Kinh đang thể hiện sau khi đại dịch đã giảm thiểu ở Trung Quốc vốn là nơi bùng phát dịch trước tiên (ở thành phố Vũ Hán hồi cuối năm 2019).

Cụ thể là vài tuần qua, Trung Quốc giúp đỡ các nước bị nhiễm dịch nặng bằng cách cử chuyên viên điều phối và bán nhiều phương tiện y tế và khẩu trang vốn đều kém chất lượng.

Bất đồng giữa Mỹ-Trung Quốc sẽ càng trầm trọng thêm

Nhưng vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một tàu đánh cá Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào ngày 2.4 đã một lần nữa vạch trần ý định chiếm đoạt Biển Đông. Phía Trung Quốc còn bẻ cong sự thật tàu QNg 90617 TS cùng 8 ngư dân Việt Nam cố tình đâm vào tàu hải cảnh của họ.

Sau vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam, Bộ Quốc phòng và Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố lên án hành xử này, đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc trước hành động ác ý này.

Ngày 13.4, nhóm tàu sân bay Liêu Ninh của hải quân Trung Quốc cũng từ biển Hoa Đông di chuyển vào Biển Đông để tập trận, theo Reuters.

Từ nhiều năm qua, những vấn đề liên quan tranh chấp Biển Đông đã là điểm bất đồng giữa Mỹ với Trung Quốc, khi cả hai nền kinh tế lớn nhất-nhì thế giới này cạnh tranh tầm ảnh hưởng địa chính trị ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Bà Kelsey Broderick, nhà phân tích Trung Quốc ở công ty tư vấn Eurasia Group nói với CNBC: “Về cơ bản, Trung Quốc không để dịch COVID-19 cản trở họ theo đuổi các mục tiêu đối ngoại. Ngoài Biển Đông, Bắc Kinh còn cho phép không quân bay dọa Đài Loan trong tháng qua. Có lẽ Trung Quốc hy vọng phát thông điệp đến các nước liên quan ở Biển Đông rằng Trung Quốc sẽ không nhượng bộ trước bất kỳ hoàn cảnh nào, và phát thông điệp đến dân trong nước về sự lãnh đạo vững mạnh của đảng cầm quyền”.

Bà Broderick nói chuyện Mỹ-Trung khẩu chiến - về vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá Việt Nam - có thể làm nặng nề thêm cho quan hệ đối ngoại giữa Mỹ-Trung. Và trong các tuần sắp tới, Mỹ có thể “cực kỳ nhạy cảm với việc Trung Quốc toan tính để lợi dụng sự giúp đỡ chống dịch COVID-19 nhằm đòi quyền lãnh đạo ở các cơ quan quốc tế như LHQ cũng như một vai trò lãnh đạo mạnh hơn ở châu Á”.

Bà Susan Thornton, một nhà nghiên cứu cấp cao ở trường luật của Đại học Yale, nói sự không tin tưởng lẫn nhau giữa Mỹ-Trung là không cần thiết, vào lúc các nước nên cùng nhau chống dịch COVID-19 lây lan nhanh: “Hai bên Mỹ-Trung nên chú trọng khôi phục nền kinh tế nước mình và để qua một bên những vấn đề khác đang chưa giải quyết được. Ngay lúc này chúng ta không cần thêm những khủng hoảng, vì hiện chúng ta đang phải chịu một cuộc khủng hoảng toàn cầu chỉ xảy ra một lần trong cả một thế kỷ”.

Cần cảnh giác các hành động sắp tới của Trung Quốc ở Biển Đông

Theo CNBC, cộng đồng quốc tế và người dân Trung Quốc đã lên án việc chính quyền Trung Quốc đã phớt lờ những cảnh báo ban đầu về dịch COVID-19 và cố tình giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của dịch.

Có thể vì lý do này, mà Trung Quốc phải duy trì hoạt động trên Biển Đông, theo ông Collin Koh, nhà nghiên cứu thuộc Chương trình An ninh Hàng hải ở Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (NTU, Singapore), người nói đã có những đồn đoán rằng dịch COVID-19 sẽ cản trở khả năng Trung Quốc “duy trì cảnh giác về các vấn đề quốc phòng và an ninh quốc gia”.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), Biển Đông là một tuyến hàng hải thương mại cần thiết và đạt giá trị 3,4 ngàn tỉ USD hồi năm 2016. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng ước tính 30% giao dịch dầu thô đường biển của thế giới (ước tính 15 triệu thùng/ngày) đi qua Biển Đông trong năm 2016.

Tòa án trọng tài thường trực (PCA) ngày 12.7.2016 đã có phán quyết, tuyên Trung Quốc không hề có “chủ quyền lịch sử” trên Biển Đông, và PCA bác bỏ “bản đồ đường lưỡi bò 9 đoạn” mà Bắc Kinh tự vẽ để giành lấy hầu như toàn bộ Biển Đông, gồm các Vùng đặc quyền kinh tế EEZ 200 hải lý của những quốc gia ven biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei (4/10 nước thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á-ASEAN).

Ông Koh nói sẽ mất một thời gian dài để có thể có một giải pháp cho cuộc tranh chấp chủ quyền này, dù nhiều nước liên quan đã đạt được một số tiến bộ trong cuộc đàm phán một Bộ Qui tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) nhằm giải quyết ổn thỏa tranh chấp này.

Ông nói thêm: “Tuy nhiên, dịch COVID-19 có thể gây ra những bấp bênh cho nỗ lực đạt được COC. Và điều tôi lo ngại là bất kỳ bên tranh chấp nào, nhất là Trung Quốc, đều có thể tranh thủ giai đoạn trì hoãn này để củng cố vị thế của mình ở Biển Đông. Và nay chúng ta đã thấy rõ Trung Quốc đã làm điều này ra sao”.

Mỹ Trinh (theo CNBC)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc lợi dụng dịch COVID-19 để tạo sóng Biển Đông