Nhiều ý kiến cho rằng việc tồn tại Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang khiến người tiêu dùng chịu thiệt hơn là lợi khi thực chất là người tiêu dùng đang phải ứng trước cho quỹ này. Việc thành lập quỹ là để bình ổn giá vì người tiêu dùng nhưng họ không có đại diện trong điều hành, không biết việc điều hành quỹ ra sao...
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo các vướng mắc, khó khăn liên quan đến Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. VINPA cho rằng Nghị định 83 đã bộc lộ những vấn đề bất cập cần được xem xét, nhất là trong bối cảnh điều hành xăng dầu thời gian gần đây.
Cụ thể, theo VINPA, việc trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ bình ổn) khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi hơn là được lợi vì bản chất là người tiêu dùng đang ứng trước cho quỹ. Bên cạnh đó, việc sử dụng quỹ mang đậm tính can thiệp hành chính nên làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu.
Theo đó, việc bỏ Quỹ bình ổn để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới. Mặt khác, khi bỏ Quỹ bình ổn, tính minh bạch công khai trong việc điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối.
Các đầu mối nhập khẩu xăng dầu cũng phản ánh nhiều bất hợp lý của Quỹ bình ổn như việc phải trích 300 đồng/lít lợi nhuận định mức và phải gửi vào một tài khoản cố định. Khoản lãi sẽ nhập vào gốc, doanh nghiệp hoàn toàn không được động vào số tiền này. Nhưng khi quỹ âm, doanh nghiệp phải vay ngân hàng lãi suất 7-8%/năm hoặc bỏ vốn của mình để bù đắp.
Chia sẻ tại cuộc họp đại hội cổ đông thường niên 2019 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam mới đây, ông Bùi Ngọc Bảo - cựu Chủ tịch Petrolimex đã bày tỏ quan ngại về cách trích lập Quỹ bình ổn vừa qua. Ông cho rằng quỹ này đang bị lạm chi và đây là nét mới trong các năm qua, chưa bao giờ có.
Ông Bảo phân tích khi Quỹ bình ổn tại doanh nghiệp âm, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ phải vay ngân hàng để bù lại. Chẳng hạn với Petrolimex, quý 1/2019 doanh nghiệp báo lãi 1.500 tỉ đồng, trong đó tính cả phần 500 tỉ đồng đã trích cho Quỹ bình ổn Petrolimex từ ngày 31.12.2018. Vì thế lợi nhuận thực còn khoảng 1.000 tỉ đồng.
Ước tính với số âm Quỹ bình ổn hiện ở mức 380-400 tỉ đồng, nếu nhà điều hành tiếp tục quyết định xả Quỹ bình ổn, sẽ gây bội chi quỹ này. Đây là rủi ro cực lớn cho các doanh nghiệp.
"Chúng ta sử dụng Quỹ bình ổn song phải làm sao bảo đảm duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Chính sách sử dụng, trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng cần xem xét lại", ông Bảo nói thêm.
Trong khi đó, những doanh nghiệp khác cũng có cho biết doanh nghiệp liên tục phải nhập, mua xăng dầu giá cao, nhưng từ đầu năm cơ quan quản lý liên tục xả Quỹ bình ổn để giữ giá bán hoặc tránh giá tăng cao, khiến số dư quỹ giảm. Điều này ảnh hưởng xấu tới tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Ở góc độ cơ quan điều hành, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng bày tỏ mong muốn “bỏ càng sớm càng tốt” Quỹ bình ổn nhưng trong cuộc họp gần đây nhất, ông Hải cho biết Chính phủ đã đưa ra bàn và thống nhất hiện nay khi Việt Nam chưa phải nền kinh tế thị trường nên vẫn cần vai trò quản lý nhà nước.
"Nguyên tắc của Quỹ bình ổn là lúc dư thì đóng vào đó, lúc khó thì lấy ra dùng. Sau mười mấy năm điều hành giá xăng dầu, chúng tôi thấy đây là biện pháp kinh tế hữu hiệu. Cho nên đây không phải là can thiệp hành chính mà chính là biện pháp kinh tế, tức là mình lấy nó nuôi nó và không phải tăng trong những thời điểm nhạy cảm", ông Hải cho hay.
Đại diện Bộ Công Thương cũng khẳng định có thể bỏ Quỹ bình ổn nhưng cần lựa chọn thời điểm thích hợp để quyết định.
Hiện nay, với mỗi lít xăng dầu được nhập khẩu về bán ra thị trường nội địa, người tiêu dùng phải “gánh” hơn 8.000 đồng do rất nhiều khoản thuế, phí; từ thuế giá trị gia tăng, nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt đến thuế môi trường và cả chi phí kinh doanh xăng dầu.
Do đó, việc thu thêm một khoản tiền vào giá bán xăng dầu để xây dựng Quỹ bình ổn làm công cụ quản lý, điều hành lại đặt tại doanh nghiệp đầu mối là khó chấp nhận. Vì vậy, sự nghi ngờ về việc hình thành và duy trì quỹ tạo thêm cơ chế xin - cho là có cơ sở.
Trước thực trạng trên, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng nghị định thay thế Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Việc nên hay không tồn tại Quỹ bình ổn với quá nhiều bất cập sau nhiều năm vận hành cũng cần được phân tích một cách thấu đáo. Chỉ khi những công cụ điều hành được minh bạch thì thị trường xăng dầu mới có thể minh bạch.
Tuyết Nhung