Trung Quốc chuẩn bị bổ sung một khoang mới cho trạm vũ trụ Thiên Cung với việc phóng module Vấn Thiên (Wentian) lên quỹ đạo vào ngày 24.7.
Module Vấn Thiên được đưa lên quỹ đạo trên đỉnh tên lửa Trường Chinh 5B vào lúc 13 giờ 25 phút ngày 24.7 (giờ Việt Nam) từ Trung tâm phóng vệ tinh Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, phía nam Trung Quốc. Module dài 17,9 mét này dự kiến sẽ ghép nối với module lõi Thiên Hà vào cuối ngày.
Vấn Thiên là module thứ hai trong số 3 module được Trung Quốc lên kế hoạch ra mắt. Module lõi Thiên Hà được phóng vào tháng 4.2021 và đã tiếp nhận các tàu chở hàng Thiên Châu cùng với các sứ mệnh Thần Châu. Module thứ 3 là Mộng Thiên (Mengtian) dự kiến được phóng vào tháng 10 để hoàn thành trạm vũ trụ hình chữ T. Sau khi hoàn thành, trạm Thiên Cung sẽ nặng từ 80-100 tấn, bằng khoảng 20% so với Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Video quá trình phóng module Vấn Thiên vào quỹ đạo
Trước đó vào ngày 5.6, tên lửa đẩy Trường Chinh 2F đã đưa tàu Thần Châu 14 cất cánh từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở tây bắc Trung Quốc. Sau đó, tàu Thần Châu 14 tách khỏi tên lửa và tiến vào quỹ đạo, phi hành đoàn đều trong tình trạng tốt.
Phi hành đoàn của sứ mệnh Thần Châu 14 hiện đang ở trên Thiên Hà để chờ sự xuất hiện của module mới. Ba phi hành gia gồm chỉ huy Chen Dong, Liu Yang và Cai Xuzhe sẽ tham gia xây dựng trạm vũ trụ và tổ chức một bài giảng khoa học trực tiếp đầu tiên từ Vấn Thiên sau khi kiểm tra module này.
Vai trò chính của Vấn Thiên là lưu trữ một loạt thiết bị cho phép các phi hành gia tiến hành các thí nghiệm khoa học trên quỹ đạo. Nó cũng mang theo các mảng năng lượng mặt trời và một số thiết bị cho các chuyến đi bộ ngoài không gian. Ngoài ra, module này tạo thêm chỗ lưu trú cho các phi hành gia để Trung Quốc tiến hành việc bàn giao các phi hành đoàn.
Thần Châu 14 là một trong những sứ mệnh quan trọng nhất trong lịch sử bay vũ trụ của Trung Quốc. Phi hành đoàn Thần Châu 14 sẽ trải qua 6 tháng trên Thiên Cung và tham gia vào kế hoạch bàn giao phi hành đoàn đầu tiên của trạm vũ trụ vào cuối năm nay. Các phi hành đoàn Thần Châu 14 và Thần Châu 15 có thể sẽ ở cùng nhau trên trạm trong thời gian ngắn nhờ sự xuất hiện của 2 module mới.
Mặc dù Vấn Thiên ban đầu sẽ cập cảng phía trước của Thiên Hà, nhưng module chính sẽ sử dụng cánh tay robot dài 10 mét để đặt Vấn Thiên vào cảng phụ trong những tháng tới. Module Vấn Thiên cũng có cánh tay robot dài 5 mét riêng, có thể hoạt động độc lập hoặc kết nối với cánh tay robot của Thiên Hà.
Đầu năm nay, Trung Quốc đã thử nghiệm các thao tác cần thiết cho việc di chuyển này bằng cách sử dụng tàu chở hàng Thần Châu 3. Con tàu đã được phóng đi vài ngày trước để dọn đường cho sự xuất hiện của module Vấn Thiên.
Trung Quốc bắt đầu dự án trạm vũ trụ từ năm 1992, phê duyệt kế hoạch phát triển khả năng đưa phi hành gia vào không gian, thử nghiệm khả năng hỗ trợ sự sống trên các phòng thí nghiệm vũ trụ nhỏ và chế tạo tên lửa lớn có khả năng phóng các module trên 22 tấn như Thiên Hà và Vấn Thiên.
Nước này có kế hoạch giữ cho trạm vũ trụ Thiên Cung thường xuyên hoạt động trong ít nhất một thập kỷ, với mỗi phi hành đoàn gồm 3 phi hành gia ở trên trạm 6 tháng. Trung Quốc cũng cho biết họ sẽ cho phép các phi hành gia nước ngoài và thậm chí cả khách du lịch đến thăm trạm vũ trụ trong tương lai, đồng thời tổ chức các thí nghiệm quốc tế.
Trạm vũ trụ Thiên Cung cũng sẽ hỗ trợ một kính viễn vọng không gian mạnh mẽ có tên Xuntian mà Trung Quốc dự định phóng vào khoảng năm 2024. Kính viễn vọng này sẽ hoạt động trên quỹ đạo tương tự Thiên Cung, nghĩa là nó có thể cập cảng trạm vũ trụ để tiếp nhiên liệu, nâng cấp và sửa chữa.