Theo một nhóm học giả Trung Quốc, Bắc Kinh và Washington có thể sớm đạt được một thỏa thuận thương mại sơ bộ, nhưng cảnh báo cuộc thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn sẽ tiếp tục.

Trung Quốc toan tính thương chiến lâu dài với Mỹ

23/10/2019, 16:46

Theo một nhóm học giả Trung Quốc, Bắc Kinh và Washington có thể sớm đạt được một thỏa thuận thương mại sơ bộ, nhưng cảnh báo cuộc thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn sẽ tiếp tục.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản hồi tháng 6.2019 - Ảnh: AFP

Tư tưởng về một cuộc xung đột thương mại lâu dài giữa Mỹ và Trung Quốc vốn đã trở thành quan điểm nhất quán ở Bắc Kinh, ngay cả khi hai nước đã đạt được sự đồng thuận về những gì mà Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi là “thỏa thuận giai đoạn 1” hồi đầu tháng này.

Các nhà đàm phán thương mại hai nước hiện đang nỗ lực đưa ra một văn bản thỏa thuận mà Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ ký kết tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Chile trong tháng 11 tới. Ông Trump hôm 21.10 cũng nói rằng “thỏa thuận với Trung Quốc đang tới gần và Trung Quốc muốn đạt được một thỏa thuận vì chuỗi cung ứng của họ đang xuống dốc”.

Phát biểu tại diễn đàn do trường Đại học Nhân dân Trung Quốc tổ chức hôm 21.10, Zhu Jianfang, nhà kinh tế trưởng của Citic Securities - ngân hàng đầu tư đầy đủ dịch vụ lớn nhất của Trung Quốc, bày tỏ tin tưởng về việc Mỹ và Trung Quốc sẽ ký một thỏa thuận sơ bộ.

“Tuy nhiên về lâu dài, việc đạt được thỏa thuận không có nghĩa là hai bên đã giải quyết được những khúc mắc. Trung Quốc và Mỹ vẫn sẽ không ngừng cạnh tranh với nhau”, ông Zhu nói.

Nhà nghiên cứu Yu Chunhai thuộc Học viện Phát triển và Chiến lược Trung Quốc thì lại nhận định rằng, Mỹ đã sẵn sàng sử dụng các biện pháp bất bình thường để giải quyết các vấn đề thương mại, nhất là khi quốc gia này đang tiến gần hơn trong việc theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ. Theo ông Yu, việc chính quyền Washington đã liệt kê tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei vào danh sách đen là một biện pháp nhằm hạn chế Trung Quốc có thể tiếp cận công nghệ và thị trường nội địa Mỹ.

“Việc tăng thuế của Mỹ là đòn bẩy để đạt được lợi thế trong các cuộc đàm phán thương mại. Cho tới nay, khi chúng ta nhìn vào ngành sản xuất nói riêng và nền kinh tế Mỹ nói chung, hiệu quả của các chiến lược thuế quan đều không đáng kể. Do đó, nguy cơ nước này sử dụng các biện pháp bất bình thường nhằm chống lại Trung Quốc sẽ cao hơn”, ông Yu nói.

Khác với những gì ông Yu nhận định, thuế quan Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc đang bắt đầu phát huy tác dụng và gây thiệt hại cho Trung Quốc. Bằng chứng là tăng trưởng GDP quý 3.2019 của Trung Quốc chỉ đạt 6%, thấp hơn so với mục tiêu chính phủ Trung Quốc đặt ra trong năm 2019.

Thực tế này xuất phát từ các hoạt động kinh tế ảm đạm của Trung Quốc trong bối cảnh nước này phải đối đầu với Mỹ trong một cuộc thương chiến vốn đã gây tổn hại cho hoạt động của nhà máy, xuất khẩu, dẫn đến nhu cầu nội địa suy yếu cùng với việc giảm đầu tư từ nước ngoài.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng với thực tế đó, một loạt các biện pháp kích thích của chính phủ Trung Quốc thời gian qua, bao gồm cắt giảm thuế hay nới lỏng các quy tắc vay vốn vẫn chưa có hiệu quả rõ rệt. Họ cho biết Bắc Kinh sẽ cần triển khai thêm nhiều biện pháp hiệu quả hơn nhằm thúc đẩy thương mại và ngăn chặn đà giảm sâu của tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Hiện nay, triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc được giới quan sát đánh giá là khó có thể có những thay đổi sớm mang tín hiệu khả quan ngay cả khi những căng thẳng thương mại kéo dài giữa Bắc Kinh và Washington được giảm bớt phần nào.

“Tác động của thuế Mỹ tới Trung Quốc trong năm tới sẽ còn lớn hơn nhiều so với những gì xảy ra trong năm 2019, trừ khi các mức thuế bị hủy bỏ”, chuyên gia kinh tế Zhu Jianfang cho hay.

Là một phần của thỏa thuận thương mại sơ bộ, Nhà Trắng tuyên bố Trung Quốc sẽ tăng cường mua các sản phẩm nông nghiệp Mỹ, thực hiện các thay đổi đối với các quy tắc về tài chính tiền tệ, sở hữu trí tuệ cũng như mở cửa cho việc tiếp cận thị trường dịch vụ tài chính của nước này. Đổi lại, Mỹ sẽ đình chỉ tăng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, vốn sẽ có hiệu lực hôm 15.10 vừa qua.

Nhưng nếu các cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên không tạo được ra tiến triển trước ngày 15.12, mức thuế 15% mới đối với 160 tỉ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ được áp dụng, có nghĩa là hầu như tất cả hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ - trị giá hơn 500 tỉ USD - sẽ phải chịu các mức thuế trừng phạt.

Nhà nghiên cứu vĩ mô tại Viện nghiên cứu Evergrande Trung Quốc, Luo Zhiheng cho rằng, Bắc Kinh đã tìm ra động lực để đạt được một thỏa thuận sơ bộ do áp lực của cuộc thương chiến với Mỹ đang đè nặng lên nền kinh tế nước này, trong khi Tổng thống Donald Trump lại muốn giành được “chiến thắng” để hỗ trợ cho chiến dịch tái tranh cử tổng thống vào năm tới.

Dù vậy, việc giải quyết tất cả những khác biệt của hai nước sẽ rất khó khăn, bởi theo ông Luo, các nhà đàm phán thương mại hai nước đang chỉ chú trọng tìm ra điểm chung trong các vấn đề ngắn hạn, trong đó có cải thiện việc mất cân bằng thương mại song phương.

Hoàng Vũ (theo SCMP)

Bài liên quan
Bộ Hiệu quả chính phủ Mỹ sẽ không cho công chức liên bang làm việc từ xa
Đài CNN cho biết Bộ Hiệu quả chính phủ Mỹ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk cùng doanh nhân Vivek Ramaswamy lãnh đạo dự kiến thúc đẩy chấm dứt hình thức làm việc từ xa với tất cả cơ quan liên bang nhằm cắt giảm công chức.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
7 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc toan tính thương chiến lâu dài với Mỹ