Tại Trung Quốc, các quan chức cao cấp của chính phủ đã không ít lần thất hứa về việc cho phép các công ty xác sống khổng lồ của mình phá sản dù hoạt động kém hiệu quả và nợ nần đang quá cao.

Trung Quốc trước nỗi sợ hãi với các công ty xác sống

Nhàn Đàm | 04/04/2017, 09:22

Tại Trung Quốc, các quan chức cao cấp của chính phủ đã không ít lần thất hứa về việc cho phép các công ty xác sống khổng lồ của mình phá sản dù hoạt động kém hiệu quả và nợ nần đang quá cao.

Bất kỳ một fan hâm mộ phim kinh dị nào cũng đều biết rằng, những xác sống (zombie) chỉ có thể vô hại nếu chúng đã chết. Nếu như có bất kỳ hành động nào nhằm cứu sống chúng, mọi thứ sẽ trở thành thảm họa. Tuy nhiên, có vẻ như hầu hết các nhà hoạch định chính sách lại không phải là fan hâm mộ phim kinh dị, hoặc ít nhất là chưa xem đủ để biết được điều đó.

Qúa lo sợ các nguy cơ như về chính trị và bất ổn khi sa thải hàng loạt lao động cùng việc phải công khai các khoản nợ nần,Chính phủ và ngân hàng tại khắp các quốc gia châu Á hiện tại lại tiếp tục chọn cách cố gắng níu giữ sự sống cho những công ty thất bại và không đủ khả năng duy trì hoạt động (hay còn gọi là những công ty xác sống) của mình bằnggói tài chính chủ yếu thông qua các khoản vay lãi suất thấp và các hỗ trợ khác. Tất cả nhằm để níu kéo hy vọng rằng chúng có thể quay trở lại là các công ty hoạt động hiệu quả một lần nữa. Tuy nhiên, trên thực tế những công ty xác sống này chỉ tiếp tục làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu, lãng phí nguồn lực, làm giảm năng suất lao động và vì thế đồng nghĩa với việc làm giảm khả năng phục hồi của nền kinh tế mà các Chính phủ đang kỳ vọng.

Ví dụ điển hình là những gì đang diễn ra với Tập đoàn cơ khí và đóng tàu Daewoo tại Hàn Quốc, một trường hợp có thể xem như hình mẫu cho các chebol đang suy yếu và thua lỗ trầm trọng tại quốc gia này. Vào ngày 23.3 vừa qua, hai ngân hàng nhà nước của Hàn Quốc là ngân hàng Phát triển và ngân hàng Xuất Nhập khẩu đã đồng ý cho tập đoàn này vay một khoản trị giá 2,6 tỉ USD và đồng thời chấp nhận cho phép hoán đổi nợ cho vốn chủ sở hữu để ngăn ngừa một khoản nợ xấu. Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) tuyên bố, nếu Daewoo bị phá sản thì đó sẽ là một sự mất mát lớn của nền kinh tế đất nước vì có thể dẫn tới sự sụp đổtoàn bộ ngành công nghiệp đóng tàu của Hàn Quốc và hệ thống tài chính của quốc gia có thể rơi vào cảnh suy yếu nghiêm trọng từ những hệ lụy do sự sụp đổ đó gây ra.

Trên thực tế, đúng là Daewoo đang ở trong một tình trạng không mấy tốt đẹp do cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong ngành công nghiệp đóng tàu và vận tải biển, chủ yếu do nền kinh tế toàn cầu tiếp tục ảm đạm và trì trệ về thương mại trên toàn thế giới. Vào năm ngoái, một tập đoàn vận tải hàng hải khổng lồ của Hàn Quốc là Hanjin đã bị phá sản. Chính vì thế, hầu hết các ý kiến đều cho rằng nếu để thêm Daewoo phá sản nữa sẽ đem lại một hậu quả kinh khủng đối với ngành công nghiệp đóng tàu và vận tải hàng hải của Hàn Quốc. Các chủ nợ của Daewoo và bản thân tập đoàn này cùng hy vọng rằng, một khoản cứu trợ từ phía chính phủ có thể giúp duy trì hoạt động cho đến khi tình trạng của lĩnh vực này được cải thiện tốt hơn khi kinh tế thế giới ổn định hơn.

Tuy nhiên, đây là một kịch bản rất thường gặp. Nếu nhìn sâu hơn vào lịch sử của tập đoàn Cơ khí và Đóng tàu Daewoo, chúng ta sẽ thấy vấn đề trở nên rõ ràng hơn. Chưa đầy 2 năm trước, tập đoàn này nhận được một gói cứu trợ bao gồm các khoản vay mới và được phép đảo nợ. Quay trở lại xa hơn trong quá khứ, bản thân sự hình thành và phát triển của Daewoo cũng gắn liền với sự bao cấp và hỗ trợ từ phía nhà nước: Daewoo bắt đầu với vị thế chỉ là một xưởng đóng tàu luôn ở trong tình trạng khó khăn về tài chính trước khi được nâng đỡ từ chính phủ Hàn Quốc để trở thành một cụm doanh nghiệp một cách miễn cưỡng vào năm 1978.

Khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990 nổ ra dẫn đến sự sụp đổ của Daewoo, công ty đóng tàu của tập đoàn này được bơm vốn hỗ trợ để tách ra khỏi đống đổ nát của tập đoàn và trở thành một công ty độc lập vào đầu những năm 2000, tiếp tục hoạt động dựa trên một sự hỗ trợ khác từ chính phủ Hàn Quốc là một sự hoán đổi nợ mới. Nói cách khác, kể từ khi hình thành đến khi sụp đổ và được tách ra tồn tại độc lập, dường như hiếm khi nào Daewoo lại ở trong tình trạng không cần đến sự hà hơi thổi ngạt từ chính phủ Hàn Quốc.

Nếu để một doanh nghiệp như Daewoo phá sản, dĩ nhiên sẽ đồng nghĩa với một cái giá khá đắt. Một lượng lớn công nhân có thể mất việc làm và các ngân hàng có thể phải gánh chịu một khoản nợ xấu khổng lồ. Tuy nhiên cái giá còn lớn hơn nếu như tiếp tục duy trì sự tồn tại của các công ty xác sống kiểu này, và điều đáng lo ngại hơn là nó đang kéo theo một loạt các công ty xác sống khác như những vệ tinh xung quanh đồng nghĩa với những gánh nặng khổng lồ. Một nghiên cứu vào tháng 1.2017 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã chỉ ra rằng, các công ty xác sống luôn gặp khó khăn trong việc trả lãi cho các khoản nợ, điều này khiến cho chậm tăng năng suất lao động và dẫn đến kéo lùi tăng trưởng ở các nước phát triển.

Trên thực tế, các công ty xác sống đang tước đi cơ hội mở rộng và phát triển của các công ty lành mạnh, thậm chí còn trở thành rào cản khi chúng tước đi phần lớn nguồn vốn đầu tư từ chính phủ và nền kinh tế. Nghiên cứu của OECD cũng chỉ ra một thực tế là, sự gia tăng về số lượng của các công ty xác sống sau thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 đi kèm với sự sụt giảm khoảng 2% về đầu tư và 0,7% về việc làm tại các nền kinh tế này. Thống kê cũng cho thấy, nguồn vốn và tài nguyên đang bị chôn vùi trong các công ty xác sống đã tăng lên đáng kể từ giữa những năm 2000 và các công ty này níu kéo sự tồn tại phần lớn nằm ở sự cố gắng duy trì thị trường xuất khẩu cũ và ngăn chặn sự cạnh tranh từ các công ty hoạt động tốt hơn.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà hoạch định chính sách vẫn tin rằng họ có thể thách thức thị trường. Tại Trung Quốc, các quan chức cao cấp của chính phủ đã không ít lần thất hứa về việc cho phép các công ty xác sống khổng lồ của mình phá sản dù hoạt động kém hiệu quả và nợ nần đang quá cao. Điển hình nhất là ngành thép, một trong những ngành kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, khi số doanh nghiệp được xem là thuộc diện xác sống đang ngày càng nhiều. Theo thống kê của He Fan, nhà kinh tế tại đại học Renmin ở Bắc Kinh, thì hiện tại có khoảng 10% các công ty niêm yết ở Trung Quốc là thuộc diện các công ty xác sống, dù trên thực tế có lẽ còn nhiều hơn nữa do rất nhiều các công ty khác còn chưa niêm yết và do đó thiếu thông tin chính xác.

Bằng cách lãng phí tiền cho các doanh nghiệp đang hấp hối, và đồng thời làm tăng thêm khoản nợ khổng lồ của khu vực doanh nghiệp này, các quan chức Trung Quốc đang chấp nhận hy sinh tăng trưởng, việc làm và chậm đổi mới nền kinh tế đất nước. Theo đánh giá của He Fan, các công ty xác sống đang ngăn chặn sự hồi phục của kinh tế Trung Quốc, sự tồn tại của chúng ngăn cản các nguồn lực được phân bổ một cách hiệu quả hơn trong nền kinh tế, dẫn đến sự lãng phí và thậm chí là hậu quả nghiêm trọng. Và một sự thực khác mà các fan hâm mộ phim kinh dị đều biết, nhưng có vẻ như các nhà hoạch định chính sách thì không, đó là: các xác sống luôn tạo ra rất nhiều các xác sống khác.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bàn giải pháp cấp nước sạch ở ĐBSCL bằng nhà máy di động trong container
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Hiện đã có doanh nghiệp làm được nhà máy nước di động, đầu vào sử dụng nước ngọt và cả nước nhiễm mặn để xử lý thành nước sạch với công suất tới 3.000m3/ngày.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc trước nỗi sợ hãi với các công ty xác sống