Trung tướng Tô Ân Xô cho biết ông Đỗ Hữu Ca khai đã nhận tiền của doanh nhân nhưng chưa tác động đến cá nhân, cơ quan chức năng nào để chạy án. Ông Ca đã nộp lại toàn bộ số tiền 35 tỉ đồng trên cho cơ quan điều tra.

Trung tướng Tô Ân Xô: "Ông Đỗ Hữu Ca khai đã nhận 35 tỉ đồng nhưng chưa chạy án"

Hoài Lam | 03/03/2023, 18:15

Trung tướng Tô Ân Xô cho biết ông Đỗ Hữu Ca khai đã nhận tiền của doanh nhân nhưng chưa tác động đến cá nhân, cơ quan chức năng nào để chạy án. Ông Ca đã nộp lại toàn bộ số tiền 35 tỉ đồng trên cho cơ quan điều tra.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Trung tướng Tô Ân Xô - người phát ngôn Bộ Công an đã trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến vụ án nguyên Giám đốc Công an TP.Hải Phòng Đỗ Hữu Ca bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt 35 tỉ đồng nhận chạy án cho một chủ doanh nghiệp.

Ông Tô Ân Xô cho biết, qua chứng cứ, tài liệu thu thập được, cơ quan an ninh điều tra của Công an tỉnh Quảng Ninh xác định hành vi của ông Đỗ Hữu Ca đã đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ Luật Hình sự. Vì vậy, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã quyết định khởi tố bị can với tội danh trên. Viện Kiểm sát cùng cấp đã phê chuẩn quyết định này.

Theo ông Xô, trong quá trình bị xét hỏi, ông Ca tỏ ra hợp tác với cơ quan điều tra. “Ông Ca khai đã nhận tiền của doanh nhân nhưng không hoặc chưa tác động đến cá nhân, cơ quan chức năng nào để chạy án. Ông Ca đã nộp lại toàn bộ số tiền mà doanh nhân đã đưa cho ông Ca cho cơ quan điều tra, số tiền là 35 tỉ đồng" - người phát ngôn Bộ Công an thông tin thêm.

Hiện nay, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi tội phạm của các bị can, những người liên quan để xét xử theo đúng quy định của pháp luật.

Về bỏ sổ hộ khẩu giấy, ông Xô cho biết trong mấy ngày qua Thủ tướng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đã đề cập vấn đề này kỹ và đầy đủ. Theo báo cáo từ các địa phương, từ hôm qua đến nay, cơ bản không còn phàn nàn việc đòi sổ hổ khẩu chứng nhận cư trú.

“Chúng ta có 100 triệu dân, mỗi ngày có tới vài trăm nghìn giao dịch hoặc hơn, chắc chắn trong số đó có trục trặc, vận hành chưa thuần thục... Do đó, rất mong người dân thông cảm. Số người dân làm dịch vụ công bị phiền hà mà báo chí phản ánh có tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số lượng giao dịch. Bộ Công an có nhiều biện pháp nhắc nhở nghiêm khắc, hiệu quả và nếu cần, chúng tôi sẽ chuyển phần trả lời chi tiết hơn đến phóng viên”, ông Xô nói.

Lãnh đạo địa phương sát sao thì giải ngân đầu tư công sẽ tốt

Trả lời báo chí về việc giải ngân vốn đầu tư công, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông cho biết năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 92,97% so với kế hoạch, so với năm 2021 thì không bằng (năm 2021 là 95,11%). Tuy nhiên, năm 2022 phải tiêu số vốn tuyệt đối tăng thêm 120 nghìn tỉ.

“Hai tháng đầu năm 2023, trách nhiệm nặng nề hơn khi đã giao cho các bộ, ngành địa phương tổng số trên 700 nghìn tỉ, tăng 140 nghìn tỉ so với năm 2022 và tăng 260 nghìn tỉ so với năm 2021. Do vậy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt, ngay từ đầu năm đã tổ chức hội nghị toàn quốc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Ngay từ mùng 4 Tết, Thủ tướng đã đi rất nhiều địa phương, thúc đẩy giải ngân, tháo gỡ khó khăn các công trình trọng điểm quốc gia”, ông Đông nói.

Để giải ngân được số vốn này, ông Đông cho rằng cần thực hiện hiệu quả 6 tổ công tác do Thủ tướng thành lập, đôn đốc các bộ, ngành, tháo gỡ các khó khăn; chuẩn bị tốt các dự án đầu tư từ khâu phê duyệt, lựa chọn, để khi có vốn giao thì giải ngân được ngay; tập trung giải quyết các khó khăn liên quan đến thể chế, về công tác giải phóng mặt bằng.

Về giải quyết các khó khăn về nguyên, vật liệu, điều chỉnh giá, ông Đông cho biết năm 2022 có tác động nhiều hơn, cân đối các vấn đề về nguyên vật liệu, giá. Nhưng còn một số vấn đề như đất cát san lấp, đặc biệt khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nguồn nguyên liệu cho các công trình đường cao tốc Bắc Nam cần được quan tâm hơn để đảm bảo nguyên liệu.

“Giải pháp tiếp theo là đôn đốc các nhà thầu bố trí đủ nhân lực, nhân công để đảm bảo tiến độ. Chúng tôi thấy đối với địa phương nào chủ tịch tỉnh, bí thư tỉnh, trưởng ban quản lý dự án quan tâm sát tiến độ thì giải ngân tốt so với các địa phương khác”, ông Đông nói.

Ông Đông cũng cho rằng cần giải quyết vướng mắc liên quan đến ODA. “ODA thì đặc thù hơn, ví dụ phải điều chỉnh dự án, kế hoạch vay vốn, kéo dài hơn. Các bộ ngành hỗ trợ địa phương, phối hợp với nhà tài trợ để điều chỉnh sớm”.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho rằng kinh nghiệm là không tập trung dàn trải, có trọng tâm trọng điểm. Nhiệm kỳ 2021-2026, đầu tiên dự kiến trên 10.000 dự án. Sau đó Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt cắt giảm đi còn chưa đầy 5.000.

“Đây là giải pháp rất quan trọng để tập trung giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt chúng ta tập trung cho dự án liên kết vùng, tạo ra các không gian phát triển mới, các tuyến đường cao tốc, công trình hạ tầng”, ông Sơn nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Hôm nay, thí sinh bắt đầu đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2024
3 giờ trước Giáo dục
Từ hôm nay (2.5) đến 17 giờ ngày 10.5, Cổng đăng ký trực tuyến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ mở để phục vụ thí sinh đăng ký dự thi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung tướng Tô Ân Xô: "Ông Đỗ Hữu Ca khai đã nhận 35 tỉ đồng nhưng chưa chạy án"