Theo các nhà khoa học, tổ tiên của con người - người Australopithecus - có làn da màu sáng, phủ đầy lông.

Trước đây, loài người đều có da màu sáng và phủ đầy lông

16/10/2017, 15:03

Theo các nhà khoa học, tổ tiên của con người - người Australopithecus - có làn da màu sáng, phủ đầy lông.

Một đại diện của người Agau từ phía Bắc Ethiopia và Eritrea (trái) và người Surma ở miền Nam Ethiopia và miền Nam Sudan

Theo tạp chí Science, nhóm các nhà khoa học dưới sự hướng đẫn của Sarah Tishkoff thuộc Đại học Pennsylvania, Mỹ, đã tiến hành một công trình nghiên cứu theo dõi quá trình tiến hoá và sự lan truyền của các gien quyết định màu sắc da người.

Theo các nhà khoa học, tổ tiên của con người - người Australopithecus - có làn da màu sáng, phủ đầy lông.

Sarah Tishkoff nói: "Nếu bạn cạo hết lông trên người tinh tinh, bạn sẽ thấy rằng làn da của tinh tinh màu sáng. Nếu bạn có lớp lông phủ đầy cơ thể, bạn không cần đến làn da tối sẫm để bảo vệ chống lại bức xạ tia cực tím".

Cho đến gần đây, giới khoa học vẫn cho rằng sau khi tổ tiên của con người bị mất phần lớn lớp lông trên cơ thể (khoảng hai triệu năm trước), tổ tiên loài người nhanh chóng có được lớp da tối để bảo vệ bản thân khỏi những tác hại của tia cực tím.

Sau đó, loài người di cư từ châu Phi đến vùng vĩ Bắc, da của người trở nên sáng trắng như một sự thích ứng với tình trạng thiếu ánh nắng Mặt trời, vì làn da nhợt nhạt tổng hợp được nhiều vitamin D hơn.

Các nghiên cứu trước đó về gien màu da phù hợp với quan niệm như vậy. Ví dụ, gien SLC24A5 có liên quan với da sáng bình thường, đã lan rộng đến các quần thể người ở châu Âu trong 6.000 năm qua.

Nhưng công trình nghiên cứu của Tishkoff và các đồng nghiệp cho thấy rằng không phải mọi thứ đều đơn giản như vậy.

Các tác giả đã đo hệ số phản xạ trên da của 2.092 người từ Ethiopia, Tanzania và Botswana. Da đen sẫm nhất được tìm thấy ở những người chăn gia súc ở Đông Phi, như những tộc người Mursi và Surma, còn những người có làn da sáng màu nhất là những người bộ tộc San ở Nam Phi.

Ngoài ra, nhiều sắc thái da chuyển tiếp đã được phát hiện. Đồng thời, các nhà nghiên cứu thu thập các mẫu máu để phân lập ADN. Họ đã sắp xếp được hơn bốn triệu đơn vị nucleotide đơn (các phân đoạn ADN chỉ khác nhau bằng một nucleotide, tức là bằng cách thay thế một "chữ cái" trong bảng chữ cái di truyền). Họ đã tìm ra 4 khu vực chính của bộ gien, trong đó các đa hình nucleotide đơn (single nucleotide polymorphism) đặc thù tương quan với màu da.

Sự ngạc nhiên đầu tiên là gien SLC24A5, đặc trưng cho người châu Âu, cũng phổ biến ở Đông Phi, có ở gần 1/2 số đại diện của một số tộc người ở Ethiopia. Biến thể gien này phát sinh từ 30.000 năm trước và có thể được lan đến Đông Phi qua những người di cư từ Trung Đông. Tuy nhiên, mặc dù có ở nhiều người châu Phi, da của họ đâu có trở nên trắng, vì SLC24A5 chỉ là một trong số các gien ảnh hưởng đến màu da.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy các biến thể của hai gien lân cận: HERC2 và OCA2, có liên quan đến màu da trắng, màu mắt và tóc sáng của người châu Âu, lại có nguồn gốc từ châu Phi. Các gien này rất cổ và phổ biến ở tộc người San. Các tác giả của nghiên cứu cho rằng những biến thể gien này đã phát sinh ở châu Phi cách đây một triệu năm và sau đó được truyền sang cho người châu Âu và châu Á. Sarah Tishkoff nói: "Nhiều biến thể của các gien làm cho làn da màu trắng ở châu Âu lại đến từ châu Phi”.

Phát hiện ấn tượng nhất liên quan đến gien MFSD12. Hai đột biến làm giảm biểu hiện của gien này xảy ra với tần số cao ở những người có làn da tối màu nhất. Những biến thể này phát sinh khoảng nửa triệu năm trước, vì vậy, những người cổ xưa hơn chỉ có thể có làn da sậm màu vừa phải chứ không phải là màu đen đậm xuất hiện do những đột biến này. Hai biến thể giống nhau được tìm thấy ở người Melanesia, người thổ dân Úc và một số người thổ dân da đỏ.

Có lẽ họ đã thừa hưởng những biến thể gien từ những người di cư cổ từ châu Phi, những người đi theo "con đường phía Nam" từ Đông Phi, dọc theo bờ biển phía Nam của Ấn Độ đến Melanesia và Úc. Có lẽ, trong số đó có những người mang các biến thể khác liên quan đến một màu da có sắc thái sáng, nhưng họ đã bị mất biến thể đó trên đường đến Melanesia.

Các tác giả đã tiến hành một thí nghiệm trong phòng thí nghiệm để hiểu những đột biến của gien MFSD12 ảnh hưởng như thế nào đến màu da. Họ làm giảm sự biểu hiện của gien này ở cấp tế bào, mô phỏng biến thể xảy ra ở những người có nước da đen. Các tế bào bắt đầu tạo ra nhiều eumelanin, một sắc tố quyết định màu đen và màu nâu của da, tóc và mắt.

Một biến thể khác của đột biến ngăn chặn việc tạo ra các sắc tố màu vàng cũng dẫn đến màu da sẫm hơn. Các nhà khoa học đã tái tạo hiệu ứng này qua các thí nghiệm trên cá ngựa vằn và chuột thí nghiệm.

Kết quả thu được của Sarah Tishkoff và các cộng sự cho thấy việc phân loại truyền thống người Homo sapiens thành các chủng tộc không phản ánh lịch sử thực tế. Hóa ra, một số biến thể của các gien từ lục địa Á- Âu(Eurasia) sau đó đã quay trở lại châu Phi và các đột biến liên quan đến màu da sáng của người châu Âu có nguồn gốc châu Phi.

Sarah Tishkoff khẳng định rằng ở châu Phi có sự đa dạng cao các gien đến mức chúng ta không thể nói về một chủng tộc châu Phi như một chủng tộc người duy nhất.

Vũ Trung Hương

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trước đây, loài người đều có da màu sáng và phủ đầy lông