Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) hôm 3.9 cho biết bà chưa bao giờ đề nghị từ chức sau khi xuất hiện đoạn băng ghi âm đề cập tới vấn đề này trong bối cảnh Hồng Kông đang lâm vào khủng hoảng chính trị sâu sắc suốt 3 tháng qua.

Trưởng đặc khu Hồng Kông: Chưa bao giờ nghĩ đến chuyện từ chức

Hoàng Vũ | 03/09/2019, 19:02

Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) hôm 3.9 cho biết bà chưa bao giờ đề nghị từ chức sau khi xuất hiện đoạn băng ghi âm đề cập tới vấn đề này trong bối cảnh Hồng Kông đang lâm vào khủng hoảng chính trị sâu sắc suốt 3 tháng qua.

Trả lời các phóng viên trong cuộc họp báo hôm nay, bà Lâm cho biết: “Tôi chưa bao giờ đệ đơn từ chức tới chính quyền trung ương. Tôi thậm chí còn chưa bao giờ suy nghĩ về việc đó… Quyết định không từ chức là lựa chọn của riêng tôi”.

“Tôi đã nhiều lần tự nhủ với lòng mình suốt 3 tháng qua rằng, tôi và các cộng sựcủa mình nên ở lại để giúp đỡ Hồng Kông, giúp đỡ Hồng Kông trong bối cảnh rất khó khăn và phụng sự người dân Hồng Kông. Tôi muốn ở lại và đi con đường này, cùng với những cộng sự của tôi và người dân Hồng Kông. Và đó là lý do tôi không chọn con đường rời đi vì nó quá dễ dàng”, bà Lâm nói thêm.

Bình luận của bà Lâm được đưa ra sau khi một đoạn ghi âm một phiên họp kín tuần trước giữa bà và nhóm doanh nhân bị rò rỉ, đã được Reuters đăng tải, trong đó trưởng đặc khu Hồng Kông nói rằng: “Đối với một trưởng đặc khu gây nên sự tàn phá to lớn đối với thành phố này là việc không thể nào chấp nhận được. Nếu có quyền lựa chọn, điều đầu tiên tôi sẽ làm là từ chức và đưa ra lời xin lỗi sâu sắc đến người dân”.

Trong cuộc họp báo hôm 3.9, bà Lâm bày tỏ thất vọng khi phát biểu của bà trong một cuộc gặp hoàn toàn riêng tư lại bị chuyển cho truyền thông. “Tôi nghĩ rằng điều này là không thể chấp nhận được. Việc đưa ra luận điệu rằng tôi hay chính quyền có bất kỳ vai trò nào trong việc này là không có cơ sở”.

Ngoài ra, bà Lâm cũng cho biết chính phủ Trung Quốc cũng tin chính quyền Hồng Kông có thể tự mình vượt qua cuộc xung đột mà không cần có bất kỳ sự can thiệp nào. “Tôi tin rằng tôi có thể lãnh đạo chính quyền của tôi vượt qua sự bế tắc hiện nay. Tôi vẫn có đủ tự tin đề làm và chính quyền Trung ương vẫn tin Hồng Kông có khả năng xử lý”.

Hồng Kông đã trải qua tuần thứ 13 biểu tình liên tiếp. Bùng phát từ mục đích phản đối một dự luật dẫn độ về đại lục gây tranh cãi từ tháng 6, tới nay làn sóng biểu tình tại Hồng Kông đã mở rộng ra quy mô lớn và nghiêm trọng hơn, tạo nên một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất ở Hồng Kông kể từ khi được trao trả về Trung Quốc 22 năm trước.

Trước áp lực của các cuộc biểu tình, đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga cũng đã tuyên bố dự luật dẫn độ gây tranh cãi “đã chết”, đồng thời thừa nhận chính quyền đã “thất bại hoàn toàn” trong tiến trình thông qua dự luật.

Tuy nhiên, những nhượng bộ do bà Lâm đưa ra dường như vẫn chưa đủ thuyết phục để làm dịu cơn giận dữ của những người biểu tình, vì không có yêu cầu chính nào của họ - bao gồm rút lại dự luật dẫn độ hoàn toàn; mở cuộc điều tra độc lập về hành động trấn áp của cảnh sát; ngừng mô tả các cuộc biểu tình là bạo loạn; không buộc tội những người bị bắt và nối lại cải cách chính trị, được đáp ứng.

Minh Hằng (theo AP, Channel News Asia, Reuters)
Bài liên quan
Tham vọng của Trung Quốc khi dành nhiều ưu đãi cho phương tiện chạy bằng nhiên liệu hydro
Sau sự phát triển vượt bậc của ngành ô tô điện, Trung Quốc đang đặt cược vào các phương tiện chạy bằng hydro khi hướng tới khả năng trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu về nguồn năng lượng sạch mới này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trưởng đặc khu Hồng Kông: Chưa bao giờ nghĩ đến chuyện từ chức