Với thiết kế ấn tượng theo cấu trúc đa chiều, trường mầm non sinh thái Eco Kindi - đại diện duy nhất của Việt Nam vừa thắng giải tại AIA International Chapter Architecture Awards 2020, một cuộc thi dành cho các công trình kiến trúc giáo dục quốc tế được tổ chức tại Úc.

Trường mẫu giáo sinh thái có kiến trúc đa chiều tại thành phố Vinh

06/08/2020, 13:49

Với thiết kế ấn tượng theo cấu trúc đa chiều, trường mầm non sinh thái Eco Kindi - đại diện duy nhất của Việt Nam vừa thắng giải tại AIA International Chapter Architecture Awards 2020, một cuộc thi dành cho các công trình kiến trúc giáo dục quốc tế được tổ chức tại Úc.

Công trình được hoàn thành vào năm 2019 tại thành phố Vinh, Việt Nam mới đây được nhiều trang kiến trúc của Mỹ, Anh, Úc...như Archdaily, Architecture hay Designboom ca ngợi.

Ngôi trường có thiết kế sáng tạo này có sức chứa khoảng 750 học sinh nhỏ với không gian mang cấu trúc hình học đa chiều và hòa mình giữa thiên nhiên.

Trường bao gồm ba tòa nhà hình bán nguyệt, chia thành ba tầng và giao thông với nhau bởi cây cầu chữ Y, tạo điều kiện cho sự tương tác giữa con người và môi trường bên trong lẫn bên ngoài.

Eco Kindi không đơn thuần là một trường mẫu giáo mà là một khu phức hợp bao gồm trung tâm thể thao, hồ bơi, lớp học nghệ thuật, phòng âm nhạc, thư viện và bếp.

Ngôi trường mẫu giáo có khung cửa sổ mang màu sắc bắt mắt; phần thiết kế hữu cơ, bề mặt có hình dạng giống như một con khủng long chạy dài trên trần nhà. Sự tác động mạnh mẽ của không gian đa chiều sâu cùng khuôn viên bao quát hồ Goong để lại dấu ấn mạnh mẽ trong cảnh quan chung của khu đô thị giữa thành phố Vinh và trong tâm trí người nhìn, trẻ nhỏ.

Eco Kindi là một thiết kế trường mẫu giáo sinh thái mới của LAVA (Laboratory For Visionary Architecture) với sự điều hành của Kiến trúc sư Chris Bosse, nhằm khuyến khích sự khám phá, học tập dựa trên các hoạt động tương tác với thiên nhiên cho trẻ nhỏ.

Theo Designboom, tính nhận thức về không gian được khai thác triệt để trong công trình này xuất phát từ những trải nghiệm thời thơ ấu của Chris Bosse tại Stuttgart, Đức, nơi mà các ký ức về tất cả khung cảnh vẫn hiện hữu sống động trong tâm trí ông.

“Thiên nhiên là nguồn cảm hứng về hình thức, cấu trúc và tính bền vững. Việc áp dụng công nghệ nghiên cứu và phân tích mô phỏng hành vi tự nhiên như sự tăng trưởng và thích nghi của các loài giúp chúng tôi hiểu rõ nguyên tắc cốt lõi của thiên nhiên. Nhờ đó, kiểu dáng và cấu trúc mang dáng vẻ độc đáo của thiên nhiên như bong bóng, mạng nhện và san hô được áp dụng trong thiết kế dự án. Vẻ đẹp của các công trình kiến trúc giờ đây không chỉ đơn thuần là các vỏ bọc hời hợt mà còn nắm giữ giá trị quý báu của thiên nhiên”, Bosse chia sẻ.

Vào năm 2007, Kiến trúc sư Chris Bosse cùng Tobias Wallisser và Alexander Reick thành lập LAVA – một mạng lưới với các văn phòng thiết kế nằm ở Sydney (Úc), Stuttgart và Berlin (Đức). Studio thiết kế này là hợp nhất nền tảng công nghệ tân tiến với các mô hình kiến trúc lấy cảm hứng từ thiên nhiên và sinh thái, thân thiện môi trường.

Kiến trúc sư Chris Bosse đã đưa tên tuổi LAVA đạt nhiều giải thưởng danh giá về kiến trúc như Trung tâm bơi lội Watercube Olympic tại Bắc Kinh, Trung Quốc là một điển hình. Dự án đoạt giải thưởng Atmosphere Award tại Venice Architecture Biennale lần thứ 9 và giải AIA Jorn Utzon Award dành cho các kiến trúc sư quốc tế. Bên cạnh đó, LAVA còn đoạt giải Kiến trúc Châu Âu 2016 do Trung tâm Thiết kế Nghệ thuật Kiến trúc và Nghiên cứu Đô thị Châu Âu và Bảo tàng Kiến trúc và Thiết kế Chicago Athenaeum trao tặng. Đây là giải thưởng tôn vinh sự cam kết và thành tựu của các kiến trúc sư giỏi nhất châu Âu, những người đã định hướng được cách tiếp cận quan trọng, đầy trí tuệ và nghệ thuật hơn trong thiết kế các tòa nhà và thành phố.

KTS Chris Bosse đã giành được Giải thưởng Kiến trúc sư mới nổi từ RIBA năm 2008 tại Luân Đôn, Anh quốc; Giải thưởng 40 Under 40 năm 2012 và Australian Design Honour của Australian Design Centre tại Sydney hồi năm 2015.

Nhật Hạ - Ảnh: Hiroyuki Oki/Archdaily

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường mẫu giáo sinh thái có kiến trúc đa chiều tại thành phố Vinh