- Thực ra chuyện cai ma túy không quá khó. Chỉ nửa tháng là con nghiện đã không còn bị hành hạ bởi thiếu thuốc, nhưng sau đó có bị tái nghiện hay không mới quan trọng. Có thể nói trên trần gian nầy không gì đáng sợ hơn ma túy. 

Truyện ngắn của Nguyễn Trí: Không còn nước mắt (P.2)

Một Thế Giới | 01/12/2013, 08:30

- Thực ra chuyện cai ma túy không quá khó. Chỉ nửa tháng là con nghiện đã không còn bị hành hạ bởi thiếu thuốc, nhưng sau đó có bị tái nghiện hay không mới quan trọng. Có thể nói trên trần gian nầy không gì đáng sợ hơn ma túy. 

Thằng con tôi vừa về tới nhà là lập tức đã chơi lại ngay trong hôm đó, và chỉ một tuần sau nó đã lụy như chưa bao giờ đi cai, nghĩa là sáu tháng trời hao tốn bao công sức tiền bạc giống như con dê-rô. Hai ông thấy, quanh bọn mình giờ đầy lũ nghiện và bọn mua bán ma túy. Những đứa đã sa chân vô ngữ này nếu bị đày ra đảo hoang thì cũng tìm cách bơi về để kiếm ma túy. Dù tự nguyện hay cưỡng bức, đám cai nghiện chỉ mong được thả về để thử lại ma túy cho thỏa cơn thèm. Vì sao hai ông biết không?

- Ai đã dám đụng tới nó mà biết hay không…

- Tôi từng là con sâu rượu và thuốc lá. Khi con trai bị bắt đi cai nghiện lần thứ nhất, tôi quyết bỏ thuốc. Được hai tuần thì một anh bạn đưa cho điếu Jet. Nghĩ mình đủ bản lĩnh để bỏ một cách dứt khoát nên tôi bèn kéo lại một hơi, ém khói để thưởng thức hương vị sau hai tuần nghỉ chơi. Lúc đó là buổi sáng, bụng trống không, và ngay lập tức cảm giác thăng hoa đến. Hơi thuốc đó rất kì diệu, nó làm đầu óc ta bay bổng, lâng lâng không thể nào diễn tả được. Khoảng năm giây rồi biến mất. Sau đó tôi kéo lại để tìm cảm giác ấy nhưng không thể. Vậy là tôi nghiện lại, lần này hút còn dữ hơn…

Ma túy cũng vậy, nhưng cảm giác đưa con người đến đỉnh thăng hoa cao hơn cả nghìn lần hơi thuốc mà tôi trải nghiệm. Bọn chơi bị tái nghiện chính là do cảm giác này. Tôi đã rù rì hỏi thử và thằng con đã cho biết là, cái cử đầu tiên sau cai nghiện nó sung sướng gấp trăm lần kẻ đang chơi. Ngay lập tức người chơi chạm tất cả cửa thiên đường tùy vào tưởng tượng. Ví dụ anh nghĩ đến làm tình thì  lập tức có một người đẹp như tiên khỏa thân phục vụ tận tình. Anh đang nghĩ đến đua xe, lập tức anh ngồi bên tay lái và phóng hết tốc lực trên đường. Anh có kẻ thù anh muốn báo oán, nó xuất hiện ngay và anh đánh đập, băm vằm tùy thích… Nói chung, ma túy tạo ảo giác thỏa mãn tất cả những ước vọng của kẻ chơi ở đỉnh cao nhất, và kéo dài cả tiếng đồng hồ.

Sau đó anh sống trong cảm giác lâng lâng như đang phê rượu. Ai cũng biết khi uống rượu thì chỉ khi say mèm mới làm chúng ta mệt, còn vừa đủ cho cảm giác hưng phấn,  vui vẻ, đời đẹp lên… thì chính cái này làm ta nghiện. Tôi đã là thằng nghiện suốt bốn mươi năm. Chỉ rượu và thuốc lá thôi mà bao kẻ vỗ ngực khoe khoang bản lĩnh tầm trời còn bó tay một phép. Vì sao? Vì cả hai thứ này giết chết nghị lực và ý chí kẻ sử dụng. Sau đó nó trở thành thói quen, rồi chúng ta tự bào chữa bằng mớ lí luận cùn… Nhưng ma túy hoàn toàn khác, nó không là thói quen mà dữ dội gấp tỷ lần. Khi anh đã nghiện, đến cử mà không có thuốc là ngay lập tức anh bị đày xuống địa ngục…       

Hai ông ít nhiều cũng là kẻ có tiền, thấy con rên siết vì bị ma túy hành là nhắm mắt cho tiền để con qua cơn, rồi sau đó cho đi cai. Hoàn cảnh của tôi bi đát lắm. Tôi phải chạy ăn từng bữa cho cả nhà, bà xã còn bị cao máu thêm chứng suy tim. Đứa cháu nội mà con dâu bỏ lại là cái gánh nặng nhất, tôi phải chạy sữa cho cháu. Vậy mà còn thêm một thằng nghiện thì hai ông thấy có đáng để tự sát hay không? Mà có đứa nghiện ma túy trong nhà chẳng khác chi ta đang nuôi một con hổ mang chúa. Không cái gì mà thằng nghiện không chôm chỉa. Cả sữa của con nó cũng không tha.

Khi nó bị bắt đi cai, vợ chồng tôi thở phào nhẹ nhõm rồi lo chuyện thăm nuôi. Hai mươi bốn tháng cai cưỡng bức, vô vàn những thứ khắc nghiệt. Về tới nhà nó cùng tôi rủ rỉ rù rì, rằng con hối hận lắm rồi, con sẽ làm lại cuộc đời, sẽ phụ ba nuôi cháu, rồi con sẽ lấy vợ khác và báo hiếu cho ba vân vân. Nó nói thôi thì ngọt như mía lùi… Má nó thấy con chuyển ý hồi tâm nên đưa cho vài đồng để bồi dưỡng. Ai ngờ nó cầm tiền và đi tìm bạn cũ, chủ động chứ chẳng ai rủ rê gì. Vậy là nó nghiện lại, lần này nó chơi dữ dội hơn trước nhiều. Và để có tiền, nó làm đủ thứ, trong đó có cả đâm thuê chém mướn cho bọn cho vay nóng.
Một lần do hai bên làm ăn sao đó, một bà chủ thuê nó và hai thằng khác đi chém kẻ cạnh tranh. Vụ việc vỡ lỡ, thằng trực tiếp chém bị bắt, bà chủ phải hầu tòa và bồi thường, may mà tụi kia không khai con tôi ra. Tôi và má nó buồn quá, hỏi nó vì sao lại hư vậy. Hai ông biết nó làm gì không?

- Sao?

- Nó quăng ra tờ kết quả xét nghiệm y tế là nó đã nhiễm HIV…

- Trời!

- Trời cái con khỉ khô. Biết rằng bất kì bà mẹ nào nghe con sắp chết vì AIDS cũng  sẽ thương xót, nó lợi dụng tình mẫu tử, tàn hại trong nhà tôi tới mức cửa sổ, cửa cái nó cũng đục ra đem bán phế liệu… Ông hỏi sao tôi không cản hả? Nó lén cho tôi và má nó uống thuốc ngủ liều cao… Vậy là quá buồn, quá uất ức, bà xã tôi đứt mạch máu rồi đi luôn. Tôi một mình với đám ma vợ, chừng xong cuộc mở thùng phúng điếu ra thì chỉ còn lại phong bì, bao nhiêu tiền nó đã quơ sạch. Hai ông có biết đám nghiện liên kết với nhau với nhau còn hơn cả vợ chồng. Thằng có cho thằng không có chích ké, nguy cơ nhiễm HIV khi vả thuốc chúng cũng chẳng thèm nghĩ. Khi hết tiền nó mò về nhà, lúc này lòng tôi đã lạnh như đá tảng, chẳng biết nói gì nữa nên bỏ mặc, nhà cũng đâu còn gì có thể bán được. Nó bèn nói với tôi:

 - Ba có thể cứu tui lần chót không?

 - Tao làm sao cứu được mày. Chỉ có mày tự cứu thôi.

- Tui xin ông cứu tôi lần nữa. Ông mua một bộ dây xích và ổ khóa… Chỉ có cai sống mới giúp tui thoát khổ nạn nầy. Tui phải sống để nuôi con tui… ba ơi...

***

Nghe con nói vậy già Đức mừng lắm. Có mấy trăm ngàn để nộp học phí cho cháu nội, lúc này thằng cu đã bốn tuổi, già Đức bỏ ra mua dây xích và ổ khóa loại đặc biệt. Ông đục tường nhà xích thằng con lại. Thôi thì biết bao thứ nhiêu khê trong bốn ngày đày đọa. Thằng Độ rên la như con heo bị thọc tiết, rú lên như con bò bị dập nát dái khi thiến. Ngày cũng như đêm, nó bò lê bò toài, đang nằm bật dậy đòi đi tiểu, đưa bô thì không tiểu mà đòi tắm. Ông Đức đưa cả phi nước vô tận nơi cho con xối. Xối xong ông lại đưa bô cho nó đi ngoài, nhưng vừa ngồi xuống nó đã đứng dậy vì có hàng trăm con dòi đang đục trong xương…

Vậy là lại rền rĩ và gào rú, gào rú và rền rĩ. Chịu đựng không xiết, nó xin cha thả ra. Ông cứ thả tui ra, tui chơi rồi chết cũng được. Tui sống thì còn làm khổ ông. Trời ơi thả tui ra, ông là thằng cha khốn nạn… Thả tui ra…

Ông Đức trơ như đá tảng. Thời còn chế độ Sài Gòn, ông quen cả trăm thằng chơi ma túy tưởng như không  thoát được, nhưng sau thống nhất chúng vẫn sống nhăn và trở lại hồn người vì làm gì còn có thuốc mà chơi.

Mặc kệ thằng con chửi bới, ông cương quyết không tháo xích. Và cha con ông trải qua bốn ngày bốn ngày cực kỳ khủng khiếp. Suốt bốn ngày, ông con không ăn được, sữa cũng không uống được, hễ nuốt vào là ói. Qua ngày thứ năm, thằng con nằm yên như xác chết, thoi thóp như kẻ mắc bệnh lâu năm, nhưng ma túy đã ngưng hành hạ. Ông Đức biết mọi sự đã qua. Thế nhưng…

Chữ nhưng đúng là khắc nghiệt. Ông Đức đâu hiểu biết gì về ma túy để phòng bị với kẻ gần như sức tàn lực kiệt. Ngay chính ông sau bốn ngày đêm không ngủ còn gục ngã, huống chi con ông đang bị đọa đày. Phải chi ông tỉnh táo một tí, và ngủ cách xa tầm dây xích một tí thì mọi chuyện đã khác…

Thằng con thấy cha ngủ ngon bèn thò tay vào túi áo lấy chìa và mở khóa. Thời điểm này, sức quyến rủ của ma túy là khỏi nói. Kẻ chơi ma túy chuyên nghiệp hiểu rành rẽ thứ ma lực của  “ma dược” này. Đang ho, đau bụng, đau lưng, nhức xương, thở không nổi… chỉ cần một liều là khỏe ngay tức khắc. Cái mệt tưởng có thể chết được như hoàn cảnh của Độ sau bốn ngày cai sống, nó biết rõ muốn khỏe lại thì chỉ cần một liều… Vậy là trong cơn tối tăm hồn xác, nó móc tiền trong túi cha già và lao đi tìm chỗ chích.

Khi ông Đức tỉnh dậy thì mọi sự đã muộn.

Nhưng vẫn còn may. Chỉ một tuần sau Độ đã bị bắt. Vậy là thêm hai mươi bốn tháng cho lần cai thứ ba.

Ông Đức hi vọng sau lần này sẽ giúp thằng con biết thế nào là lễ độ.

***

Nếu tính tổng cộng thời gian sử dụng ma túy của cả ba thằng con chỉ chừng một năm, nhưng mỗi đứa đã trả giá bằng bảy năm trong trại cai nghiện.

Sau đợt cai nghiện lần thứ ba, mới trở về được một tháng, thằng Chi đã bị thiên hạ đập chết vì đi ăn trộm. Những kẻ này đã đánh nó bằng cây lớn khiến tay chân Chi bị gẫy lặc lìa. Nhìn xác đứa con, ông Xá tận cùng đau đớn nhưng trong lòng lại nhẹ đi như cất được gánh nặng ngàn cân.

Sau đó đến thằng con ông Bình. Thằng này chết bi đát hơn. Nó trở về hôm trước, hôm sau cả nhà mở tiệc ăn mừng. Hầu hết tín hữu trong hội thánh đều đến để, trước là cầu nguyện, sau vui cho ngày nó trở lại làm người. Thằng con có vẻ ăn năn hối cải, nó long trọng hứa với ông bà ngoại, cha mẹ, cậu, dì là sẽ làm lại cuộc đời. Nó nói:

- Con chơi vậy là quá đủ rồi. Nay con quyết làm lại. Xin mọi người tin con.

Là nó tự nói, không ai ép hay động viên cả. Rồi nó mượn chiếc xe 125 phân khối của ông cậu, nói đi dạo chơi tí chút cho khuây khỏa. Nó phóng xe ngang tụ điểm xưa nay phân phối ma túy lẻ. Nó vốn là dân chơi, con nhà có của, với ai chứ với nó bán thiếu không bao giờ lo bị mất.

Thằng con lấy chịu một tép. Nó chia ra làm ba phần. Sau hai năm không đụng vô thứ này cần phải cho nó vào máu từ từ, chớ hấp tấp làm ào nguyên tép là chết ngay tức khắc. Nó phóng một phần ba vô tĩnh mạch và ngay lập tức nhập cửa thiên đường. Phê quá nó miết hết ga. Đường sá thì xe tải chở đất đá xây dựng làm rơi đầy khắp nơi. Xe của nó cán lên một cục đá cỡ bốn sáu, tay lái lạc đâm sầm vô con lươn. Đầu thằng nhóc đập vô tảng bê tông. Chiếc xe lôi nó đi cả hai mươi mét mới chịu ngừng lại, máu me trộn với óc rải đầy trên đường. Người hiếu kì xúm lại, có con nhỏ thấy cảnh ghê rợn quá, ói hết cả mật xanh mật vàng.

Cũng giống như như ông Xá, ông Bình đau xót nhưng cũng thấy nhẹ lòng. Nhưng bà Bình thì không. Có hai đứa con đều chết vì ma túy, bà không chịu đựng nổi. Bà sinh ra ngơ ngơ ngẩn ngẩn, lúc nào cũng cầm quyển Kinh Thánh, cả ngày cứ nhìn và chỉ nhìn quanh quất bốn bên.

- Giờ bà ấy còn không nhận ra tôi - Ông Bình than thở - Đau lòng quá, hai ông à.

Ông Đức cười lớn:

- Đau đớn con khỉ gì. Nó chơi, nó chết, mà chết kiểu gì thì cũng là chết. Cái quan trọng nhất là đối diện với sự chết. Chuyện cai sống của thằng con tôi chỉ là chuyện nhỏ. Sau khi ra trại lần ba…

Tất nhiên là ông con nghiện lại. Lần nầy nó tham gia hẳn vào thế giới bóng tối. Tự làm kiếm tiền để phục vụ cho bản thân. Lâu lâu nó tạt qua nhà hun hít thằng con bảy tuổi và đưa cho ông nội vài đồng. Nó lừng danh trộm đạo và đòi nợ thuê. Ông Đức biết hết nhưng bỏ ngoài tai, cầm bằng như Độ đã chết. Nhưng một hôm nó bỗng về nhà:

- Ba có tiền cho tui mượn đỡ hai triệu được không?

- Tao làm gì có tiền.

- Ông giúp tôi lần nữa đi. Tui hứa sẽ trả trong vòng ba ngày.

- Tao xin mày. Mày để tao nuôi cháu. Tao mà chết đi thì nó sẽ ra sao?

- Ba à, chỉ lần này thôi. Tui cần phải làm để lo cho thân…

- Mày tính làm gì?

- Ông không nên biết, chỉ xin ông giúp tui hai triệu…

Già Đức đành móc hầu bao ra cho Độ. Không đưa cũng không xong với nó, vả lại tiền này là do mỗi lần tạt qua nó gởi để ông lo cho cháu nội.

Nó đi và sau đó về nhà ôm lấy cái võng nằm nghe điện thoại. Mỗi ngày không biết bao nhiêu là cuộc gọi tới. Sau mỗi cuộc, nó trở người dậy và đi. Đi bộ. Ông chẳng biết thằng con đang làm gì, điều quan trọng là nó lại bỏ điện thoại di động ở nhà. Đôi khi có cuộc gọi, ông bật máy và nghe:

- A lô… Độ hả?

- Không, cha của Độ đây.

Nghe vậy là bên kia cúp máy.

Cuối cùng, ông mới biết thằng con bán lẻ ma túy. Mỗi lần đi là đi giao hàng, và cuộc gọi tới là của con nghiện mua hàng. Ông nói:

- Mày buôn bán cái vụ nầy là mọt gông nghe con.

- Ông yên tâm. Cả trăm thằng bán chứ không riêng tui đâu.

- Sao mày không mang điện thoại theo mà để ở nhà.

Độ cười:

- Mang theo lỡ bị tó là khỏi chối việc mua bán ba ơi.

Thấy cha lộ vẻ ngạc nhiên, thằng con phân tích rằng, mang điện thoại theo là tự mình thú nhận việc bán mua. Công an chẳng cần hỏi, chỉ việc để điện thoại trên bàn là có cuộc gọi tới hỏi mua hàng, là chết tức khắc…

Ông Đức chỉ còn biết thở dài.

Giữ đúng lời hứa, chỉ ba ngày sau Độ trả lại số tiền đã mượn của cha, còn cho thêm ông một triệu:

- Ba cầm cái này lo cho thằng nhỏ.

- Mày làm gì có tiền vậy?

Thằng con khoe rằng hai triệu nó lấy được năm phân hàng trắng, về phân ra ba mươi lăm tép, cứ năm phân nó lãi ròng triệu rưỡi. Có ngày tiêu thụ một chỉ hàng, kiếm hai triệu là chuyện nhỏ.

- Trời ơi…

- Ông đừng lo. Tui bán là không bị tó đâu, có tó cũng không có hàng trong người. Cả con ông Phương còn buôn bán vụ nầy…

- Phương nào?

- Thì cha Phương ủy ban chớ ai.

- Con ổng cũng dính à?

- Nó chơi trước tui luôn ông ba ơi.

Ban đầu ông Đức không tin điều con nói là sự thật. Cho đến khi mọi chuyện vỡ lỡ ra thì không phải riêng con ông Phương ủy ban mà con cái những tay khác, chức vụ còn lớn hơn cũng bị ma túy ám.

Hôm đó, bỗng nhiên khan hiếm hàng để cung cấp, nghe đâu bọn phân hàng ở phố lớn bị truy quét dữ dội. Con nghiện chạy đôn chạy đáo như gà mắc đẻ. Hết tốp nầy đến tốp khác lượn xe qua nhà ông để tìm Độ. Già trẻ lớn bé đủ cả. Cả con gái nữa mới đau lòng.

Chưa bao giờ ông Đức thấy con nghiện nhiều như vậy. Chúng tụ lại căn nhà trống hoác của ông mà rền rĩ:

- Độ ơi, mày biết chỗ nào còn giúp anh em một vé …

- Tao lạy mày, Độ ơi…

Hàng trăm cuộc gọi đến những điểm bán lẻ. Cả Độ cũng nằm trong vòng vây khốn cùng.

- A lô…Độ nè… còn cái nào không chia cho anh em với, mình vã quá…

Độ bật dậy chụp chiếc xe đạp cà mèng của cha và phóng đi. Nửa tiếng sau nó quay về với năm tép và một lọ thuốc, như lọ trụ sinh:

- Hàng Tàu à?

- Ừ, không có hàng Tam giác vàng,

 - Mỗi tép hai trăm, thằng nào có tiền thì bỏ ra chung.

 - Được rồi, có còn hơn không.

 Đúng là không gì có giá hơn ma túy. Chỉ kẹt một tí là giá được đẩy lên mây xanh. Bao nhiêu cũng phải chơi, bằng không dòi nó đục trong xương không ai chịu được.

Thoải mái rồi cả đám rút đi. Những kẻ không tiền nhặt chiếc kim tiêm, xin thêm chút nước trong lọ rồi tự bơm vô bắp thịt mình. Quả thật là có chết cả bọn cũng không có gì phải kêu ca:

- Sao lại gọi hàng Tàu hay Tam giác vàng? - Ông Đức hỏi con trai.

- Hàng Tàu thì không phê bằng Tam giác.

- Làm sao phân biệt được?

- Hàng Tam giác vàng chơi vô thì thơm nhãn, hoặc cam… và không bị sốc, còn hàng Tàu phải có thuốc tây phụ trợ.

 -Là lọ này đây hả?

- Dà… có nó thì phê hơn.

- Là thuốc gì?

- Không ai biết đâu ba. Đây là hàng cấm, cả huyện chỉ có hai hiệu thuốc bán, và chỉ dân chơi mới mua được. Họ xé nhãn nên không biết hiệu nó là gì. Con nghe nói nó dùng để ngừa bệnh dại.

Quả là kinh khủng cho dân chơi. Và cũng kinh dị cho thứ lợi nhuận giết người kếch xù. Chỉ phân hàng bán lẻ, Độ kiếm ngày hai triệu là chuyện dễ như bỡn. Nhưng một hôm nó hớt hải chạy về vì bị công an bài trừ tệ nạn truy đuổi. Bọn ma túy luôn lấy các hẻm quanh co làm căn cứ nên rất khó để bắt được chúng.

- Sao chạy vậy? - Ông Đức hỏi.

Thằng Độ văng tục chửi thề rồi kể rằng nó bị tụi canh tranh mật báo với công an.  Rằng bọn kia phân một chỉ ra bốn mươi tép, còn nó chỉ phân ba lăm tép nên hàng chạy hơn. Độ lại lấy toàn hàng Tam giác vàng nên dân chơi chuộng hàng của nó. Bọn kia mất mối nên quyết giết Độ bắng đòn đánh sau lưng.

Nghe đến đây ông Đức thở dài. Nhìn bà Đức trên bàn thờ, nhìn đứa cháu nội tội nghiệp trên cái võng, ông Đức vùng sa nước mắt. Rồi trong cơn sụt sùi, ông nói:

- Vì mày nên mẹ mày mới chết và rồi đây con mày, nếu tao chết nó sẽ ra sao? Tao hận trời xanh, hận cha tao đã đẻ tao ra trên cõi đời này… Mày tệ quá Độ ơi…

***

Sáng hôm sau ông Đức thức dậy thì Độ đã lạnh giá. Nó đã chết. Bên cạnh Độ là kim tiêm và nước cất, thêm năm vỏ ống hút nằm một chỗ. Ông Đức biết Độ đã chơi quá liều. Ai thâm niên lắm cũng chỉ xài hai tép, nay một lần xài năm tép thì rõ là tự sát. Ông biết chắc vậy.

May sao vẫn còn có xóm giềng cám cảnh bần cùng của nhà ông mà rủ nhau phúng điếu. Hai ông Bình và Xá cũng đến vì chỗ thâm tình. Chẳng biết chính xác là nên vui hay buồn trong hoàn cảnh nầy, thôi thì cứ nâng chén lên trăm phần trăm…

- Có một tay nhà văn - ông Xá nói - viết rằng cứ một nghìn thằng cai nghiện thì chỉ một thằng bỏ được. Đúng thật.

Ông Đức cười khà khà:

- Cha nội đó nói sai rồi. Ấp tui có chừng ba chục thằng nghiện, nhưng cũng thoát được một thằng. Lúc đầu tưởng hai, ai ngờ chỉ một.

- Làm sao nó bỏ được hả ông?

- Phê quá, ông nhóc tông xe vô trụ điện, chấn thương sọ não, mù cả hai mắt, ăn uống còn cần người đút, lấy đâu mà chơi với bời.

- Còn tưởng hai là sao?

- Là ấp này trước đây lừng danh đàn anh Chín Cương, đi đâu cũng có súng tự chế trong người. Ảnh là trùm mua bán ma túy, kẻ thù nhiều hơn sao đêm ba mươi. Anh cà nghinh đi xuống Y. Bọn dân chơi ở đó cà khịa. Cương móc súng ra thị uy, ai ngờ đạn lép, bị bọn Y đập cho một trận, lấy tàn thuốc châm nát hai chân, dùng cây đập dập cả đùi và bắp chân… Sau đó  bị liệt, Cương phải lê lết ăn xin ngoài chợ. Bà con cô bác thương tình cho Cương dư ăn dư mặc. Nhà không có, Cương ngủ vỉa hè, tưởng lê lết vậy ma túy không đụng đến. Ai ngờ lúc truy quét bọn bán lẻ mới lòi ra Chín có chơi ma túy. Không có thuốc nó tội nghiệp lắm, lúc đầu nước mắt nước mủi chảy ròng ròng, sau đó sùi bọt mép nằm co quắp như con tôm, run cầm cập. Bà con thấy vậy liền cho tiền. Nhưng tiền để làm gì với kẻ tật nguyền nghiện hút mà không có thuốc… Bọn mua bán ma túy ác lắm, biết Chín xin được nhiều tiền nên dụ Chín chơi. Thằng tật nguyền để tiền làm gì mà không chơi cho thỏa…

Mà thôi, chuyện ma túy thì đoạn trường lắm. Tôi và hai ông vẫn còn may là không bị lũ con cái nổi điên đập búa vô đầu, chớ còn thiên hạ… Mấy ông cứ đọc báo thì biết… Kìa…Dzô đi hai ông…

Giọng già Đức nghe đẫm nước mắt.
Hết
Tác giả - Tác phẩm
Truyen ngan cua Nguyen Tri: Khong con nuoc mat (P.2)
Chân dung tác giả Nguyễn Trí - Ảnh: Nhân vật cung cấp
- Tác giả: Nguyễn Trí quê gốc Quảng Bình nhưng sinh ra ở Bình Định, năm 1956. Ngoài bảy năm đứng trên bục giảng để dạy tiếng Anh, Nguyễn Trí toàn sống với các nghề đậm chất giang hổ: khai thác vàng, khái thác đá quý, đi tìm trầm hương, làm đồ tể… Anh cũng có hai năm làm thuê cho Đài Loan.

Hiện Nguyễn Trí sống ở Đồng Nai với công việc duy nhất: viết. 

- Tác phẩm: Sau 28 tháng cầm bút, Nguyễn Trí đã có 58 truyện in trên các báo, và một tập truyện ngắn: Bãi Vàng - Đá Quý - Trầm Hương do NXB Trẻ ấn hành tháng 4.2013.
Trò chuyện với tác giả
Tôi viết để trang trải

* Anh lý giải thế nào về việc đã “tình cờ” bước vào làng văn?

- Buồn quá nên tôi viết lên giấy để trang trải. Viết xong tôi chẳng biết gởi cho ai, hoặc nhờ ai đọc dùm. Không bao giờ tôi mộng mị mình có thể góp mặt trên Thanh Niên hay Tuổi Trẻ.
Một hôm, tôi ghé vào một nhà sách ở Sài Gòn, gặp hai người trẻ đang trao đổi với nhau một số địa chỉ email. Tôi lén ghi rồi gởi đại, cho bốn nhà văn tên tuổi. Một trong bốn vị là Hồ Anh Thái đã chịu khó đọc, lại còn khen và đem giới thiệu cho Tuổi Trẻ và Thanh Niên.
Tôi đã phóng xe như điên trong một đêm vì mừng vui khi truyện được in báo, lại là báo tầm cỡ. Duyên may là tôi đã gặp Hồ Anh Thái. Đúng là Duyên chị ạ, tôi nghĩ vậy.

* Anh có đọc văn học Việt Nam nhiều không?

- Tôi đọc ít thôi. Đỗ Chu, Nguyễn Khải, Nguyễn Thành Long, Lê Lựu, Nguyễn Thi, Nguyến Đình Thi, Thu Bồn, Nguyễn Quang Sáng, Vũ Thị Thường, Nguyên Hương, Mang Viên Long, Hồ Ngạc Ngữ, Trần Hoài Thư, Dương Nghiễm Mậu, Nhật Tiến… Tôi đọc mỗi tác giả vài cuốn. Ở rừng cao phải có sách chị ạ. Sách, rượu và đàn ghi-ta.  

* “Mọi người đều bình đẳng trước ma túy”. Đó có phải điều anh định nói trong truyện ngắn này? Bởi lẽ xuất thân của các nạn nhân ma túy tuy hết sức khác nhau nhưng đường đi của họ rốt cuộc lại gặp nhau?
- Vâng. Ma túy giết sạch tất cả. Bản lĩnh tầm trời cũng chết với nó. Tôi gan góc cùng mình, nhưng không bao giờ dám giỡn mặt với ma túy. Rượu và thuốc lá so với ma túy chỉ đáng một phần nghìn.

* Anh có ý định đi đường dài với văn chương không?

- Tôi đang đi, còn dài hay không thì tùy mạng số. Biết đâu ngày mai ta chết. Mà chết là sạch bách, chị ạ.
Ngô Thị Kim Cúc


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Truyện ngắn của Nguyễn Trí: Không còn nước mắt (P.2)