TS Đặng Kim Sơn cho rằng, tư duy người lao động ở nông thôn dứt khoát phải có đất và có đất thì dứt khoát phải trồng cây lương thực đã không còn phù hợp nữa. Hiện nay nông nghiệp không phải sinh kế duy nhất của cư dân nông thôn, muốn tích tụ ruộng đất thì phải bỏ tư duy này.

TS Đặng Kim Sơn: ‘Phải thay đổi tư duy người cày có ruộng’

Trí Lâm | 17/11/2016, 11:20

TS Đặng Kim Sơn cho rằng, tư duy người lao động ở nông thôn dứt khoát phải có đất và có đất thì dứt khoát phải trồng cây lương thực đã không còn phù hợp nữa. Hiện nay nông nghiệp không phải sinh kế duy nhất của cư dân nông thôn, muốn tích tụ ruộng đất thì phải bỏ tư duy này.

- Việt Nam là quốc gia có 70% dân số làm nông nghiệp, tuy nhiên, đời sống của người nông dân vẫn khó khăn, nông nghiệp manh mún, nền tảng nông nghiệp vẫn là kinh doanh nhỏ... Theo ông, việc không tích tụ được ruộng đất có phải là nguyên nhân sâu xa của tình trạng này?

- TS Đặng Kim Sơn:Để dẫn đến tình trạng nông dân thu nhập thấp thì có nhiều nguyên nhân như tín dụng, khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng, thị trường, quản lý… Trong đó vấn đề đất đai là một nguyên nhân nổi cộm, trong đất đai thì tích tụ ruộng đất là vấn đề rất quan trọng. Nếu không thay đổi được những vấn đề này thì kinh tế nông thôn cũng như đời sống người nông dân khó có thể cải thiện.

Trên thế giới có nhiều nước có quỹ đất nông nghiệp rộng lớn, rất thuận tiện cho việc canh tác quy mô lớn. Ví dụ như Mỹ, Úc, hay Canada…thì một hộ nông dân của họ có quy mô ruộng đấttới hàng trăm ha hay cả nghìn ha . Ở châu Âu hoặc nhiều nước ở châu Á cũng lên tới cả chục ha. Trong khi đó, tại Việt Nam chỉ có hơn nửa ha, lại còn chia thành nhiều mảnh, rất khó khăn cho việc cơ giới hóa, áp dụng khoa học công nghệ để sản xuất hàng hóalớn.

- Tích tụ ruộng đất là vấn đề bức thiết đặt ra từ nhiều năm nay nhưng vì saovẫn không thực hiện được? Thưa ông?

- TS Đặng Kim Sơn:Câu chuyện đất đai nói chung và tích tụ ruộng đất nói riêng đã có nhiều khúc mắc trong nhiều năm nay nhưng việc xử lý tương đối chậm và chưa hoàn chỉnh.

Nguyên nhân thứ nhất là những khúc mắc trong tư duy. Trước đây, chúng ta sợ phát triển giai cấp bóc lột nên tập trung đất đai vào hợp tác xã, nông trường quốc doanh, cuộc đấu tranh tư tưởng lâu dài cuối cùng mới cho phép chia đất cho nông dân trong thời kỳ đổi mới.

Tuy nhiên, một số quỹ đất nằm trong các nông, lâm trường quốc doanh cũ nay chuyển thành các công ty của nhà nước vẫn bị quản lý trái phép và kém hiệu quả dưới các hình thức cho thuê, cho mượn, giao khoán…, chậm được cổ phần hóa, chậm được chuyển sang quỹ đất phải thuê của nhà nước theo quy định.

Sau đó, quan điểm công bằng kiểu cũ vẫn phổ biến trong suy nghĩ của nhiều nhà lãnh đạo, sợ nếu không đảm bảo đất nằm đều trong tay người cày thì sẽ gây khó khăn về sinh kế cho người nghèo, tạo điều kiện sinh ra bóc lột và gây ra bất bình đẳng xã hội.

Kết quả dẫn đến tình trạng duy trì trong một thời gian dài luật lệ, chính sách hạn điền, thời gian giao đất, nhằm ngăn chặn tích tụ đất qui mô lớn. Lực lượng sản xuất chủ yếu trong nông nghiệp là các hộ tiểu nông, sản xuất nhỏ, manh mún ảnh hưởng đến hiệu quả, năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp.

Một tư duy khác là lo lắng về an ninh lương thực. Thực tế khó khăn trong lịch sử và những biến động kinh tế khó lường trên thế giới củng cố tâm lý muốngiữ vững quỹ đất lúa để có thể đảm bảo lương thực trong mọi tình huống trong tương lai lâu dài, đó là căn cứ để áp dụng các chính sách cản trở việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng lúa sang đa dạng các loại đất nông nghiệp khác. Đây cũng là yếu tố làm cho quá trình sử dụng đất theo cơ chế thị trường chậm lại.

Tích tụ ruộng đất tạo điều kiện cho cơ giới hóa nông nghiệp

- Còn trách nhiệm, năng lực của cơ quan quản lý? Thưa ông?

- TS Đặng Kim Sơn:Ngoài vấn đề tư duy, còn nguyên nhân khác động lực đổi mới trì trệ, năng lực hoạt động yếu kém của một số cơ quan quản lý tạo nên các cơ chế, qui định, thủ tục mang tính xin cho, bao biện, đồng thời lẩn tránh trách nhiệm.

Khác với các hàng hoá khác, mọi giao dịch mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai không chỉ diễn ra giữa người mua và người bán, phải có sự tham gia của bên thứ 3 là cơ quan quản lý đất đai của Nhà nước các cấp.

Các hoạt động đo đạc diện tích, xác định tranh chấp, giám sát tình trạng, mục đích sử dụng, cấp phép sử dụng,… nhất là trong tình trạng thiếu hoàn chỉnh về hồ sơ giấy tờ, cơ sở dữ liệu, tiêu mốc, bản đồ,… có thể làm tăng chi phí giao dịch rất cao, mất thời gian, dẫn đến nhiều yếu tố tiêu cực và rủi ro cho các bên.

Còn nguyên nhân nữa là thị trường đất đai gắn với thị trường lao động, trong khi hiện nay thị trường lao động chưa vận hành một cách thuận lợi. Đa số người lao động từ nông thôn đi ra thị trường lao động là “phi chính thức” tức là không có thuế, không bảo hiểm, không hợp đồng… như làm cửu vạn, xe ôm, osin, buôn thúng bán bưng… hoàn toàn không có gì vững vàng cho tương lai.

Vì thế, tuy không còn làm ruộng nhưng họ vẫn phải giữ đất đai lại, coi như là vật bảo hiểm,gặp khó khăn thì còn có chỗ quay về sản xuất hay bí lắm mới cầm, cố, cho thuê lấy tiền.

Tình trạng bất định của thị trường lao động khiến thị trường đất đai không vận hành được một cách thuận lợi, không linh động để có thể chuyển đổi, tích tụ vào tay những người cần đến và sử dụng hiệu quả nhất.

- Theo ông, giải pháp nào để có thể thực hiện được việc tích tụ ruộng đất?

- TS Đặng Kim Sơn:Trước hết cần phải thay đổi tư duy. Tư duy người lao động ở nông thôn dứt khoát phải có đất và có đất thì dứt khoát phải trồng cây lương thực đã không còn phù hợp nữa. Hiện nay nông nghiệp không phải sinh kế duy nhất của cư dân nông thôn. Chỉ nên hỗ trợ cho những người làm nông nghiệp tốt có điều kiện để tích tụ thêm đất để sản xuất trang trại qui mô lớn. Những người có cơ hội chuyển sang sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp hoặc làm thuê ổn định cần được hỗ trợ bằng chính sách thích hợp để ổn định sinh kế mới.

Chính vì thế, việc đầu tiên là phải tạo điều kiện thông thoáng cho thị trường lao động vận hành. Người lao động dù làm bất kỳ ngành nghề nào cũng cần có nghiệp đoàn,tổ chức, nhà nước hỗ trợ, có tương lai ổn định, gia đình họ phải có được điều kiện sinh sống thuận tiện ở nông thôn cũng như thành thị. Nếu lao động vận hành theo đúng cơ chế thị trường như vậy thì thị trường đất đai mới vận hành theo được.

Cùng với đó, tích tụ ruộngđất phải gắn với vấn đề phát triển nông thôn, có chính sách để có thể thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, hợp tác với nông dân sản xuất lớn, giải quyết vấn đề đầu vào và đầu ra cho nông nghiệp. Quyền sử dụng đất phải được coi là hàng hóa, được chuyển nhượng, thuê mướn, liên doanh theo đúng cơ chế thị trường.

Các thủ tục về đất đai như mua bán, thuê mướn phải được diễn ra một cách thuận lợi giữa hai bên giao dịch với nhau là chính, ít sự can thiệp của bên thứ 3. Vai trò công nhận, xác nhận, tạo thủ tục Nhà nước phải đơn giản hóa một cách tối đa, thực hiện theo cơ chế thị trường với chi phí giao dịch thấp nhất, thời gian nhanh nhất, minh bạch và đơn giản…

Việc tích tụ ruộng đất cũng ảnh hưởng đến lao động nông nghiệp. Từ 50% lao động làm việc trong nông nghiệp hiện nay rút xuống chỉ còn 5-10% trong tương lai thì đa số lao động chắc chắn phải ra đi, nhưng đi đâu, làm gì thì mô hình công nghiệp hóa, đô thị hoá phải được tập trung làm rõ.

Không giải được bài toán này thì đừng nói đến chuyện tích tụ, chuyện hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Khi nông nghiệp đẩy ra, công nghiệp đóng lại thì dường như chỉ có một con đường để lao động có việc làm, đó là đi vào “nền kinh tế dịch vụ”.

- Như vậy cần sửa Luật Đất đai?

- TS Đặng Kim Sơn:Đúng vậy. Nhiều chính sách đất đai cần phải sửa, nếu cần thì phải sửa luật.

- Giải pháp nào để tránh tình trạng lợi dụng cho phép tích tụ ruộng đất để đầu cơ đất đai?

TS Đặng Kim Sơn:Trong luật đất đai, để ngăn chặn việc đầu cơ đất thì những người sử dụng đất phải sử dụng đất hiệu quả. Những người sử dụng sai mục đích thì phải chịu thuế nặng, bị phạt hoặc tước quyền sử dụng. Cần quy định cho từng đối tượng cụ thểví dụ nông dân chuyên nghiệp, nhà đầu tư vào sản xuất nông nghiệp phải được ưu tiên thuê đất, tích tụ đất.

Cùng với đó là hỗ trợ cho các đối tượng sử dụng đất hiệu quả, phạt và ngăn chặn các đối tượng đầu cơ đất đai, sử dụng sai mục đích, làm nghèo, làm hỏng đất đai. Quản lý cẩn thận tình trạng người nước ngoài thuê, mua bao chiếm dài hạn đất nông nghiệp...

Sẽ trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tích tụ ruộng đất

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường:

Tất cả các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân muốn kinh doanh, làm nông nghiệp quy mô lớn đều rất mong sửa Điều 129 Luật Đất đai về hạn điền.

Qua khảo sát thực tiễn, việc bỏ hạn điền cũng không có gì đáng lo và cũng không nên sợ người nông dân mất ruộng thì không có việc làm. Doanh nghiệp, người nông dân đều phải tính đến việc quản trị sao cho phù hợp với trình độ nên họ sẽ không tích tụ đất lớn quá khả năng.

Thực tiễn cho thấy, ở đâu mà nông dân tích tụ vài ba chục ha đất đều có thể sản xuất hàng hóa xuất khẩu được.Quốc hội nên xem lại việc này để tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô thì mới phát triển được.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình:

Phải tích tụ được ruộng đất mà vẫn bảo đảm được quyền lợi của người nông dân. Chúng ta đã có nhiều mô hình thành công, do đó cần tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp. Theo đó, phải bảo đảm chủ trương, chính sách để tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ ngành liên quan chắt lọc, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời gian sớm nhất thông qua hai chủ trương lớn là tích tụ ruộng đất và đẩy mạnh kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình:

Quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất đang thiếu những định hướng và hành lang pháp lý của Nhà nước, chưa tạo được niềm tin vững chắc cho doanh nghiệp và người dân. Điều này hạn chế thực hiện cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, cũng như phát huy lợi thế nền kinh tế hàng hóa trong nông nghiệp.

Không ítnông dân kém nhiệt tình đầu tư vào nông nghiệp, có xu hướng chuyển vốn sang đầu tư ở các lĩnh vực khác hoặc không sản xuất nhưng vẫn giữ ruộng để phòng cơ. Do đó,Nhà nước cần có cơ chế động viên và hướng dẫn cách làm ăn có hiệu quả qua tích tụ, tập trung ruộng đất, khắc phục tâm lý băn khoăn tích tụ, tập trung ruộng đất sẽ dẫn đến bất ổn về xã hội. Gắn quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại lao động ở từng địa phương, từng lĩnh vực trên phạm vi cả nước.

Trí Lâm (thực hiện)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Đặng Kim Sơn: ‘Phải thay đổi tư duy người cày có ruộng’