TS Hiển cho rằng đề xuất hạ lãi suất về 0%/năm thiếu cơ sở khoa học và không phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

TS Đinh Thế Hiển: Đề xuất hạ lãi suất về 0% thiếu cơ sở, không phù hợp thực tiễn

Lam Thanh | 23/06/2021, 14:44

TS Hiển cho rằng đề xuất hạ lãi suất về 0%/năm thiếu cơ sở khoa học và không phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Liên quan đến đề xuất hạ dần lãi suất tiền gửi về mức 0%/năm của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, TS Đinh Thế Hiển chuyên gia kinh tế cho rằng đề xuất này thiếu cơ sở khoa học và không phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

dinh-the-hien.jpg
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển

Ông Hiển cho rằng có sự nhầm lẫn giữa lãi suất của Ngân hàng trung ương (NHTƯ) và lãi suất tiền gửi cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại (NHTM). Đề xuất ấy thiếu tính khoa học, vì các NHTM là doanh nghiệp kinh doanh vốn trên thị trường vốn, họ mua vốn của người dư tiền (huy động) để bán vốn cho người thiếu tiền (vay).

“Đã là thị trường vốn và kinh doanh vốn thì làm gì có việc mua vốn đưa xuống 0%, rồi bán 10% cho người vay. Nếu vậy các tổ chức trung gian khác sẽ nhả ra để làm dịch vụ này”, ông Hiển nêu.

Chuyên gia Hiển cũng cho rằng đề xuất thiếu thực tiễn vì chưa có nước nào mà các NHTM huy động lãi suất 0%.

Hơn nữa, đề xuất có tính lập lờ, từ quan sát góc độ này đưa ra giải pháp góc độ khác. Ví dụ VAFI nói lãi suất huy động của NHTM Việt Nam cao hơn các nước; vậy cụ thể các nước khu vực thì lãi suất bình quân huy động là bao nhiêu? Nếu các nước là 0% thì mới đề xuất bên mình xuống 0%, còn giả sử họ là 3% thì chỉ có thể đề xuất lãi suất nước mình xuống 3% cho bằng họ.

Theo ông Hiển, nếu một nhà nước quyết tâm lệnh các NHTM chỉ huy động lãi suất đồng tiền nước mình xuống 0% thì sẽ làm được, nhưng lúc đó nhà nước đã thực thi chính sách kinh tế phi thị trường một cách cực đoan, đó là chính sách siêu kế hoạch.

“Nước ta đã từng thực thi chính sách kinh tế kế hoạch và đã thất bại, phải đổi mới và đi theo kinh tế thị trường; trong đó thị trường vốn thực sự phát triển từ năm 2020 khi thị trường chứng khoán ra đời, hàng loạt NHTM tư nhân được phép hoạt động... Do vậy hầu như không có khả năng nhà nước ra lệnh cho lãi suất huy động tiền đồng về 0%”, ông Hiển nêu.

Còn về việc đưa lãi suất USD về 0%, theo ông Hiển, do USD không được xem là đồng tiền thanh toán ở Việt Nam, do vậy không nằm trong thị trường vốn kinh doanh chính thức. Tất nhiên để làm được điều này (đưa về 0%) thì còn do nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Tóm lại, ông Hiển cho rằng hiện nay vẫn còn một số vấn đề về kinh tế tài chính không thực sự thị trường (như đồng tiền tự do chuyển đổi...); nhưng xét về lãi suất huy động VNĐ thì nhà nước không thể đưa về 0% theo kiểu ra lệnh, vì điều này sẽ làm sụp đổ thị trường tài chính theo hướng kinh tế thị trường, và sự hội nhập sẽ bị phá sản.

TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cũng khẳng định đề xuất nói trên không khả thi. Theo ông Lực, hiện nay lạm phát kỳ vọng gần 4%, nếu lãi suất tiền gửi hạ về 0%/năm thì người gửi sẽ không thể nhận được lãi suất thực dương, sẽ có nguy cơ sụt giảm rất mạnh lượng tiền gửi của hệ thống ngân hàng, gây ra rủi ro về thanh khoản. Như vậy, ngân hàng sẽ không có tiền để cho vay và cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Cũng theo ông Lực, khi lãi suất quá thấp như vậy người ta sẽ dịch chuyển kênh đầu tư, sang các kênh khác.

Trước đó, VAFI đã kiến nghị rằng lãi suất tiền gửi VNĐ cho kỳ hạn ngắn hạn và trung hạn đang ở mức từ 3,5 - 6,2%/năm là rất cao; đồng thời VAFI đề xuất một số giải pháp để dần lãi suất tiền gửi về mức 0%/năm.

Theo kiến nghị của VAFI, tiền gửi VNĐ cho kỳ hạn ngắn hạn và trung hạn đang ở mức từ 3,5 - 6,2%/năm là rất cao, dẫn đến lãi suất cho vay cũng cao hơn, trở thành bất lợi lớn cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như đông đảo người tiêu dùng thuộc đối tượng thu nhập thấp và trung bình.

Lý giải cho việc lãi suất tiền gửi và cho vay tại Việt Nam vẫn còn rất cao so với các nước trong khu vực và khó có thể hạ nhanh lãi suất tiết kiệm, VAFI cho rằng nguyên nhân cơ bản là Việt Nam chưa có được hệ thống giải pháp kiểm soát dòng tiền tiết kiệm và dòng tiền nhàn rỗi, để hướng nó vào các kênh đầu tư có lợi cho nền kinh tế, đồng thời ngăn chặn nó chảy vào các kênh không có lợi như bất động sản hay ngoại tệ.

VAFI đề xuất một số giải pháp để dần lãi suất tiền gửi về mức 0%/năm như: Xây dựng Luật Thuế tài sản theo hướng hạn chế mạnh dòng tiền đầu cơ chảy vào thị trường bất động sản. Kiểm soát để không cho tăng giá đất, áp dụng thu thuế tài sản lũy tiến từ căn nhà thứ hai trở đi với phương châm ban đầu có thể ở mức thấp đủ để ngăn ngừa dòng tiền đầu cơ sau đó tăng dần như thông lệ các nước. VAFI cho rằng giải pháp này là điều kiện tiên quyết để hạ nhanh lãi suất tiền gửi tiết kiệm.

Giải pháp tiếp theo là hướng mạnh dòng tiền nhàn rỗi chảy mạnh vào thị trường trái phiếu với lãi suất huy động thấp, ở mức dưới 2 %/năm và như vậy hệ thống ngân hàng sẽ huy động được nguồn vốn khổng lồ với kỳ hạn dài để làm cơ sở cho vay trung hạn, dài hạn với lãi suất cho vay thấp dưới mức 5%/năm.

Để làm được điều này, cần sửa chính sách để bỏ thuế chuyển nhượng trái phiếu, thuế lợi tức trái phiếu cho các đối tượng tổ chức, cá nhân đầu tư nhằm góp phần hạ thấp lãi suất huy động. “Tiền gửi tiết kiệm hiện nay không chịu bất kỳ khoản thuế nào nhưng tại sao đầu tư vào trái phiếu lại phải chịu thuế, trong khi huy động vốn dài hạn qua kênh trái phiếu quan trọng hơn rất nhiều so với tiền gửi tiết kiệm ở kỳ hạn ngắn?”, VAFI nêu câu hỏi. 

Theo Hiệp hội, Ngân hàng nhà nước cần rà soát luật hiện hành để đảm bảo khi người dân đầu tư vào trái phiếu do hệ thống ngân hàng phát hành thì được bảo đảm tiền đầu tư như là tiền gửi tiết kiệm, cần thiết phải có chính sách đảm bảo này để hướng được dòng tiền nhàn rỗi vào kênh đầu tư dài hạn.

Một giải pháp nữa là khi lãi suất tiền gửi đã giảm mạnh, để phòng trường hợp một phần dòng tiền nhàn rỗi đầu cơ ngoại tệ, VAFI cho rằng Ngân hàng nhà nước cần ban hành chính sách thu phí tiền gửi ngoại tệ ở mức nhất định nhằm đảm bảo chính sách tỷ giá ổn định và không làm mất cân đối kinh tế vĩ mô… 

Cũng theo VAFI, cần kiểm soát chặt thâm hụt ngân sách hằng năm. Khi qua được đại dịch COVID-19 thì tỷ lệ thâm hụt ngân sách và nợ công cần giảm dần để tăng cường tiềm lực tài chính quốc gia, đủ sức đương đầu với mọi cuộc khủng hoảng có thể diễn ra trong tương lai.

Bài liên quan
VAFI kiến nghị thay lãnh đạo HoSE, cổ phần hóa Sở Giao dịch
VAFI cho rằng thị trường chứng khoán đã bị tổn thương trong 3 tháng qua, thể hiện năng lực quản trị điều hành HoSE thời gian qua còn yếu kém.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Đinh Thế Hiển: Đề xuất hạ lãi suất về 0% thiếu cơ sở, không phù hợp thực tiễn