VAFI tố sàn HOSE yêu kém, cổ phiếu rác bị thổi giá, đồng thời kiến nghị mở chiến dịch làm sạch thị trường chứng khoán.

VAFI kiến nghị mở chiến dịch làm sạch thị trường chứng khoán

Lam Thanh | 12/06/2021, 16:44

VAFI tố sàn HOSE yêu kém, cổ phiếu rác bị thổi giá, đồng thời kiến nghị mở chiến dịch làm sạch thị trường chứng khoán.

Ngày 11.6, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thanh tra Bộ Tài chính với nội dung "cần mở chiến dịch làm sạch thị trường chứng khoán".

chung-khoan.png
VAFI kiến nghị làm sạch thị trường chứng khoán

Sàn HOSE yếu kém, cổ phiếu rác bị thổi giá

VAFI cho rằng sàn HOSE không chỉ yếu kém về quản lý công nghệ thông tin mà còn yếu kém về công tác quản lý giám sát thị trường. Hiện nay có nhiều loại cổ phiếu rác, cổ phiếu lừa đảo, (cổ phiếu kém chất lượng không đủ tiêu chuẩn niêm yết tại sàn HOSE) đang không chỉ tồn tại niêm yết tại sàn HOSE mà còn công khai làm giá, thổi giá để giá trị cổ phiếu cao gấp hàng trăm lần giá trị thực.

“Bọn thao túng giá mua công ty chứng khoán nhỏ để làm công cụ làm giá bằng nhiều thủ đoạn như tạo lập hàng ngàn tài khoản để tạo cung cầu giả tạo; làm giả tài khoản nước ngoài; làm giả báo cáo tài chính; thành lập nhiều công ty ma để thực hiện các hành vi giao dịch giả tạo để đẩy giá chứng khoán; tạo doanh thu lợi nhuận giả, tạo vốn điều lệ giả và ảo cao gấp hàng chục hàng trăm lần số vốn thực có để thực hiện hành vi bán giấy lấy tiền thực..., vì vậy cần thiết phải mở chiến dịch làm trong sạch thị trường chứng khoán”, VAFI nêu.

VAFI đề nghị đi tìm nguyên nhân lý giải tại sao đã qua 20 năm vận hành phần mềm giao dịch do Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan cung cấp mà sàn HOSE không thể làm chủ công nghệ vận hành; tại sao cứ mỗi lần gặp trực trặc là HOSE lại khẩn cấp mời chuyên gia Sở giao dịch Thái Lan sang giải quyết?

Bên cạnh đó, phải tìm hiểu xem chất lượng nhà thầu thường xuyên bảo quản hệ thống giao dịch tại HOSE ra sao? Có lẽ họ không làm chủ được công nghệ vận hành cho nên mỗi lần có sự cố thì họ không giải quyết được?

Theo VAFI, 1 đại diện có thẩm quyền của FPT có công bố họ có thể sữa chữa được tình trạng nghẽn lệnh tại sàn HOSE từ hệ thống phần mềm do Thái Lan cung cấp.

“Vấn đề đặt ra là tại sao ban lãnh đạo HOSE không lựa chọn những đơn vị mạnh về công nghệ thông tin như FPT để làm nhà thầu bảo quản hệ thống giao dịch? Nếu lựa chọn trong 20 năm qua thì chắc chắn rằng FPT dư sức không chỉ làm chủ công nghệ vận hành mà còn có khả năng nâng cấp và tình trạng nghẽn lệnh kéo dài như hiện nay đã không xảy ra”, VAFI nêu.

VAFI cũng dẫn ra rằng có 1 thực tế đối với 1 bộ phận doanh nghiệp nhà nước là thích thuê các nhà thầu không có danh tiếng, những nhà thầu này luôn sẵn lòng chiếu bên A như dễ dàng nâng khống giá trị công trình, chia đậm hoa hồng ở mức rất cao 40%-50%. Vụ án Nhật Cường là 1 ví dụ sinh động về vấn đề này.

Bên cạnh đó, hiệp hội này cũng đề nghị thanh tra dự án làm phần mềm giao dịch mới được cung cấp bởi Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc. Dự án này 10 năm rồi dự án vẫn chưa hoàn thành, vậy cần phải tìm nguyên nhân tại sao dự án tiến hành chậm trễ, rổi giá trị dự án có tăng lên so với ban đầu, nguyên nhân làm cho giá trị dự án tăng lên?

Cùng với đó, phải xác định vai trò của nhà thầu phụ (Việt Nam) trong dự án này, do ai lựa chọn? Chất lượng nhà thầu ra sao? Có khả năng làm chủ công nghệ vận hành hệ thống mới hay không?

“Chúng ta cần phải biết rằng Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc, Thái lan không phải là các doanh nghiệp chuyên về công nghệ thông tin. Họ có mảng IT và có chuyên gia IT giỏi nhưng nhiệm vụ hàng đầu của bộ phận IT này là đảm bảo cho hệ thống của họ hoạt động trơn tru và thông suốt, nhất là trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Sau cùng khi có thời gian thì họ mới làm các công việc phụ khác.

Cho nên bài học rút ra là khi mua công nghệ phần mềm giao dịch nước ngoài thì bộ phận IT sàn HOSE hay nhà thầu quản lý hệ thống phải làm chủ được công nghệ vận hành, phải biết sửa chữa các lỗi phát sinh”, VAFI nhấn mạnh.

Thanh tra cổ phiếu “rác”

VAFI cũng đề nghị thanh tra tình trạng các cổ phiếu rác, thực chất là không đủ tiêu chuẩn niêm yết tại sàn HOSE nhưng được lựa chọn vào chỉ số VN30 trong 6 năm từ 2014-2020. Những cổ phiếu kém chất lượng này có đủ chiêu trò làm giá, thổi giá, thổi vốn điều lệ nhưng không bị ngăn cản phát hiện từ Ủy ban chứng khoán nhà nước, từ HOSE.

“Hầu như tất cả các nhà đầu tư giá trị tránh xa cổ phiếu rác này và chỉ có hàng vạn nhà đầu tư nhỏ lẻ không am hiểu chứng khoán bị dụ lao vào giao dịch để từ đó những chủ doanh nghiệp này có cơ hội bán giấy thu lợi hàng nghìn tỉ đồng”, VAFI nêu.

Cũng theo hiệp hội này, có tình trạng giá cổ phiếu “rác” này thấp hơn nhiều so với mệnh giá cổ phần trong khoảng thời gian dài (dưới 10 ngàn đồng) nhưng chủ doanh nghiệp vẫn tiến hành nhiều đợt bán cổ phiếu mới bằng với mệnh giá cổ phần (như pháp luật quy định).

“Những thương vụ này nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường không mua rổi, nhà đầu tư giá trị cũng không mua vậy thì ai mua, ai tài trợ hay là chỉ là vấn đề được tăng vốn điều lệ để bán giấy?”, VAFI nêu.

VAFI cũng đề nghị thanh tra tình trạng doanh thu lợi nhuận giả , vốn điều lệ khống, thanh tra tình trạng thổi giá chứng khoán thu lợi bất chính.

Hiệp hội này cho rằng có lẽ từ trước tới nay hầu như chưa có nội dung thanh tra toàn diện này tại doanh nghiệp được tiến hành bởi Thanh tra chính phủ, Kiểm toán nhà nước, thanh tra tài chính, thanh tra UBCKNN. Các cuộc thanh tra doanh nghiệp chủ yếu ở nội dung chấp hành về nghĩa vụ thuế, về tham nhũng tại doanh nghiệp.

Đây là 1 khoảng trống trong việc thi hành pháp luật chứng khoán mà bản thân UBCKNN chưa chủ động đề xuất tiến hành 1 cuộc thanh tra nào như nội dung trên.

3 nội dung thanh tra cụ thể

Trong bối cảnh dịch bệnh, VAFI đề xuất cụ thể hóa 3 nội dung thanh tra:

Thứ nhất, thanh tra loại cổ phiếu rác mà các nhà đầu tư giá trị xa lánh, giá trị cổ phiếu dưới mức mệnh giá trong thời gian dài nhưng vẫn huy dộng được “nhà đầu tư chiến lược’’ để mua cổ phiếu mới phát hành bằng mệnh giá, giá phát hành cao hơn giá thị trường từ 40% - 50%.

Hiệp hội này cho rằng không khó để xác định “các nhà đầu tư chiến lược’’ từ cơ sở dữ liệu của Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán.

“Tại sao họ mua cao rồi bán thấp, chẳng nhẽ họ chấp nhận chịu lỗ hàng trăm tỉ hay đó chỉ là thủ tục mua sau đó toàn bộ tiền được rút ra hoàn trả và doanh nghiệp phát hành từ đó có cơ sở bán giấy thu tiền thực? Tại sao UBCKNN, sàn HOSE dễ dàng chấp thuận những đợt phát hành mới kiểu này? Không phải 1 đợt mà rất nhiều đợt diễn ra”, VAFI nhấn mạnh.

Thứ hai, VAFI đề nghị thanh tra việc tạo lập vốn điều lệ khống gấp hàng trăm lần giá vốn ban đầu, sau đó cho doanh nghiệp đó niêm yết và chủ doanh nghiệp bán giấy thu tiền về.

Với loại hình doanh nghiệp này, có bán cổ phiếu với giá 1.000 VND/cp thì họ cũng thu lợi rất nhiều, tuy nhiên không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ tưởng lầm rằng giá đó là rất hấp dẫn. Những dạng doanh nghiệp này thường đối phó để có báo cáo tài chính có vẻ hợp pháp bằng cách gần đến kỳ báo cáo họ tạo lập báo cáo giả để kiểm toán ghi nhận.

Thứ ba, thanh tra 1 công ty chứng khoán làm công cụ làm giá chứng khoán cho những ông chủ của mình. Cần xác định có hàng ngàn tài khoản giao dịch được mượn đứng tên từ người lao động trong doanh nghiệp, người thân thích nhưng giao dịch hàng ngày là do công ty chứng khoán thực hiện.

Không khó xác định khi người có thu nhập bình thường không thể thường xuyên có những giao dịch hàng chục, hàng trăm tỉ. Cần yêu cầu Trung tâm lưu ký cung cấp dữ liệu để xác định những đối tượng đầu tư giả.

Với những công ty chứng khoán không tin cậy thì hầu như không có nhà đầu tư lớn (không có quan hệ với nhóm lừa đảo), nhà đầu tư giá trị mở tài khoản tại đó, từ đó dễ dàng xác định được danh sách các nhà đầu tư giả được công ty chứng khoán sử dụng để thao túng giá chứng khoán.

“Tại công ty chứng khoán này cũng xác định danh sách “ nhà đầu tư nước ngoài’’ đang mở tại đó xác định xem giả hay thật, điều này không khó. Nhà đầu tư nước ngoài giả thường là lao động Việt ở nước ngoài và được lợi dụng.

Cần thiết phải có đợt thanh tra toàn diện như trên để tình trạng thao túng trục lợi cổ phiếu giảm dần, bảo đảm thực thi pháp luật chứng khoán nghiêm minh và tăng cường củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư chứng khoán và cộng đồng các công ty niêm yết, chỉ có cách làm sâu sắc như trên thì thị trường chứng khoán Việt Nam mới thực sự nâng hạng”, VAFI nêu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
VAFI kiến nghị mở chiến dịch làm sạch thị trường chứng khoán