Tiến sĩ Doãn Minh Đăng, nguyên Phó trưởng khoa Điện-Điện tử-Viễn thông của Trường ĐH Kỹ thuật-Công nghệ Cần Thơ, có nguy cơ bị buộc thôi việc sau khi bị lên án là “bôi nhọ” trường trên Facebook.
Giữa tháng 3.2015, ông Đăng bỏ tiền túi đi dự một cuộc hội thảo khoa học ở Hà Nội, chỉ báo cáo với trưởng khoa. Đầu tháng 4, ông bị tạm ngừng chức Phó trưởng khoa, ngày 18.8 được phục hồi chức vụ nhưng ngày 12.10 lại bị cách chức và ngày 4.11 bị chuyển sang Phòng Đào tạo. Ngày 19.11, ông Đăng đưa sự việc nói trên lên mạng xã hội, bị Hiệu trưởng Dương Thái Công đánh giá là “bôi nhọ nhà trường”.
Thật đáng tiếc!
Để khách quan, PV Tiền Phong liên hệ một số nhà khoa học có biết tiến sĩ Đăng và quan tâm sự việc. Bà Trần Thị Ngọc Lan, tiến sĩ Hóa học, giảng viên chính của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) từ năm 1979 đến nay (từ 2010 là giảng viên hợp đồng). Bà mở doanh nghiệp khoa học công nghệ (Công ty TNHH Sinh hóa môi trường Bình Lan- ENBC Binh Lan) chuyên nghiên cứu, cung cấp các giải pháp sinh hóa trong nhiều lĩnh vực và có sử dụng sản phẩm của tiến sĩ Đăng.
Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Lan.
Với sự hướng dẫn của tôi, Đăng đã làm ra hai máy đo quang để đo amoniac và nitrit, các khí độc rất hại cho tôm. Tất cả chi phí đều do Đăng bỏ ra. Hai máy quang đó thành công ngoài sức tưởng tượng. Chúng tôi đã triển lãm sản phẩm này ở Hội chợ quốc tế Analytica Vietnam và mong rằng một ngày nào đó sẽ bán được sản phẩm trí tuệ của mình cho ai muốn đầu tư sản xuất máy đó.
Hiện Đăng cũng đang nghiên cứu ra loại máy đo độ muối và TDS dựa trên công nghệ rất hiện đại. Nhiều lần tôi gợi ý Đăng lên TP.HCM làm việc. Rất nhiều trường muốn nhận một người tài và tâm huyết như vậy. Nhưng Đăng bảo em phải trả nợ quê hương trước đã. Tôi rất tiếc là Đăng đã không có cơ hội để phát huy tài năng và tâm huyết của mình ngay trên quê hương em.
Cần phải làm rõ là Đăng đi học thạc sĩ bằng tiền ngân sách, nhưng học tiến sĩ bằng học bổng tự xin của nước ngoài. Thật đáng tiếc. Ngân sách cũng như người nước ngoài chẳng bao giờ bỏ tiền để đào tạo nhân viên văn phòng của phòng đào tạo đâu”.
“Đúng quy trình”
Hiệu trưởng Dương Thái Công khẳng định quá trình xử lý tiến sĩ Đăng là “đúng quy trình”. Ông nói: “Tôi và Ban Giám hiệu thống nhất sẽ có một cuộc họp báo để làm rõ vấn đề sau khi xin phép UBND thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở TT-TT. Không phải mâu thuẫn gì mà là các vấn đề của anh Đăng trong công tác quản lý cán bộ”.
Về mấy năm tiến sĩ Đăng công tác ở trường, Hiệu trưởng Công đánh giá “anh ấy là một cán bộ nhiệt tình, có năng lực khi cùng xây dựng khoa, trường luôn đảm bảo kế hoạch”. Tiến sĩ Đăng được bổ nhiệm làm Phó trưởng khoa Điện- Điện tử- Viễn thông kiêm Trưởng bộ môn Tự động hóa, vì còn trẻ và thiếu kinh nghiệm “nên chúng tôi nhờ Trường ĐH Bách khoa TP.HCM chi viện Trưởng khoa Trần Hoàng Lĩnh”.
Mẹ của tiến sĩ Đăng nguyên là Phó diám đốc Trung tâm ĐH tại chức, tiền thân của Trường ĐH Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ bây giờ, nên trường “quan tâm bồi dưỡng” quy hoạch tiến sĩ Đăng làm phó hiệu trưởng... Nhưng cuối năm 2014, tiến sĩ Đăng làm đơn ra khỏi quy hoạch và đầu năm 2015, ra khỏi Đảng (kết nạp lúc du học Hà Lan).
Sau đó, tiến sĩ Đăng còn có đơn tố cáo Hiệu trưởng Công về vấn đề tài chính và công tác quản lý, gửi UBND thành phố Cần Thơ. Hiệu trưởng Công nói: “Anh Đăng bóp méo sự thật vì đoàn thanh tra đến xác minh và anh Đăng đã rút đơn tố cáo. Các vấn đề về thu chi tài chính, các quyết định về nhân sự và khen thưởng được niêm yết công khai”. Việc đưa toàn bộ thông tin sự việc của tiến sĩ Đăng lên mạng ngày 19.11, Hiệu trưởng Công cho rằng “bôi nhọ nhà trường, không thể chấp nhận”.
Hiệu trưởng Công nhấn mạnh: “Lãnh đạo trường và cá nhân tôi không mâu thuẫn gì với anh Đăng và mong muốn sử dụng anh Đăng. Tôi lấy làm tiếc khi anh Đăng rời bỏ những cơ hội lớn của mình. Nhưng tôi nghĩ dù ai có tài đến đâu cũng nên khiêm tốn thay vì thể hiện cái tôi quá lớn. Anh ấy có vấn đề về tâm lý. Chúng tôi đã thảo luận, Phòng Tài chính hỗ trợ anh Đăng có thể đi khám sức khỏe và chữa trị nếu có bệnh”.
Đập tư duy trì trệ?
Liên lạc với PV Tiền Phong, tiến sĩ Đăng đề nghị không tô hồng cá nhân ông mà hướng vào việc phân tích môi trường làm khoa học trong nước có những cơ hội và thách thức ra sao. Ông nhấn mạnh: “Viết về thách thức và cơ hội của việc làm khoa học ở Việt Nam thì sẽ có tác dụng mở mang thêm cho người đọc”.
Tiến sĩ Đăng giải thích lý do đưa sự việc lên mạng: “Để làm rõ việc một nhà khoa học bị chèn ép gây khó khăn trong hoạt động khoa học như thế nào. Chuyện cá nhân nhưng mục tiêu của tôi lớn hơn: cần đập tư duy trì trệ cũ kỹ, để đỡ khó khăn hơn cho lớp trẻ đi sau. Tôi cũng không phải là người đi đầu, tinh thần đó tôi được nhận từ những vị giáo sư có tâm với đất nước và với giới trẻ”.
Tiến sĩ Đăng hy vọng sau nỗ lực của ông, các cán bộ khoa học khác trong trường sẽ được đối xử công bằng hơn.
Theo Sáu Nghệ - Hòa Hội/Tiền Phong - Dân Trí