Những ngày sau tết, giá đường bình quân mà Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ bán ra thị trường là 12.500 đồng/kg, trong khi giá đường nhập lậu nằm dưới ngưỡng 12.000 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tình hình sản xuất mía đường năm nay vô cùng khó. Tính đến tháng 1.2018, các nhà máy đường trong cả nước còn tồn kho khoảng 239.000 tấn đường. Giá bán buôn đường trắng dao động khoảng 12.500 - dưới 14.000 đồng/kg…
Giá đường vào thời điểm đầu vụ ép mía (đầu tháng 10.2017) dao động từ 13.000 - 13.500 đồng/kg, giảm từ 2.000 - 2.500 đồng/kg so với cùng kỳ. Nhưng từ đầu năm 2018 đến nay, giá đường chỉ còn khoảng 12.500 đồng/kg…
Ở ĐBSCL, hiện tại nhà máy đường của Long Mỹ Phát (huyện Long Mỹ, Hậu Giang) đã ngưng hoạt động, nhà máy đường Cà Mau cũng tạm dừng sản xuất. Còn nhà máy đường Hiệp Hòa (Long An) cũng đóng cửa mấy tháng nay, còn nợ lương rất nhiều công nhân…
Mộttrong những doanh nghiệp mạnh trong ngành mía đường nhiều năm qua là Công ty cổ phầnMía đường Cần Thơ (Casuco), trụ sở ở tỉnh Hậu Giang, cũng phải than khó. Ông Trần Văn Hùng, Tổng giám đốc Casucocho biết: “Áp lực tồn kho đang đè nặng lên các nhà máy đường”.
Phải chăng đó là lý do mà ngày 21.2, trong cuộc họp đầu năm Mậu Tuất, ông Lữ Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã phải kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong tỉnh mua “giải cứu” lượng đường tồn kho của Casuco?
Vùng nguyên liệu mía ở Hậu Giang- Ảnh: Hồ Trần
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Hùng: “Thực ra việc Casuco đang tồn kho khoảng 30.000 tấn đường vào thời điểm này là chuyện bình thường, năm nào cũng vậy. Bởi sản xuất ra, chúng tôi tiêu thụ đến cả năm”. Theo ông Hùng, Casuco vẫn đã tiêu thụ tốt nguyên liệu mía cho nông dân Hậu Giang trong niên vụ 2017-2018 của Hậu Giang.
Tỉnh Hậu Giang có gần 11.000 héc ta mía, cung cấp nguyên liệu cho Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát và Casuco. Những năm trước, mặc dù thị trường biến động nhưng các doanh nghiệp vẫn bảo đảm có lời. Riêng vụ mía năm 2017-2018 đến nay,tình hình tiêu thụ đường gặp nhiều khó khăn do giá bán liên tục giảm. Và Casuco phải “choàng gánh”, mua hết mía khi Long Mỹ Phát ngưng hoạt động…
Theo ông Trần Văn Hùng, chuyện tồn kho là không đáng lo.Ngành đường có yếu tố chu kỳ khá rõ ràng, khi lượng tiêu thụ tăng mạnh từ tháng 9 và tháng 10, giảm lại trong tháng 11 và tháng 12, để rồi đạt đỉnh điểm về lượng cung (có lúc lên đến 150.000 tấn/tháng) vào tháng 1, 2, sau đó lại sụt ở mức trung bình vào những tháng còn lại hằngnăm…
Nhưng cái khó hiện nay mà Casuco đang gặp phải là chuyện đã “gào khản cổ” bấy lâu: đó là đường nhập lậu! Đường là mặt hàng thiết yếu, tất cả mọi gia đìnhđều phải dùng hằng ngày thì không lo chẳng có khách hàng. Nhưng quan trọng là chuyện cạnh tranh không lành mạnh.
Nhà máy đường Vị Thanh của Casuco- Ảnh: Hồ Trần
“Giá bán của công ty không thể cạnh tranh với đường lậu, trong khi người tiêu dùng có tâm lý thích hàng rẻ. Ít người biết rằngcó rất nhiều vấn đề phức tạp với đường nhập lậu, ngay từ chất lượng…”, ông Hùng nói. Giá và sức tiêu thụ giảm gây ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận, và tác động dây chuyền là sẽ giảm giá mua mía của nông dân…
Nếu như những năm trước, chính các nhà máy trong nước cạnh tranh nhau mua mía, khiến giá thành tăng, càng khó cạnh tranh với đường Thái Lan nhập lậu, thì nay chuyện “xà xẻo” nội bộ hầu như không còn. Vấn đề chính hiện nay là đối phó với đường Thái Lan nhập lậu, không thuế phí và nhiều“chiêu thức” để có giá rẻ.
Khi nhập lậu đường Thái Lan về Việt Nam, ngoài các chiêu gian lận thương mại, nhiều cơ sở đã trộn với đường giá rẻ, thậm chí dùnghóa chất để biến thành đường trắng tinh, bắt mắt nhưng giá rẻ. Nhiều người tiêu dùng chỉ tinvào giá chứ không cần biết chất lượng.
Hồ Trần