Theo TS Lưu Bình Nhưỡng, “nếu cơ quan chức năng, cơ quan dân cử, mặt trận tổ quốc, báo chí… cùng vào cuộc chẳng lẽ không xử lý được “xe dù bến cóc”? Giặc chúng ta còn đánh được nữa là tình trạng này”.
Tại tọa đàm "Giải pháp nào để xóa xe dù bến cóc" ngày 23.11 do Cổng Thông tin điện tử chính phủ tổ chức, TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu quốc hội khóa 14 cho rằng sở dĩ có tình trạng "xe dù bến cóc" do hội chứng lợi ích.
"Những người phá vùng, phá tuyến, phá thể chế, phá rào cản, phá quy định và sẵn sàng hoạt động trên cơ sở tự thân, tự ý của mình làm ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội chứ không chỉ ảnh hưởng đến giao thông", ông Nhưỡng nêu.
Ngoài ra, ông Nhưỡng cho rằng vấn đề này xảy ra do "ý thức tuân thủ pháp luật thấp" và liên quan đến cả ý thức trách nhiệm của chính nhà xe, hành khách, ý thức của tài xế, rồi cả cơ chế phân chia lợi ích trong phạm vi nội bộ của công ty và doanh nghiệp vận tải.
TS Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng việc tổ chức và bố trí những bến xe tương đối xa khu vực mà người dân đang sinh sống là một bất cập. Ngoài ra, rất nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn, không quan tâm bố trí các điểm đón - trả khách.
“Chúng ta cứ đổ lỗi cho lái xe, doanh nghiệp. Tất nhiên doanh nghiệp là những người kinh doanh, họ cầu lợi, nên tôi cho rằng nhu cầu đó hết sức chính đáng. Chỉ có điều chúng ta quy định pháp luật và thực thi pháp luật như thế nào cho hiệu quả”, ông Hùng nói.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó cục trưởng Cục Đường bộ (Bộ GTVT) cho rằng xe dù bến cóc là một vấn đề "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" nhưng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào để xử lý dứt điểm. Trong thực tế, không có một giải pháp chung áp dụng cho mọi thành phố hay mọi tỉnh, mà mỗi địa phương tùy theo điều kiện giao thông của mình để đưa ra các giải pháp phù hợp.
Ví dụ ở TP.HCM, vừa rồi chuyển đổi vị trí của Bến xe miền Đông cũ sang Bến xe miền Đông mới. “Nhưng với hàng nghìn tuyến xe cố định, khi chuyển đổi đã thay đổi thói quen đi lại của người dân rất lớn, việc chuyển đổi chưa hợp lý. Việc tổ chức từ Bến xe miền Đông cũ sang Bến xe Miền Đông mới và tổ chức giao thông công cộng cho người dân để kết nối các phương thức vận tải cũng chưa kịp thời. Các xe sẵn sàng vào bến nếu có khách”, bà Hiền nêu.
Theo thống kê, xe tuyến cố định chỉ có 18.344 chiếc nhưng xe hợp đồng là 222.783 chiếc, gấp 12 lần so với xe cố định, thì rõ ràng khi tuyến cố định không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, người ta phải chuyển sang phương thức khác hoặc là xe buýt hoặc là xe hợp đồng. Chính cách tổ chức bến xe chưa hợp lý dẫn đến cơ hội cho những đơn vị hoặc cá nhân tạo ra bến cóc, xe dù hoạt động nhiều hơn.
Đề cập đến vấn đề bảo kê, TS Lưu Bình Nhưỡng cho hay ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch Hà Nội) trước đây đã nói đến hiện tượng này. Không chỉ bảo kê nhà hàng, khách sạn, hay quán bia mà còn bảo kê cả những bến xe, bãi đỗ tự lập ra.
Theo ông Nhưỡng, loại bảo kê thứ nhất là bảo kê mang tính quyền lực, tức là bảo kê của các cơ quan công quyền, của những lực lượng chức năng, thậm chí của một số cá nhân cán bộ biến chất.
“Gần đây nhất chúng ta biết báo chí đưa tin một đại úy công an tại TP.HCM, cũng bình thường thôi, một cấp rất nhỏ trong lực lượng, mà sẵn sàng lập ra đến 47 công ty nhập khẩu, trốn thuế. Chúng ta thấy chỉ một cán bộ thôi mà có thể đứng ra làm những chuyện đó”, ông Nhưỡng nêu.
Loại bảo kê thứ hai, theo ông Nhưỡng là bảo kê ngoại biên, dựa vào sức mạnh và quan hệ xã hội. Đó chính là các băng nhóm xã hội đen.
“Câu chuyện này không thể không có và chúng ta biết một nhóm có thể thành lập ra bãi đỗ, bến đỗ và tự thu tiền. Ở Hà Nội đã xảy ra rất nhiều. Nhiều người dân trả tiền cho nhà xe ít nhưng đến bến đỗ, bãi đỗ của chúng (băng nhóm xã hội đen) thì phải trả thêm nhiều, có khi hàng trăm nghìn đồng. Có cả hai vấn đề đó, và nếu tính cả 2 loại bảo kê đó thì đều phải xem xét trên bình diện pháp luật”, ông Nhưỡng nói.
Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng nêu quan điểm, người dân không thể không có trách nhiệm. Nếu người dân có ý thức thì cần hợp tác và báo cho cơ quan chức năng qua hệ thống đường dây nóng, đặc biệt là hệ thống quản lý hành chính 113 để các cơ quan chức năng xử lý. Thông báo 1 lần, thậm chí lần thứ 2, thứ 3, để các cơ quan vào cuộc thì đương nhiên sẽ có kết quả tốt.
“Hiện tượng này diễn ra từ rất lâu nhưng các cơ quan dân cử không giám sát đến nơi đến chốn. Nếu cơ quan dân cử ở trung ương là quốc hội, ở địa phương là hội đồng nhân dân, cùng với giám sát của mặt trận tổ quốc và giám sát của báo chí… cùng vào cuộc, chẳng lẽ không xử lý được mấy cái xe dù bến cóc? Chúng ta không thể nói là khó khăn đến mức "không xử lý được". Giặc chúng ta còn đánh được nữa là tình trạng này”, ông Nhưỡng nói.
Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh cho hay, trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm, phải lắp đặt nhiều hệ thống camera giám sát. Chúng ta không có đủ lực lượng để xử nóng, xử ngay trực tiếp lúc đó thì sẽ xử lý vi phạm qua hình ảnh đã được ghi lại để nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông.