Ngày 17.10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo “Pháp luật Việt Nam đã sẵn sàng cho hội nhập?”.

TS Nguyễn Đình Cung: Doanh nghiệp không được ai bảo vệ

17/10/2019, 18:21

Ngày 17.10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo “Pháp luật Việt Nam đã sẵn sàng cho hội nhập?”.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - Ảnh: LT

Việt Nam đã tham gia vào hàng loạt các FTA, tuy nhiên, TS Nguyễn Đình Cung lại cho rằng doanh nghiệp Việt khó tận dụng cơ hội do những rào cản đến từ… bên trong. Việt Nam mới chỉ chú ý đến vấn đề mở cửa, hội nhập mà chưa chú trọng tới việc cải thiện môi trường quốc nội.

“Doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang mở rộng thị trường nhưng họ lại đang bị trói, vì thế những cơ hội do hội nhập mang lại không được tận dụng. Trói ở chỗ không tiếp cận được cơ hội kinh doanh, nguồn lực và thực thi pháp luật – rất bất định. Ở mức độ nào đó, quyền tự do kinh doanh đã được cải thiện nhưng sự an toàn trong hoạt động kinh doanh ở Việt Nam vẫn chưa được cải thiện. Chính vì không an toàn nên ứng xử về đầu tư của doanh nghiệp vẫn thiên về ngắn hạn, nhỏ lẻ, thiếu chiến lược, quy mô lớn. Ta càng hội nhập bao nhiêu, ta càng có thể thua nhiều bấy nhiêu”, ông Cung phân tích.

Ông Cung cho rằng hệ thống pháp luật, hệ thống của Việt Nam là 1 luật, 10 nghị định, 100 thông tư, chưa kể các văn bản điều hành xin cho hàng ngày.

“Chỉ riêng Văn phòng Chính phủ mỗi năm có 3.500 – 4.000 văn bản điều hành. Các bộ, các ủy ban cấp tỉnh/thành, các sở, tôi tin cũng như thế. Nghĩa là ta điều hành hằng ngày bằng hành chính, pháp luật của ta thực hiện bằng hành chính thực thi, thực thi theo chiều dọc chứ không phải chiều ngang”, ông Cung nói.

Chuyên gia này nhận định, luật không đổi, nghị định có thể đổi; nghị định không đổi, thông tư có thể đổi; thông tư không đổi, các quy định bên dưới có thể đổi, cho nên doanh nghiệp không biết khi nào đúng, khi nào sai. Tất cả điều này dẫn đến bất ổn trong kinh doanh. Nhưng doanh nghiệp lại không được ai bảo vệ cả. Tòa án không phải là nơi bảo vệ cho những tranh chấp thế này. Vì thế, cảm nhận của doanh nghiệp là hoạt động kinh doanh rất rủi ro”, ông Cung chỉ ra.

“Vấn đề của chúng ta là có luật chiều ngang - các luật chồng chéo và mâu thuẫn nhau, đúng luật này thì sai luật kia. Ví dụ trong lĩnh vực đầu tư tạo tài sản mới, ta có 10 luật như: Đất đai, Môi trường, Đầu tư, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản… lâu nay chưa có cải cách nào. Chúng ta có gia nhập thị trường nhưng việc tạo tài sản này lại không có những cải cách, bởi vì chỗ này có quá nhiều quyền lợi, cứ sửa một ông lại đụng tới một ông khác cho nên không sửa được.

Muốn sửa cái này thì không thể để một Bộ sửa được mà phải có một nhóm chuyên gia độc lập, có sự chỉ đạo của một Phó thủ tướng. Sở dĩ nói vậy vì tôi đã nhảy vào việc này rồi mà vẫn bật ra, không thể vào đó. Phải có một thế lực thì mới giải quyết được vấn đề luật chiều ngang này”, ông Cung chia sẻ.

Dẫn ví dụ, đối với quy định đầu tư ra nước ngoài, ông Cung nói: “Hàng bao nhiêu nước đầu tư vào Việt Nam, có ai có giấy đầu tư vào Việt Nam đâu, duy nhất Việt Nam có loại giấy này.

“Tôi lấy một ví dụ, một sinh viên Việt Nam du học nước ngoài, làm startup bên đó thành công rồi, giờ muốn quay về đầu tư ở Việt Nam. Nhưng khi đó, người sinh viên này sẽ bị hỏi giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài mà cơ quan Việt Nam cấp cho anh đâu? Không có thì không thể đầu tư vào Việt Nam được. Đó, luật có những cái như thế”, ông Cung nói.

Một quy định không hợp lý khác được ông Cung chỉ ra là chấp thuận chủ trương đầu tư. “Chấp thuận chủ trương là gì? Là cơ quan nhà nước chấp thuận về mục tiêu. Ôi tại sao lại chấp nhận mục tiêu đầu tư? Chỉ có thể chấp nhận quy mô, tiến độ, các điều kiện khác thôi chứ? Nguyên tắc của kinh tế thị trường là sản xuất cái gì, cho ai, bao nhiêu, ở đâu đều do thị trường quyết định. Mình cứ đặt quy định này… nó phi thị trường, can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, nhiều doanh nghiệp phản ánh pháp luật có nhiều thay đổi nhưng vẫn phức tạp, trung bình 1 luật có tới 10,5 nghị định, 37 thông tư của các bộ, ngành, nên quy định từ luật có thể thuận lợi nhưng xuống nghị định, thông tư lại không còn được đảm bảo.

Đặc biệt, ông Tuấn cho rằng các doanh nghiệp còn bị “ám ảnh” bởi vấn đề hồi tố, khi các quy định áp dụng khác nhau, khiến doanh nghiệp có thể một ngày bị cơ quan nhà nước yêu cầu nộp lại một khoản tiền lớn… Ngoài ra, với những mô hình kinh doanh mới, Việt Nam còn tương đối lúng túng. Hiện pháp luật có 2 xu hướng với mô hình kinh doanh mới, một là dùng mô hình cũ áp dụng vào, hai là “mặc kệ”.

Do đó, chuyên gia này cho rằng, các giải pháp xây dựng pháp luật trong thời gian tới cần loại bỏ những quy định không minh bạch, tiếp tục giảm rào cản gia nhập thị trường, bảo vệ quyền tự do kinh doanh, chống lợi ích nhóm, chống chồng chéo pháp luật, tăng cường công khai, lấy ý kiến doanh nghiệp, người dân.

“Đặc biệt, những văn bản luật có ảnh hưởng rộng rãi như các luật thuế thì không nên làm theo quy trình rút gọn để đảm bảo cho người dân và các đối tượng có liên quan được tham gia góp ý trong quá trình xây dựng văn bản luật”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Nguyễn Đình Cung: Doanh nghiệp không được ai bảo vệ