Theo TS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc quốc gia, Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, mục tiêu tiêm phòng cho 70% dân số từ nay đến cuối năm, kể cả khi có thoải mái vắc xin để tiêm thì cũng khó đạt được.

TS Nguyễn Thu Anh: Mục tiêu cuối năm 70% dân số tiêm vắc xin khó đạt

Lam Thanh | 20/06/2021, 07:05

Theo TS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc quốc gia, Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, mục tiêu tiêm phòng cho 70% dân số từ nay đến cuối năm, kể cả khi có thoải mái vắc xin để tiêm thì cũng khó đạt được.

Giải pháp nào để mua vắc xin?

Cho đến cuối tháng 4.2021, Việt Nam luôn được ca ngợi như một điển hình chống dịch COVID-19 thành công nhờ các biện pháp truy vết, khoanh vùng, dập dịch quyết liệt.

hoi-thao.jpg
Các chuyên gia thảo luận tại tọa đàm

Làn sóng dịch thứ 4 với số ca nhiễm lớn gấp đôi so với ba làn sóng trước cộng lại, hơn thế đa số được phát hiện trong cộng đồng và các khu công nghiệp, cho thấy hiệu lực của những biện pháp chống dịch trước đây đã bị suy giảm đáng kể.

Điều này đòi hỏi một chiến lược phòng chống dịch hoàn toàn mới, trong đó vắc xin đóng vai trò quyết định trong chiến lược chuyển từ “phòng thủ” sang “tấn công” theo tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ.

Thế nhưng thực tế là cho đến nay, Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin COVID-19 thấp nhất, mới chỉ đạt 1,3% dân số. Điều này tương phản với tỷ lệ 98% dân số muốn được tiêm vắc xin - là tỷ lệ cao nhất thế giới theo kết quả một cuộc khảo sát đăng trên The Lancet – một tạp chí y học hàng đầu.

Đẩy nhanh tốc độ tiếp cận vắc xin, vì vậy, phải trở thành ưu tiên chính sách hàng đầu của Việt Nam trong chiến lược chống COVID-19. Trong chiến lược này, Nhà nước đóng vai trò quyết định nhưng đồng thời cũng có nhiều không gian cho sự tham gia của khu vực doanh nghiệp và xã hội.

Tại tọa đàm về mở rộng nguồn tiếp cận vắc xin do trường Chính sách công và quản lý Fulbright tổ chức ngày 19.6, TS Nguyễn Thu Anh - Giám đốc quốc gia, Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam - Giảng viên Lâm sàng cao cấp, Đại học Sydney, Úc cho rằng phải thừa nhận Chính phủ, Bộ Y tế đã rất nỗ lực trong việc đưa vắc xin về Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam chưa tiếp cận cũng như phê duyệt sớm vắc xin, nhưng ngoài ra, kể cả khi ta tiếp cận sớm thì liệu có mang được hàng về hay không vì người bán họ găm hàng? Tình hình dịch tễ ở Việt Nam thấp nên rất khó được ưu tiên mang hàng về nên cần phải có cách tiếp cận rất khác.

Cách tiếp cận khác này, theo ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên cao cấp, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Nhà nước phải sẵn sàng nguồn lực tài chính, chấp nhận mua vắc xin với giá bằng hoặc cao hơn giá trung bình trên thị trường quốc tế.

“Ví dụ Pfizer Mỹ trả 19,5 USD thì chúng ta cũng trả giá đó. Chính phủ cần tính toán điều này. Có 1 thuận lợi là các nước giàu thì họ đã tiêm rồi và họ đã “nhả” vắc xin ra nên sắp tới nguồn cung sẽ rộng rãi hơn. Chi phí mua vắc xin có thể rơi vào khoảng 900 triệu USD nhưng như năm ngoái ta kiểm soát dịch khá tốt nhưng thiệt hại kinh tế đã rơi vào khoảng 15 tỉ USD", ông Thành nói.

Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ Y tế đang khuyến khích các doanh nghiệp, địa phương tham gia mua, nhập vắc xin. Nếu Chính phủ đứng ra mua vắc xin, thủ tục sẽ mất nhiều thời gian. Khối tư nhân mua vắc xin sẽ rút ngắn tối đa thủ tục và thời gian. Nhưng nhiều hãng sản xuất chỉ đàm phán với chính phủ. Vì vậy, Việt Nam cần sớm hình thành cơ chế đàm phán ba bên là chính phủ, doanh nghiệp, nhà sản xuất.

Cũng theo ông Thành, Việt Nam đã đàm phán với nhiều hãng nhưng chưa có cam kết thời gian giao hàng cụ thể. Bộ Y tế cần tiếp tục quyết liệt thúc giục các hãng giao hàng sớm. Việt Nam sẵn sàng trả giá cao để được giao hàng trước.

Mục tiêu tiêm 70% dân số vào cuối năm là khó

Theo bà Thu Anh, với mục tiêu tiêm 70% dân số từ nay đến cuối năm, kể cả khi có thoải mái vắc xin để tiêm thì cũng rất khó đạt được. Theo số liệu thế giới tính theo tỷ lệ dân số, tốc độ các nước phát triển tiêm được, tiêm nhanh thì khoảng 500 nghìn liều trên toàn quốc/ngày và để nước ta đạt được mức đó thì rất khó.

“Cần lưu ý giai đoạn đầu người dân rất hào hứng để tiêm, nhưng sau khi tiêm xong thì sẽ xuất hiện các tác dụng phụ, thậm chí nếu có người tư vong thì người dân sẽ rất hoảng sợ và tốc độ tiêm sẽ giảm.

Do đó, tôi cho rằng cần có chiến lược khác, ưu tiên vào địa phương, khu vực, doanh nghiệp có nguy cơ bùng dịch cao nhất. Nguy cơ không dựa trên số ca phát hiện mà phải dựa trên đặc thù công việc và nguy cơ phơi nhiễm, nơi nào nguy cơ cao thì tập trung vào đó trước. Bên cạnh đó, ưu tiên cho những người có nguy cơ tử vong, có bệnh nền, người cao tuổi để giảm tải cho hệ thống y tế”, bà Thu Anh nêu.

ht.jpg
TS Nguyễn Thu Anh phát biểu

Ngoài ra, sắp tới phải huy động hệ thống tiêm chủng rộng khắp. Ngoài các điểm tiêm chủng cố định, cần nghiên cứu để thiết lập các điểm tiêm chủng di động nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn cho người dân. Bộ Y tế cần sớm hướng dẫn, tập huấn quy mô lớn và hỗ trợ cho hệ thống tiêm chủng tuyến dưới cho thời gian tới…

Nhà nước cần đầu tư cho tư nhân nghiên cứu 

TS Nguyễn Thu Anh cho rằng Việt Nam cần đầu tư vào chiến lược nghiên cứu vắc xin bài bản, dài hạn, bởi lẽ dịch COVID-19 vẫn còn tồn tại rất lâu trên thế giới và cũng không phải là đại dịch duy nhất trong tương lai. Để thực hiện chiến lược này cần có chương trình đầu tư công lớn. Trong đó khuyến khích khối tư nhân tham gia đầu tư và tạo thuận lợi cho họ tiếp cận nguồn đầu tư công…

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa - Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam nhận định, 30 năm cải cách của Việt Nam đã có sự đổi mới, khu vực tư nhân được cởi trói hơn, vai trò Nhà nước thì được định nghĩa lại.

“Với 100 triệu dân, Việt Nam cũng không phải là nước nhỏ, không thể lệ thuộc hoàn toàn vắc xin vào nước ngoài, khi có dịch là chạy đi mua mà việc đảm bảo an toàn, tự chủ về y tế cho người dân đã là một thách thức”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Theo ông Nghĩa, hệ thống pháp luật cũng như quản trị nhà nước phải thay đổi. Cần tạo điều kiện hình thành các trung tâm nghiên cứu của tư nhân, nhưng phải được Nhà nước hỗ trợ, đầu tư và Nhà nước phải chấp nhận rủi ro có thể mất tiền.

Do đó, Nhà nước phải sáng tạo, dùng các công cụ mới. Có thể hình thành một đạo luật vắc xin từ nghiên cứu, tài trợ, cho đến lưu hành, đưa vào tiêm và sau tiêm. Không chỉ COVID-19 mà còn các dịch bệnh khác. Sức khỏe của nhân dân là sứ mệnh Nhà nước phải đảm bảo.

Trong ưu tiên đó, Nhà nước phải nâng đỡ những sáng tạo tư nhân. Thường thì tiền là của công, Nhà nước đầu tư cho việc sáng chế vắc xin nhưng bằng sáng chế là của tư nhân, cần cho họ quyền khai thác sở hữu trí tuệ đó để kiếm lãi, nhưng cần có cam kết chặt chẽ. Do đó, những hợp đồng về vắc xin thường không được công khai vì có rất nhiều ràng buộc.

Về thắc mắc vắc xin là hàng hóa công hay tư, theo ông Nguyễn Xuân Thành, vắc xin có tính “tranh giành”, “rào cản”, muốn có vắc xin phải bỏ tiền ra mới mua được nên nó không phải hàng hóa công, nhưng nó lại có đặc tính mang lại lợi ích công cộng.

“Anh tiêm vắc xin 1 phần dành cho anh nhưng lợi ích lớn là cho cộng đồng. Nếu chỉ mình anh tiêm thì lợi ích không đáng bao nhiêu, nhưng cộng đồng tiêm thì đạt được miễn dịch cộng đồng, lợi ích rất lớn. Bản chất hàng hóa vắc xin hoàn toàn có thể thương mại hóa nên vì lợi ích cộng đồng, Nhà nước phải tài trợ cho nghiên cứu vắc xin, trợ giá, tiêm vắc xin miễn phí hoặc giá thấp hơn so với giá thị trường, thậm chí thấp hơn so với chi phí sản xuất để khuyến khích người ta tiêm”, ông Thành nói.

Bên cạnh đó, ông Thành cho rằng Nhà nước cần đầu tư hỗ trợ cho các hãng dược tư nhân, các trung tâm nghiên cứu dược, Nhà nước lập ra đề án rồi rót tiền cho nghiên cứu.

Bài liên quan
Nhà sản xuất vắc xin COVID-19 có mặt đầu tiên ở Việt Nam được vinh danh
AstraZeneca vừa chính thức trở thành 1 trong 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024, trong đó, công ty ở vị trí thứ 5 toàn ngành dược và thứ 35 trong số những nơi làm việc tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
29 phút trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Nguyễn Thu Anh: Mục tiêu cuối năm 70% dân số tiêm vắc xin khó đạt