Theo TS Nguyễn Thu Hạnh, “căn bệnh thế kỷ” đang khá phổ biến của người dân tại các nước đã và đang phát triển hiện nay là cô đơn, bế tắc, mất niềm tin. Một trong những giải pháp được bà Hạnh đề nghị là chú trọng hơn “du lịch chữa lành”.
Nhịp đập khoa học

TS Nguyễn Thu Hạnh: 'Căn bệnh' cô đơn, bế tắc, mất niềm tin… đang dần phổ biến

Lam Thanh 21:17 27/01/2024

Theo TS Nguyễn Thu Hạnh, “căn bệnh thế kỷ” đang khá phổ biến của người dân tại các nước đã và đang phát triển hiện nay là cô đơn, bế tắc, mất niềm tin. Một trong những giải pháp được bà Hạnh đề nghị là chú trọng hơn “du lịch chữa lành”.

Báo cáo Hạnh phúc toàn cầu xếp hạng về mức độ hạnh phúc của hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới năm 2023, Việt Nam đứng thứ 65 trong bảng xếp hạng, tăng 12 bậc.

Bảng xếp hạng hạnh phúc toàn cầu được đưa ra dựa trên các chỉ số cơ bản như: tuổi thọ, sức khỏe, thu nhập bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội trong thời kỳ khó khăn, mức độ tham nhũng và lòng tin xã hội. Các yếu tố khác cũng được xem xét đến gồm có độ rộng lượng của cộng đồng và việc người dân được tự do đưa ra các quyết định quan trọng trong cuộc sống…

Theo TS Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch bền vững (STDe), trong các chỉ số trên, sức khỏe thể chất và tinh thần (thân - tâm - trí) của mỗi người dân trong quốc gia là yếu tố cốt lõi đặc biệt quan trọng để tạo động lực để làm ra của cải vật chất xã hội; tạo ra các mối quan hệ hòa ái, bền vững giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên và vũ trụ.

Bà Hạnh chia sẻ, cách đây 9 năm, nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20.3.2015, STDe đã công bố một sản phẩm du lịch có tên: “SELF- HAPPINESS - Tự tìm hạnh phúc”.

“Sản phẩm du lịch này được nghiên cứu và công bố trong bối cảnh kinh tế - xã hội đầu thế kỷ 21 đang phát triển mất cân bằng khi chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế vật chất mà không quan tâm đến ổn định xã hội và môi trường. Bằng chứng là chỉ số GDP được coi trọng, còn các chỉ số hạnh phúc HPI hay GNH (liên quan đến ổn định xã hội và khai thác tài nguyên bền vững) thì chưa được quan tâm”, bà Hạnh nói.

Vị chuyên gia nêu thêm, “căn bệnh” thế kỷ của người dân tại các nước đã và đang phát triển hiện nay là cô đơn, bế tắc, mất niềm tin. Việc nhiều người dân sống trong tình trạng hoang mang, bất an, lo lắng, thậm chí trầm cảm... đã dẫn đến mất ổn định lớn trong xã hội.

anh-man-hinh-2024-01-27-luc-20.48.21.png
Các đại biểu thảo luận tại toạ đàm

Theo bà Hạnh, đi liền với khủng hoảng kinh tế là khủng hoảng niềm tin. Khung giá trị bị đảo lộn (loạn chuẩn), đúng sai không phân định, đạo đức xuống cấp… Mặt khác, tốc độ phát triển chóng mặt của khoa học công nghệ, thông tin đã làm cho con người bị tách tời khỏi thế giới thiên nhiên, nhốt kín mình trong căn phòng với các trang thiết bị nhân tạo như máy tính, iphone,… tạo ra một thế hệ trẻ sống lạnh lùng và vô cảm.

“Để tháo gỡ những vấn đề bức xúc trên của xã hội, con người cần những trải nghiệm để hiểu sâu hơn về giá trị cuộc sống, về bản chất của hạnh phúc và có được niềm tin từ bản thân mình. Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến, chỉ tự bản thân mỗi cá nhân mới có thể giúp mình hạnh phúc bằng cách tự khai mở tư duy, tầm nhìn và kiểm soát tốt cảm xúc bản thân”, bà Hạnh chia sẻ.

Một trong những giải pháp được bà Hạnh đề nghị là chú trọng hơn “du lịch chữa lành”. Theo bà, tại Việt Nam hiện nay, do nhận thức về tầm quan trọng của du lịch “chữa lành thân - tâm - trí ” còn hạn chế nên các loại hình du lịch chữa lành chưa được Nhà nước và các tổ chức xã hội quan tâm và đầu tư đúng mức.

Ngoài ra, do còn những cách hiểu khác nhau giữa du lịch chữa lành, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch y tế, du lịch thiền..., nên loại hình này cần được nghiên cứu sâu hơn, nhằm lựa chọn giải pháp phát triển đúng hướng.

Theo đó, du lịch cần có sự phối hợp với các ngành như khoa học, y tế để đưa ra các giải pháp chữa lành tâm, thân, trí; xây dựng liệu trình, bộ tiêu chí chuẩn hóa dịch vụ, quy trình khám, chữa bệnh tại những cơ sở du lịch; chính sách khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp đầu tư, xúc tiến quảng bá trong và ngoài nước...

PGS-TS.BS Nguyễn Tuấn Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Y Dược Việt cho hay: Điều kiện cần và đủ để xây dựng cá nhân, gia đình và quốc gia hạnh phúc đó là sức khỏe tâm lý và sức khỏe thể chất. Nếu nói một cách đầy đủ, sức khỏe con người phải chăm sóc từ thời thai giáo cho đến suốt đời. Và chúng ta có thể lên kế hoạch sức khỏe theo lộ trình, tiến tới đạt đến an nhiên, tự tại, đó mới là hạnh phúc thực thụ...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Nguyễn Thu Hạnh: 'Căn bệnh' cô đơn, bế tắc, mất niềm tin… đang dần phổ biến