Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề nghị tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, trong đó có công nghệ viễn thám, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… vào công tác phòng chống sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Nhịp đập khoa học

Tăng cường ứng dụng công nghệ viễn thám, AI, Big data… vào phòng chống thiên tai, cứu nạn

Lam Thanh 24/01/2024 17:38

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề nghị tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, trong đó có công nghệ viễn thám, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… vào công tác phòng chống sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Thiệt hại hơn 8.200 tỉ đồng vì thiên tai

Báo cáo tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 diễn ra ngày 24.1 cho hay: Từ đầu năm 2023 đến ngày 10.1.2024, cả nước xảy ra 5.331 sự cố, thiên tai, làm chết 924 người, mất tích 205 người, bị thương 977 người; chìm, cháy, hỏng 555 phương tiện; cháy 1.740 nhà, xưởng, ki-ốt chợ, 1.346 ha rừng và thảm thực vật.

Sự cố, thiên tai cũng đã làm hư hỏng 15.977 nhà; 115,56km đê, kè, kênh mương, 711 công trình thủy lợi, cuốn trôi 179 cầu tạm; hư hại 151.279ha lúa, hoa màu, 3.547ha nuôi trồng thủy sản, 104 lồng bè; chết 75.357 con gia súc, gia cầm. Tổng thiệt hại về kinh tế do sự cố, thiên tai ước tính khoảng 8.236 tỉ đồng.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ TN-MT) cho biết năm 2023 là năm nóng nhất trong lịch sử quan trắc khi nhiệt độ toàn cầu cao hơn mức tiền công nghiệp 1,45 độ C, tiến gần đến giới hạn đặt ra là 2 độ C trong Thỏa thuận Paris thông qua năm 2015. Tốc độ nóng lên toàn cầu nhanh đến mức Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phải thốt lên thế giới đang chuyển sang kỷ nguyên nung nóng toàn cầu.

Nắng nóng với nhiệt độ vượt kỷ lục được ghi nhận tại Tương Dương (Nghệ An) 44,2 độ C, đây cũng là giá trị nhiệt độ ngày cao nhất trên cả nước đã từng được quan trắc.

Tại Việt Nam, đã có tới 21/22 loại hình thiên tai đã xuất hiện, trong đó đáng chú ý là xuất hiện nhiều trận mưa cực đoan thời đoạn ngắn với lượng mưa 24 giờ có nơi đạt trên 800mm.

Các hiện tượng lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại Sa Pa và Bát Xát, tỉnh Lào Cai; sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc và TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn dự báo hiện tượng El Nino (pha nóng) sẽ còn tiếp tục kéo dài đến giữa năm 2024 và đạt đỉnh, nên năm 2024 có thể là năm thứ 10 liên tiếp nhiệt độ trung bình toàn cầu lên cao nhất và thiên tai sẽ bất thường hơn.

Cơ quan này cảnh báo nguy cơ thiếu nước ở khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ trong nửa đầu năm, ở Trung Bộ trong các tháng 6, 7, 8. Hiện tượng nắng nóng tại khu vực Nam Bộ, khu vực Tây Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm.

Đặc biệt, bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ở Biển Đông sẽ nhiều hơn, dự báo cơ cấu bão ở Biển Đông sẽ chiếm 1/3 so với toàn bộ số cơn bão; mưa dông và mưa lớn thời đoạn ngắn xuất hiện thường xuyên hơn, gây lở đất vùng núi, ngập lụt đô thị.

quang.png
Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ 2023

Do ảnh hưởng của khối không khí lạnh có cường độ mạnh nhất mùa đông 2023-2024, hiện ở Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ đã xảy ra rét hại trên diện rộng, với nhiệt độ trung bình ngày thấp hơn 13 độ C, nhiều nơi ở vùng núi phía bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh đã xảy ra băng giá.

Dự báo đợt rét đậm, rét hại này có thể kéo dài đến khoảng ngày 28.1, nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 8-10 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ từ 3-6 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ C; khu vực Bắc Trung Bộ phổ biến từ 9-11 độ C; khu vực Trung Trung Bộ từ 12-15 độ C.

Ứng dụng công nghệ trong phòng chống thiên tai

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề nghị phải tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, trong đó có công nghệ viễn thám, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… vào công tác phòng chống sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang quán triệt quan điểm tuyệt đối không được chủ quan trong công tác phòng chống thiên tai do tình hình thời tiết được dự báo sẽ tiếp tục thay đổi bất thường, nắng nóng vào đầu năm, mưa bão vào cuối năm.

Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị tập trung rà soát những vướng mắc về thể chế liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn để kịp thời sửa đổi cho phù hợp yêu cầu thực tiễn.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương phải giữ nguyên tắc phòng hơn chống. Muốn vậy phải cung cấp thông tin, hướng dẫn kịp thời cho người dân, kể cả bằng tin nhắn điện thoại, để người dân tự bảo vệ được chính mình và từng bước xây dựng ý thức cùng tham gia công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu phải thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát ở cơ sở; quan tâm đào tạo kỹ năng cơ bản cho các lực lượng chức năng ở cấp cơ sở; phối hợp tốt cả trong diễn tập, trong phòng, chống thiên tai và cứu nạn. Công tác diễn tập phải bảo đảm sát với thực tiễn, tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức; tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Bài liên quan
Tỷ phú giàu thứ hai Trung Quốc yêu cầu người giàu nhất nước xin lỗi vì bị công kích trên các ứng dụng của ByteDance
Zhong Shanshan (Chung Thiểm Thiểm), người sáng lập hãng đồ uống đóng chai khổng lồ Nongfu Spring, đổ lỗi cho các ứng dụng mạng xã hội của ByteDance vì đã tiếp tay cho các cuộc tấn công trực tuyến nhắm vào ông.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
một giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng cường ứng dụng công nghệ viễn thám, AI, Big data… vào phòng chống thiên tai, cứu nạn