Do các đại gia Việt không lớn lên từ công nghệ mà lớn lên từ cơ chế, chính sách nên các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh nổi với các DN FDI khi TPP, Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuộc chính thức... Và nay mai dân Việt có thể chuyển qua ăn gạo Thái, Campuchia", TS Nguyễn Văn Lạng nhận định.

TS Nguyễn Văn Lạng: Nay mai dân Việt có thể chuyển qua ăn gạo Thái, Campuchia

02/06/2016, 16:36

Do các đại gia Việt không lớn lên từ công nghệ mà lớn lên từ cơ chế, chính sách nên các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh nổi với các DN FDI khi TPP, Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuộc chính thức... Và nay mai dân Việt có thể chuyển qua ăn gạo Thái, Campuchia", TS Nguyễn Văn Lạng nhận định.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, tính đến hết nửa đầu tháng 5.2016, trị giá xuất khẩu của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã tăng thêm 3,43 tỉ USD (tương ứng mức tăng 9%) so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm đến 70,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong khi hàng hóa xuất khẩu của DN trong nước chiếm chưa đến 30%.

Con số trên cho thấy việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào khối DN có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này khiến vị thế của DN trong nước ngày càng lép vế, nhỏ bé theo thời gian. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hội thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Theo thống kê, tính đến hết nửa đầu tháng 5.2016, trị giá xuất khẩu của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam chiếm 70,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong khi DN trong nước chiếm chưa đến 30%. Ông đánh giá sao về con số này?

Tôi không có gì ngạc nhiên về con số này. Năm ngoái con số này là 68% mà chưa đầy nửa năm đã lên 70,1%. Các dự án nước ngoài đang được đẩy mạnh vào Việt Nam, với tốc độ đầu tư như vậy thì kim ngạch xuất khẩu của DN FDI sẽ tăng nữa và có thể lên đến 80%. Điều này chắc chắn xảy ra vì khi tốc độ đầu tư của các DN FDI vào Việt Nam lớn hơn các DN trong nước thì đương nhiên từ xuất phát điểm của họ là 60% sẽ tăng lên 70%, 80% và sắp tới sẽ tăng hơn nữa.

Các nhà đầu tư nước ngoài đang tiến vào những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế như: điện tử, bán dẫn, điện thoại. Lâu nay các nhà đầu tư đồ gỗ, đồ mộc của thế giới cũng tràn vào Việt Nam để tận dụng lợi thế là Việt Nam không có nguyên liệu, kỹ thuật, trong khi chi phí nhân công của Việt Nam lại rẻ. Đây chính là điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Mặt khác, Việt Nam là nền kinh tế phát đang phát triển với gần 100 triệu dân, bản thân thị trường Việt Nam đã là lớn rồi. Việc các nhà đầu tư nước ngoài có giá trị kim ngạch xuất khẩu lên 70,1% là điều tất yếu.

Đây là điều vừa đáng mừng lại vừa đáng lo. Đáng lo là chúng ta không có công nghệ gốc, công nghệ lõi do chính các nhà khoa học của Việt Nam tạo ra cho các DN phát triển. Kết quả là, do các đại gia Việt Nam không lớn lên từ công nghệ mà lớn lên từ cơ chế, chính sách nên các DN Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh nổi với các DN FDI khi TPP, Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuộc chính thức.

Thực trạng DN nội yếu thế trước DN nước ngoài phải chăng không chỉ do bản thân DN mà do vẫn còn những khúc mắc về cơ chế chính sách?

Điều này là hiển nhiên, do cơ chế chính sách định hướng phát triển chưa đúng. Lâu nay các DN nước ta lớn lên từ kinh doanh bất động sản, khai khoáng, khai thác tài nguyên và dựa vào lợi thế, chênh lệch địa tô và những mối quan hệ để có thể phát triển, giàu lên thành những đại gia lớn. Có rất ít những đại gia lớn lên từ công nghệ theo các mô hình như Facebook, Google, Microsoft… Nếu chúng ta có những DN đi lên theo hướng như vậy thì mới phát triển và cạnh tranh được.

Theo tôi, chúng ta cần phải bắt đầu từ công nghệ gốc, công nghệ lõi do chính người Việt Nam tạo ra. Thậm chí có thể mua sản phẩm từ nước ngoài về nghiên cứu. Nếu không tự nghiên cứu được thì có thể thuê người nước ngoài về nghiên cứu vì công nghệ riêng của mình có phát triển thì mới cạnh tranh với thế giới được.

Theo ông, DN trong nước cần làm gì để cải thiện khả năng cạnh tranh với DN FDI tại chính thị trường Việt Nam?

Cạnh tranh mạnh nhất giữa các DN, kể cả FDI hay trong nước đều là cạnh tranh về chất lượng và giá thành sản phẩm. Chất lượng sản phẩm phải mang tính cạnh tranh, giá thành phải thấp. Thêm vào đó, quản trị doanh nghiệp phải theo các tiêu chuẩn của thế giới và cuối cùng là phải có PR, marketing để xã hội, người tiêu dùng biết đến sản phẩm thì lúc đó mới thành công được.

Việt Nam đang tích cực hội nhập với thế giới, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do nên thách thức với các DN xuất khẩu là không hề nhỏ. Ông đánh giá như thế nào về những thách thức này và định hướng sắp tới để giúp DN Việt chuyển mình tốt hơn?

Trên thực tế, tỷ lệ các DN Việt Nam quan tâm cũng như biết đến các hiệp định thương mại tự do lớn như: TPP, Cộng đồng Kinh tế ASEAN… là còn quá nhỏ. Điều này thực sự đáng lo và sẽ là thách thức cho DN Việt Nam.

Có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đó là do cơ quan quản lý nhà nước chưa tập trung hướng dẫn nhiều cho DN; chưa vận động giới thiệu trên các phương tiện để DN có thể hiểu sâu hơn về nội dung của TPP, nội dung của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, WTO...

Các DN phải tự đổi mới mình nếu không sẽ khó tồn tại ngay cả trên sân nhà chứ chưa nói gì đến việc ra thế giới. Ví dụ như trong lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam hiện nay, Thái Lan, Philippines, Malaysia… đã vào. Sắp tới có thể họ sẽ nhanh chóng thâu tóm Saigon Co-op, Trần Anh… Nếu không mua thì họ cũng sẽ dùng hàng của họ để tấn công vào thị trường bởi hàng rào thuế quan đã không còn, trong khi chất lượng sản phẩm của họ tốt, giá bán rẻ và dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn.

Chính vì thế DN Việt cần phải vươn lên về quản trị, tiếp thị, chất lượng sản phẩm, phải tạo được niềm tin cho chính người tiêu dùng trong nước. Đặc biệt, DN phải đổi mới công nghệ tiên tiến, đạt tiêu chuẩn thế giới, còn không thì phải nâng cấp công nghệ lên, phải đánh đổi chi phí khổng lồ cho lĩnh vực này để phát triển.

Như ông đã nói, Thái Lan đang ồ ạt tấn công thị trường Việt Nam. Vậy theo ông, lĩnh vực nào của Việt Nam sẽ là điểm nhắm tiếp theo của các nhà đầu tư Thái Lan?

Tôi nghĩ rằng họ sẽ quan tâm đến nông nghiệp, trong nông nghiệp sẽ là công nghệ. Giống lúa của Thái Lan được xem là ngon hơn giống lúa của Việt nam, xoài Thái ngon hơn xoài Việt, mít Thái ngon hơn mít Việt, cam Thái không hạt hơn cam Việt, củ sắn của Thái có năng suất lên tới 40 tấn, trong khi củ sắn của Việt Nam chỉ có 10 tấn... Thái Lan sẽ tấn công hết, không chỉ riêng lĩnh vực bán lẻ. Nay mai có thể người dân Việt sẽ chuyển qua ăn gạo Thái, gạo Campuchia... vì chất lượng gạo của họ ngon hơn.

Nguyên nhân chủ yếu khiến Thái Lan, Campuchia thắng Việt Nam trong cả lĩnh vực nông nghiệp là do họ biết đầu tư vào công nghệ cho hạt gạo. Thời đại này là thời đại công nghệ và chắc chắn thời gian tới họ sẽ tấn công ngày càng mạnh. Chỉ lĩnh vực nông nghiệp thôi nhưng đã có hàng trăm sản phẩm Thái Lan vào Việt Nam. Năng suất của họ luôn hơn ta gấp đôi trong khi giá bán bằng nhau vì họ luôn đi trước chúng ta về công nghệ, về giống, kỹ thuật canh tác, thu hoạch...

Các nhà đầu tư Thái Lan cũng đang vào Việt Nam để bán giống, bán công nghệ. Các lò đốt rác hiện nay ở Việt Nam là 100% của Thái Lan. Do đó, nếu các viện nghiên cứu của ta không thay đổi, không tạo ra giống mới thì chính người dân Việt Nam sẽ mua giống Thái Lan, và khi đó Thái Lan đương nhiên thắng.

Xin cám ơn ông!

Tuyết Nhung (thực hiện)

Ảnh: TS Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hội thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
một giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Nguyễn Văn Lạng: Nay mai dân Việt có thể chuyển qua ăn gạo Thái, Campuchia