Nếu mô hình này – bao gồm cả chính sách của nhà nước và tập quán của người dân và doanh nghiệp – không thay đổi, thì tụt hậu là điều không thể tránh khỏi và sự tan rã của ĐBSCL chỉ là vấn đề thời gian.
Chiều 15.12.2020, tại TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), BTC Mekong Connect đã tổ chức họp báo giới thiệu nội dung Diễn đàn kinh tế năm nay.
Theo đó, Mekong Connect 2020 với chủ đề chính “Đưa sản phẩm dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu” sẽ chính thức khai mạc ngày 21.12.2020 tại TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp. Đây là lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức tại Đồng Tháp và là lần thứ 5 Mekong Connect được tổ chức ở ĐBSCL.
Một ngày trước khi họp báo, VCCI và Đại học Fulbright đã công bố “Báo cáo thường niên đầu tiên về kinh tế ĐBSCL” tại Cần Thơ với sự tham dự rộng rãi của lãnh đạo các tỉnh đồng bằng: Đồng Tháp, Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long...
Báo cáo được các doanh nghiệp tham dự đánh giá là khá công phu, nhiều số liệu và phân tích có tính cảnh báo về những bất cập, sa sút của đồng bằng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và sự chậm thay đổi thể chế và chính sách.
“Nếu mô hình này – bao gồm cả chính sách của nhà nước và tập quán của người dân và doanh nghiệp – không thay đổi, thì tụt hậu là điều không thể tránh khỏi và sự tan rã của ĐBSCL chỉ là vấn đề thời gian. Ngược lại, nếu đủ dũng khí và trí tuệ để chuyển sang mô hình phát triển mới, những thách thức hiện nay sẽ trở thành cơ hội to lớn để ĐBSCL tăng cường năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, từ đó mở ra một tương lai xán lạn cho hơn 17 triệu đồng bào cũng như những thế hệ tương lai”, báo cáo viết.
Phát biểu tại Lễ công bố “Báo cáo thường niên đầu tiên về kinh tế ĐBSCL”, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC nói: “Hôm nay, tôi rất đồng tình với ý kiến ông Phạm Thiện Nghĩa, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khi cho rằng, điểm yếu nhất trong xây dựng kinh tế ĐBSCL là vấn đề kết nối, hợp tác. Số liệu doanh nghiệp đồng bằng mà báo cáo nêu thật đáng buồn. 13 tỉnh chiếm gần 20% dân số mà tổng số doanh nghiệp chỉ chiếm 8% tổng số doanh nghiệp cả nước. Mekong Connect chính là để góp sức thêm để nâng con số doanh nghiệp đó lên, nâng mối quan hệ hợp tác nói chung giữa các tỉnh đồng bằng chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn. Tôi kêu gọi các chuyên gia, các nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân tăng cường kết nối, chia sẻ với nhau hơn nữa vì một đồng bằng tiến bộ đúng với lẽ ra nó phải được”.
Theo BTC, trong phiên khai mạc Mekong Connect 2020, các diễn giả từ VCCI, đại diện bốn tỉnh ABCD Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp), đại diện Phòng Thương mại châu Âu - Eurocham, Phòng Thương mại Hoa Kỳ - Amcham sẽ cùng điểm lại những nét lớn của kinh tế đồng bằng, sức mạnh liên kết vùng trong phát triển, hiệp định tự do thương mại châu Âu – Việt Nam (EVFTA) và định hướng phát triển của đồng bằng, và đầu tư cho nguồn năng lượng mới để tạo chuyển biến cho kinh tế ĐBSCL.
Trong phiên thảo luận chính, các diễn giả sẽ trao đổi về những giải pháp lớn cho năm 2021 và sắp tới: thực hiện kinh tế tuần hoàn, đổi mới công nghệ để xây dựng nông nghiệp bền vũng và hiệu quả, chọn đối tác đầu tư để phát huy các nguồn lực của đồng bằng, trong đó rất quan trọng là nguồn năng lượng sạch và giải pháp nào để tận dụng các hiệp định thương mại tư do quan trọng để doanh nghiệp ĐBSCL bước vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Buổi chiều, 4 tỉnh ABCD Mekong có 4 phiên thảo luận nhóm riêng tập trung các góc nhìn khác nhau của chủ đề chính, cũng là vấn đề của kinh tế địa phương...