Chênh lệch giữa chỉ tiêu GRDP tổng hợp từ 63 tỉnh, thành và chỉ tiêu GDP của cả nước diễn ra phổ biến và khoảng cách không ngừng nới rộng.

Chênh lệch GRDP từ 63 tỉnh, thành và GDP cả nước diễn ra thời gian dài

Lam Thanh | 11/12/2020, 16:00

Chênh lệch giữa chỉ tiêu GRDP tổng hợp từ 63 tỉnh, thành và chỉ tiêu GDP của cả nước diễn ra phổ biến và khoảng cách không ngừng nới rộng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện Đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương" (Đề án 715/QĐ-TTg).

thong-ke.jpg
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - Ảnh: VGP

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, quy trình biên soạn mới được xây dựng và áp dụng từ năm 2017 đã thu được kết quả bước đầu quan trọng. Số liệu GRDP biên soạn và công bố theo quy trình mới phản ánh chính xác hơn tình hình kinh tế - xã hội của các địa phương, được sử dụng một cách tin cậy.

Việc biên soạn GRDP và tổng sản phẩm trong nước tiến hành đồng thời tại Tổng cục Thống kê tạo khả năng đối chiếu, so sánh, nâng cao chất lượng số liệu của cả 2 tiêu chí.

Một trong những ưu điểm nổi bật của quy trình biên soạn và công bố GRDP theo Đề án 715/QĐ-TTg là thông tin đầu vào được thu thập từ nhiều nguồn; xử lý qua nhiều cấp, nhiều vòng với sự tham gia của nhiều đơn vị nghiệp vụ.

Theo kết quả 2 cuộc khảo sát đánh giá thực hiện đề án do Tổng cục Thống kê tiến hành tháng 9 và 11.2020 tại 63 Cục thống kê địa phương, có 49/63 Cục thống kê, tương ứng 77,8% cho rằng, số liệu GRDP phù hợp với quy mô kinh tế địa phương; 47/63 Cục thống kê, tương ứng 74,6% cho rằng phù hợp về tốc độ tăng và 51/63 Cục thống kê, tương ứng 81,0% cho rằng phù hợp về cơ cấu kinh tế trên địa bàn…

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trước đây, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) do Cục thống kê biên soạn và công bố chưa phản ánh sát thực trạng quy mô, tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội tại địa phương.

Theo đó, trong một thời gian dài, chênh lệch giữa chỉ tiêu GRDP tổng hợp từ 63 tỉnh, thành phố và chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP của cả nước) diễn ra phổ biến và khoảng cách không ngừng nới rộng qua từng năm, thậm chí có năm lên tới 2 con số.

Ví như, năm 2011, GDP của cả nước do Tổng cục Thống kê biên soạn và công bố được các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế thống nhất sử dụng chỉ tăng 6,24% so với năm 2010.

Trong khi đó, 61 địa phương có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng GDP của cả nước với 27 địa phương có tốc độ tăng trên 10%. Kết quả tổng hợp GRDP do địa phương tính toán và công bố cho thấy tốc độ tăng GDP của cả nước năm 2011 lên tới hơn 11%, gấp gần 1,8 lần tốc độ tăng chung do Tổng cục Thống kê biên soạn và công bố.

Tương tự, năm 2012 tốc độ tăng tổng GRDP của các địa phương là 9,13%, gấp 1,74 lần so với tốc độ tăng GDP (5,25%) do Tổng cục Thống kê biên soạn. Dù năm 2012 kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục gặp khó khăn, nhưng không có địa phương nào biên soạn và công bố tăng trưởng GRDP thấp hơn tốc độ tăng 5,25% của cả nước, thậm chí vẫn có 21 địa phương tăng GRDP trên 10%.

Theo Tổng cục Thống kê, sự vênh nhau giữa số liệu thống kê GRDP và GDP đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công tác xây dựng, chỉ đạo, điều hành thực hiện các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Hương nói: “Sự không thống nhất giữa số liệu GDP ở trung ương và GRDP ở địa phương cho thấy chất lượng số liệu thống kê còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và vị thế của ngành Thống kê nói chung”. Từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công tác xây dựng, chỉ đạo, điều hành thực hiện các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Về nguyên nhân chủ yếu của tình trạng chênh lệch này, bà Nguyễn Thị Hương cho biết: “Một là khó khăn trong việc thu thập thông tin theo nguyên tắc thường trú của Tài khoản quốc gia, dẫn đến có sự tính trùng giữa các địa phương. Hai là bệnh thành tích của các địa phương. Ba là đội ngũ công chức, viên chức thống kê chuyên sâu về tài khoản quốc gia của các Cục Thống kê còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng”.

Bà Nguyễn Thị Hương cho biết, năm 2016, Tổng cục Thống kê tiến hành rà soát, tính toán lại số liệu GRDP thời kỳ 2011-2015; tính thử nghiệm GRDP 6 tháng đầu năm và cả năm 2016.

Năm 2017, Tổng cục Thống kê chính thức biên soạn và công bố chỉ tiêu GRDP cho các địa phương. Kết quả biên soạn GRDP của các địa phương là một trong căn cứ quan trọng để Tổng cục Thống kê xem xét, đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010 - 2017.

Kết quả biên soạn GRDP và đánh giá lại quy mô GDP mang đến bức tranh đầy đủ, rõ nét hơn về thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả nước.

Theo bà Hương, kết quả của việc đổi mới, hoàn thiện và thống nhất thực hiện quy trình biên soạn GRDP theo Đề án 715, số liệu GDP và GRDP giữa Trung ương, địa phương đã tương thích cả về quy mô và tốc độ. Số liệu GRDP đã được hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhất quán sử dụng trong quản lý, điều hành và hoạch định chính sách.

Nếu giai đoạn 2011-2015, có 62/63 tỉnh thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân trên 10% (trong khi tốc độ tăng trưởng GDP bình quân cả nước thực tế chỉ đạt 5,91%), thì giai đoạn năm 2016-2020 chỉ còn 16/63 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch tăng trưởng GRDP trên 10%.

Bài liên quan
9 tháng đầu năm GDP tăng 6,98%, cao nhất trong 8 năm qua
Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm ước đạt 6,98% là mức tăng trưởng nhanh nhất trong 8 năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chênh lệch GRDP từ 63 tỉnh, thành và GDP cả nước diễn ra thời gian dài