COVID-19 đang tàn phá nước Mỹ nhưng dưới góc độ lịch sử, giáo sư sử học Jacob Soll đến từ University of Southern California tin rằng Mỹ có thể tận dụng cơ hội để vươn lên sau đại dịch. Một Thế Giới xin giới thiệu bài viết trên Politico.

Từ COVID-19, liệu nước Mỹ có thể học được gì từ Florence thế kỷ 14?

27/07/2020, 11:35

COVID-19 đang tàn phá nước Mỹ nhưng dưới góc độ lịch sử, giáo sư sử học Jacob Soll đến từ University of Southern California tin rằng Mỹ có thể tận dụng cơ hội để vươn lên sau đại dịch. Một Thế Giới xin giới thiệu bài viết trên Politico.

Bức tranh The Triumph of Death mô tả Florence thời kỳ dịch hạch

Đại dịch COVID-19 đã tàn phá nền kinh tế của Mỹ. Khoảng 33 triệu người đã khai báo thất nghiệp và cái đói đang rình rập hàng triệu người Mỹ khác và đó chỉ là vài hệ lụy khác từ sự tàn phá của chính dịch bệnh này.

Tuy nhiên, tai họa lớn có thể mang đến cơ hội lớn hơn. Các nhà tư tưởng đã suy xét đến việc thế giới có thể trở nên tốt hơn, hoặc thông minh hơn từ dịch bệnh COVID-19. Và lịch sử có một tiền lệ để chứng minh điều này: Thời kỳ Phục hưng Ý có thể đã bắt đầu trước khi xảy ra trận dịch hạch thế kỷ 14, còn được gọi là Cái Chết Đen, nhưng có một bằng chứng mạnh mẽ rằng đại dịch này, dù cho có tàn phá và tạo ra những thay đổi xã hội, đã giúp thúc đẩy tiến trình Phục hưng, đặc biệt là ở Florence. Trong một thời gian, nền kinh tế Florence đã trở mình với sự di động xã hội đáng chú ý, và nơi đây đã trở thành trung tâm hàng đầu của Châu Âu về sáng tạo nghệ thuật, văn hóa và khoa học.

Liệu chúng ta có thể hy vọng rằng coronavirus sẽ mở ra một kỷ nguyên vàng của sự di chuyển kinh tế, sáng tạo, học tập và thành tựu nghệ thuật? Câu chuyện về Florence gần đây là chủ đề của một bài viết sâu rộng đưa ra lập luận này. Nhưng ví dụ về Florence, trong khi khá tích cực về vài mặt, cũng cho thấy những dấu hiệu chúng ta đang làm sai. Cách tiếp cận của người Florence đối với Cái Chết Đen là một mô hình hữu ích khi thế giới đang tìm cách xây dựng lại sau COVID-19, và nếu nhìn thật kỹ, có thể thấy câu chuyện chứa đựng vài lời cảnh báo cho chúng ta, và một số bài học mà chúng ta đã bỏ lỡ.

Về số lượng người chết, Cái Chết Đen năm 1348 là một nỗi kinh hoàng chưa từng thấy. Trận dịch hạch đã giết chết khoảng 30 đến 70 phần trăm người dân châu Âu và khiến những người sống sót bơ vơ. Ở đỉnh điểm của bệnh dịch hạch năm 1349, nhà thơ Petrarch đã viết: “Cuộc đời chúng ta dẫn dắt là một giấc ngủ; bất cứ điều gì chúng ta làm, những giấc mơ. Chỉ có cái chết phá vỡ giấc ngủ và đánh thức chúng ta khỏi giấc mơ. Tôi ước mình đã có thể thức dậy từ trước đó”. Con trai của ông sống sót qua bệnh dịch hạch chỉ để mất mạng trong lần bệnh tái phát năm 1361.

Vùng đất châu Âu sau đó thật khác biệt và sự suy giảm dân số đã mang đến những cơ hội mới. Florence có thể là ví dụ rõ ràng nhất về việc bệnh dịch hạch dẫn đến sự mở cửa đáng chú ý của hệ thống xã hội khi các gia đình và tổ chức giàu có chào đón những người được gọi là “người mới” gia nhập gia tộc và hội kinh doanh của họ.

May mắn thay xã hội Florence đã có sẵn nền tảng cho sự thay đổi. Trước trận dịch năm 1348, Florence đã bắt đầu mở cửa thành phố để thu hút người mới, những người không thuộc giới quý tộc nhưng dựa vào kinh doanh để làm nên tài sản thay vì được kế thừa đất nông nghiệp hoặc tiền ngân hàng đời ông bà. Thành phố cũng tiếp nhận những tư tưởng giáo dục khác nhau. Florence đầu thế kỷ 14 chứa đầy những công chứng viên được giáo dục tốt, và thậm chí cả những nghệ nhân. Nơi đây, ngay cả trước khi xảy ra bệnh dịch, cũng trải qua một sự thay đổi mới. Giai đoạn từ 1339 đến 1349 được gọi là “thập kỷ thảm họa” trong lịch sử Florence, khi các ngân hàng lớn của Bardi, Peruzzi và Acciaiuoli phá sản trong những năm trước 1348, kéo theo các công ty nhỏ hơn cùng với họ. Sau đó, một thay đổi lớn hơn đã đến: Khoảng 60 phần trăm dân số đã chết trong bệnh dịch, bao gồm nhiều thành viên đứng đầu và trụ cột của các gia tộc lớn. Với môi trường kinh doanh không ổn định và nguồn lao động khan hiếm, các gia đình quý tộc cũ đã phải từ bỏ công việc kinh doanh của mình và đầu tư tài sản của họ vào bất động sản và trái phiếu an toàn hơn.

Nhưng với những khoảng trống hình thành bởi chết chóc hàng loạt ở mọi cấp độ trong xã hội Florence, “người mới” đã tràn vào vùng đất này. Điều này không phải là tin tốt đối với những người dân cũ. Ngay cả trước Cái Chết Đen, nhà sử học Giovanni Villani, người sau này sẽ chết vì bệnh dịch hạch khi đang viết cuốn sách Chronica của mình, đã phàn nàn rằng thành phố chứa đầy “nghệ nhân, lao động chân tay và những tên ngốc”, những người đã gây cho thành phố nhiều “rắc rối”. Tuy nhiên, sau trận dịch hạch, nhiều người trong số những “người mới” này bắt đầu làm ra được tài sản đáng kể, nhiều như các gia tộc ngân hàng lâu đời trước đó. Và bây giờ đến lượt họ khinh thường các gia đình quý tộc. Vào năm 1378, điều này đã góp phần dẫn đến một cuộc nội chiến giữa đảng Guelph của những gia đình quý tộc một bên, và những người lao động mới và nhân công lương thấp đảng Ciompi bên còn lại.

Trong khi cuộc ganh đua nổ ra, nó cũng buộc các tổ chức phải mở cửa, khi những người lao động mới gia nhập vào các hiệp hội chính trị và công dân.

Ở các tầng lớp dưới giới thượng lưu, dịch bệnh là một món quà cho những người lao động còn sống và bắt đầu thu hút những tài năng mới cho thành phố. Những người sống sót sau bệnh dịch và nhận được những khoản thừa kế lớn gặp vấn đề trong việc lấp đầy vị trí lao động chân tay. Lao động có tay nghề bị thiếu hụt và tiền lương của những dân lao động không có kỹ năng đã tăng lên ở một số khu vực. Khi các nghệ nhân địa phương gia nhập bang hội của các chủ ngân hàng và các nhà sản xuất tơ lụa thượng lưu, những người ngoại thành đã đến để gia nhập họ. Ngay cả những người không phải là dân Florence cũng được phép tham gia vào các bang hội danh tiếng, chẳng hạn như “Thương gia Prato” nổi tiếng, ông Frances Frances Datini, người đã làm ra một tài sản cá nhân lớn qua các ngành nghề cũ như ngân hàng, làm len, buôn bán phèn và vũ khí.

Chính quyền thành phố cho phép có sự đại diện từ tất cả tầng lớp của các bang hội, để cho những người lao động và nghệ nhân thấp kém hơn của các bang hội được ngồi trong chính phủ cùng với những người giàu có, và được trao cơ hội tham gia điều hành. Điều này không có nghĩa là có sự đại diện đầy đủ và quyền hợp pháp cho tất cả các thành viên của xã hội, nhưng việc này đã mở rộng sự tham gia vào xây dựng chính phủ. Hệ thống pháp lý đã xem xét gần như bình đẳng cho các vụ kiện, bất kể khác biệt tiền của và giai cấp. Các trường học được mở cửa và đón tiếp nam giới (giáo dục thời đó chủ yếu tiếp nhận nam giới) của tất cả các tầng lớp. Người dân Florence đạt đến trình độ giáo dục đáng kinh ngạc vào cuối những năm 1300 trong việc đọc hiểu chữ viết và kế toán tài chính, cả hai đều rất quan trọng đối với sự tái sinh của thành phố. Một thế kỷ sau, người đàn ông tiếp quản nước cộng hòa Florence, Cosimo de’ Medici, đã gửi con trai của mình đến trường cùng với một cậu bé hành nghề làm đồng thau, một sự tương phản không thể tin được vào thời Trung cổ.

Chính bầu không khí di động của xã hội và kinh tế, giáo dục và sự tham gia rộng rãi vào chính phủ đã dẫn đến thời kỳ Phục hưng của Florence. Các nghệ nhân và nghệ sĩ có thể tham gia đầy đủ vào đời sống kinh tế và xã hội của Florence. Một số nghệ sĩ, như Brunelleschi, con trai của một công chứng viên, có một nền giáo dục cổ điển. Nhiều người khác theo học các trường kế toán bàn tính, và tự mình làm quen với việc học nghệ thuật Rome cổ điển, thông qua sự thích thú cá nhân, hoặc tại các cửa hàng. Trong mọi trường hợp, họ có khả năng thúc đẩy mình lên một địa vị xã hội cao hơn, từ nghệ nhân thấp kém đến nghệ sĩ nổi tiếng, và khả năng đọc hiểu chữ viết của họ là chìa khóa để đạt được điều đó. Họa sĩ vĩ đại Filippo Lippi là con trai của một người bán thịt; cả Lorenzo Ghiberti và Donatello đều là thợ kim hoàn (Donatello được đào tạo tại cửa hàng của Ghiberti). Leonardo da Vinci là con trai của một công chứng viên và một phụ nữ nông dân, người đã rèn luyện để trở thành một nghệ sĩ làm trợ lý trong xưởng Verrocchio. Leonardo tự học tiếng Latin và hình học, vốn là nền tảng của các tác phẩm và phát minh đáng kinh ngạc của ông. Tất nhiên, không phải mọi thứ đã thay đổi: Chính sự bảo trợ của người giàu đã mang lại cho các nghệ sĩ sự tự do nghệ thuật và sự nổi tiếng.

Bài học của Florence không phải là bệnh dịch có lợi cho bạn. Không ai muốn hàng ngàn hoặc hàng triệu người chết để những người khác có thể có cơ hội chiếm lấy vị trí của họ.

Nhưng nó cho thấy rõ rằng các hệ thống và cơ hội phù hợp là rất quan trọng để hưởng lợi từ một cuộc khủng hoảng.

Một xã hội theo một cách nào đó bị mắc kẹt bởi tầng lớp quý tộc và truyền thống của nó sau đó tự đặt mình vào vị trí để tận dụng khi những điều đó bị gỡ bỏ, thông qua sự nhiệt tình trong học hỏi và nghệ thuật, kết quả khiến Florence trở thành một trung tâm sáng tạo, học thuật và sáng tạo nghệ thuật cùng với sự thịnh vượng trong nhiều thế kỷ.

Bây giờ liệu chúng ta có cơ hội đó không? Có thể. Chúng ta chắc chắn có được phương tiện và các tổ chức để đạt được những mục tiêu này.

Nhưng các dấu hiệu hiện nay đó là ít nhất nước Mỹ đang đi sai đường. Khi nền kinh tế đang thoái trào, những người lao động thu nhập thấp và trung bình đang bị sa thải, trong khi ở đầu kia, thị trường chứng khoán đã tăng vọt và giá trị ròng của những người Mỹ giàu có tiếp tục tăng. Khi các doanh nghiệp nhỏ đang đóng cửa, cổ phiếu Amazon có giá trị hơn cả. Nhiều người Mỹ giàu có đang trục lợi và giữ an toàn, trong khi những người Mỹ bất ổn định mặt kinh tế bước vào những công việc đầy rủi ro, và những người trẻ tuổi, người nghèo và người nhập cư, một thế hệ tài năng để giúp xây dựng tương lai, đang từng ngày bị chặn cửa trong việc gia nhập quốc gia này.

Người Florence đã sử dụng bệnh dịch hạch, một phần có mục đích và một phần tình cờ, để thu hẹp khoảng cách tiền của và tạo ra những loại cơ hội mới và tầm nhìn mới về thế giới. Ngay bây giờ, có vẻ như COVID-19 đang làm điều ngược lại, nới rộng khoảng cách bất bình đẳng nhiều hơn nữa, để nó chia rẽ xã hội của chúng ta thậm chí còn triệt để hơn.

Mỹ vẫn có khả năng chữa cháy từ thảm họa này. Vào thời điểm nền kinh tế mở cửa trở lại, đương nhiên phải xây dựng nền tảng cho mọi người dưới đáy xã hội để nắm bắt những cơ hội mà dịch bệnh mang tới. Và ở đây, Florence có thể mang lại một bài học khác: Điều thực sự mở ra thời kỳ Phục hưng là một sự đi sâu vào học tập nhân quyền. Mọi người từ mọi tầng lớp đều đọc về quá khứ xa xưa, nghiên cứu sách vở với hy vọng tái tạo lý tưởng của Cicero về sự tái sinh của công dân thông qua giáo dục.

Nước Mỹ đã thực hiện quyền này (hoặc ít nhất là đúng một phần) trước đây: Sau khi kết thúc Thế chiến thứ II, dự luật GI cho phép nam thanh niên nghiên cứu nghệ thuật và khoa học để họ có thể mơ ước và đạt được những điều mà cha mẹ họ đã không làm được. Dự luật này không giải quyết được tất cả các bất bình đẳng của nước Mỹ; những người hưởng lợi chủ yếu là người da trắng, và người da đen được hưởng lợi ít hơn nhiều. Nhưng chúng ta có thể học được gì đó từ sự thúc đẩy đằng sau nó. Đó là bằng cách pha trộn sự nhân văn lớn với các kỹ năng thủ công thực tế và một xã hội sẵn sàng sử dụng chúng, Florence đã sản sinh ra Donatello và da Vinci. Những vĩ nhân của chúng ta cũng vậy, đang ở đâu đó ngoài kia, hiện diện trong tất cả các chủng tộc và tín ngưỡng. Tất cả những gì họ cần là một cơ hội.

Hoàng Phương (dịch)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
1 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ COVID-19, liệu nước Mỹ có thể học được gì từ Florence thế kỷ 14?